Năm 2012, TP.HCM sẽ khởi công nhiều công trình quan trọng từng được xem là “điểm nóng” về giao thông từ nhiều năm qua. Dự kiến nhu cầu vốn cần huy động gần 50.000 tỷ đồng. Thế nhưng, liệu mục tiêu này có đạt được khi số vốn đầu tư vượt quá khả năng của thành phố.
Đồng loạt triển khai
Công trình bức bách điển hình nhất là cầu Sài Gòn 2 đã được lên kế hoạch khởi công xây dựng trong quý 1/2012 để giảm bớt lưu lượng xe quá lớn cho cầu Sài Gòn hiện hữu - được xây dựng từ năm 1961 và hiện đang xuống cấp nhưng hằng ngày vẫn phải "gánh" hơn 40.000 lượt ô tô qua cầu và hàng chục ngàn lượt xe gắn máy. Cầu Sài Gòn hiện nay luôn tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc, giờ cao điểm luôn phải có lực lượng cảnh sát giao thông và thanh niên xung phong điều tiết ở hai đầu cầu vì chỉ cần một va quệt nhẹ, cũng có thể gây ùn tắc nhiều giờ liền.
Cầu Phú Mỹ vẫn chưa phát huy vai trò là dự án giao thông trọng điểm do chưa kết nối được hạ tầng. |
Dự án xây dựng cầu Sài Gòn 2 lẽ ra đã được khởi công cách đây hai năm, nhưng do không thống nhất được với chủ đầu tư nên liên tục bị trễ hẹn. Sau nhiều lần “đổi chủ”, đến nay dự án này đã được UBND TP.HCM phê duyệt cho Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật (CII) làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỉ đồng, theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Thời gian thực hiện dự án từ năm 2012 đến năm 2014. Theo thiết kế, cầu mới có kiểu dáng giống cầu Sài Gòn hiện hữu và cách khoảng 3 m về phía hạ lưu, không giới hạn tải trọng, dài 995 m, rộng 23,5m cho 4 làn xe cơ giới và thô sơ lưu thông.
Cùng với dự án cầu Sài Gòn 2, tuyến đường xa lộ Hà Nội-cửa ngõ phía đông cũng đang được mở rộng lên 150 m (10 làn xe) từ chân cầu Sài Gòn đến ngã ba Tân Vạn, nối với cầu Đồng Nai. Đặc biệt, trên tuyến giao thông huyết mạch này, nút giao thông ngã tư Thủ Đức cũng sẽ được xây cầu vượt để tránh tình trạng kẹt xe triền miên. Cửa ngõ hướng tây - bắc thành phố là đường song hành Hà Huy Giáp; cửa ngõ phía tây là cầu Bình Tiên nối dài, phía Bắc là đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, phía đông là đường vành đai đoạn từ liên tỉnh lộ 25B đến cầu Rạch Chiếc… cũng sẽ được triển khai thi công trong năm nay.
Một dự án khác nhằm thúc đẩy vùng đất Thủ Thiêm (quận 2) là cầu Thủ Thiêm 2 - kết nối khu đô thị hiện hữu và khu đô thị mới Thủ Thiêm trong tương lai, cũng dự kiến khởi công trong năm nay. Cầu nằm trên trục đường Tôn Đức Thắng, dài 1,2 km, có quy mô 4 làn xe, tổng vốn đầu tư khoảng 1.600 tỷ đồng. Khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng sẽ được khởi động bằng 4 tuyến đường chính là đại lộ vòng cung, đường ven hồ trung tâm, đường ven sông Sài Gòn và đường trên cao qua khu lâm viên sinh thái phía nam. Dự án do Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) làm chủ đầu tư theo hình thức BT. Tổng vốn đầu tư 4 tuyến đường này ước tính khoảng 10.000 tỷ đồng. Dự kiến tháng 7 sẽ khởi công xây dựng và hoàn thành năm 2015.
Bài toán huy động vốn
Nhu cầu vốn cho phát triển hạ tầng giao thông tại TP.HCM hiện rất lớn, vượt xa nguồn ngân sách đầu tư hàng năm. Vì thế, việc huy động vốn cho hạ tầng giao thông luôn là bài toán nan giải của TP.HCM trong những năm qua. Đó là chưa kể đến tình trạng giải phóng mặt bằng chậm trễ do thiếu vốn, đẩy giá thành dự án lên cao gấp nhiều lần và gây lãng phí lớn.
Điển hình cho sự lãng phí này là dự án phía đông thành phố - đường vành đai phía đông (nối từ chân cầu Phú Mỹ ra xa lộ Hà Nội, dài 9,4 km). Đây được xem là một trong những dự án quan trọng hàng đầu, giải tỏa ách tắc đang diễn ra trầm trọng trên các tuyến đường ra vào cảng Cát Lái hiện nay. Thế nhưng, từ khi khởi công dự án (năm 2006) đến nay, chủ đầu tư mới chỉ hoàn thành khâu giải phóng mặt bằng và xây dựng một số trụ cầu, còn toàn bộ công trình bị bỏ hoang và ngưng hẳn trong nhiều năm qua. Giá trị đầu tư tăng từ 379 tỉ đồng lên khoảng 800 tỉ đồng. Chính vì sự chậm trễ này mà cầu Phú Mỹ hiện chỉ lác đác vài xe chạy qua.
Để đẩy nhanh các công trình giao thông trọng điểm, Sở GTVT TP.HCM đã kiến nghị UBND thành phố ưu tiên ngân sách để hoàn thành giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm; đồng thời chỉ đạo quyết liệt công tác này đối với các dự án công trình giao thông, quy trách nhiệm các bên liên quan trong trường hợp chậm tiến độ… Đối với những dự án lớn lên đến hàng ngàn tỷ đồng thì TP phải trông chờ vào vốn vay nước ngoài và kêu gọi đầu tư bằng các hình thức PPP, BOT, BT… nhằm hỗ trợ ngân sách còn hạn chế; bên cạnh đó là ưu tiên và tập trung đủ vốn cho các dự án trọng điểm để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành.
Theo Sở GTVT TP.HCM, riêng trong năm 2012, thành phố đặt ra chỉ tiêu tăng thêm một triệu m2 đường, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho ngành này là gần 47.000 tỷ đồng, gấp đôi vốn đầu tư của năm 2011.
Mới đây trong văn bản trình Thủ tướng phê duyệt đề án “Qui hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020”, Bộ Xây dựng đã kiến nghị giao cho UBND TP.HCM chủ trì phối hợp với các bộ liên quan cân đối nguồn vốn, nghiên cứu cơ chế, chính sách và các hình thức huy động vốn cho phát triển giao thông đô thị. Đề án tính cả việc cho phép TP.HCM thí điểm huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu đầu tư ra nước ngoài.
Bài và ảnh: SĨ DŨNG