"Giáo dục Văn hóa giao thông qua con đường trái tim sẽ hiệu quả"

"Sau bao ngày vất vả, chị Gà mái đã sinh ra một quả trứng. Chị quyết định mang trứng ra chợ bán để lấy tiền mua thóc cho chồng con. Nâng niu suốt cả dọc đường, cuối cùng khi sang đường để đến chợ, thì chị bị anh Lợn béo đi xe máy đâm phải. Quả trứng vỡ tan, niềm hy vọng của chị Gà mái cũng vỡ tan. Nhưng éo le thay chị không thể đòi anh Lợn béo đền vì cả chị và anh Lợn béo đều đi sai luật".


 

Các tình huống vi phạm giao thông kết hợp với các ca khúc về giao thông sẽ tạo nên bản sắc cho chương trình “An toàn Giao thông cho Tôi, cho Bạn và cho Chúng ta”.


"Sáng sớm, anh Thỏ leo lên chiếc xe ô tô xịn của mình, lao ra khỏi nhà. Lạng, lách, vượt đèn đỏ... anh vi phạm mọi quy định của Luật Giao thông để... đến quán cà phê quen thuộc của mình. Và ngồi đó, nhâm nhi cà phê, ngủ gà ngủ gật tới tận trưa vì chả có việc gì làm".

"Thỏ đi xe máy. Lợn béo đi ô tô. Thỏ đi sai làn đường, lại vượt đèn đỏ, nên đã đâm vào xe Lợn béo. Xe máy của Thỏ vỡ tan đầu. Và kết quả là Lợn béo phải đền Thỏ bởi vì... xe của Lợn béo là xe to".

Đó là 3 trong số 10 tiểu phẩm sẽ xuất hiện trong chương trình nghệ thuật ca múa nhạc - hài kịch với chủ đề “An toàn Giao thông cho Tôi, cho Bạn và cho Chúng ta”, do Nhà hát Tuổi trẻ phối hợp với báo Giao thông Vận tải và Công ty Cổ phần Vision One Media tổ chức, dưới sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đây là một hoạt động thiết thực hưởng ứng “Năm An toàn Giao thông 2012”. Chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV3- THVN vào tối 11/3/2012.

"Có nhiều cách để tuyên truyền về ATGT, về văn hóa giao thông. Lâu nay, chúng ta đã có rất nhiều thông tư, quy định về an toàn giao thông, cũng đã sử dụng các biện pháp cưỡng chế với sự vào cuộc của công an, thanh tra giao thông... để xây dựng văn hóa giao thông cho người tham gia giao thông. Nhưng trên thực tế, những biện pháp này vẫn chưa đủ mạnh để tác động đến tâm lý, đạo đức của người tham gia giao thông. Lần này, chúng tôi quyết định chọn con đường đến với trái tim: Dùng nghệ thuật để giáo dục văn hóa giao thông. Nghệ thuật sẽ làm rung động trái tim, tạo ra những cảm xúc, từ đó tác động đến tâm hồn con người, khơi gợi những sự cao đẹp trong tâm hồn. Qua đó, con người sẽ ứng xử theo nhân cách của mình. Giáo dục bằng nghệ thuật, theo xác định của chúng tôi, sẽ là một biện pháp chậm, theo kiểu mưa dầm thấm lâu, đánh vào sự xấu hổ của người xem, để từ đó họ có những suy nghĩ, trăn trở và tự thay đổi con người mình. Tuy nhiên, đây là phương pháp "chậm mà chắc", bởi khi đã tự hiểu ra, thì mọi người sẽ tự giác chấp hành luật giao thông, mà không cần đến sự có mặt của công an, thanh tra giao thông nữa. Không còn tình trạng có công an thì đi đúng luật, vắng công an là phóng bạt mạng nữa"- ông Nguyễn Văn Lưu, Tổng Biên tập báo Giao thông Vận tải cho biết.

Mục đích là vậy, và khi mục đích này được hiện thực hóa trong chương trình ca nhạc - hài kịch, thì với sự vào cuộc của tác giả Lê Việt, đạo diễn - NSND Lê Hùng, chương trình đã có một sức hút khá đặc biệt. Không có những tiểu phẩm hài dài như trong những chương trình về giao thông trước đây Nhà hát Tuổi trẻ đã làm như "Giao thông quốc nạn", "Văn hóa giao thông", "Từ một ngã tư đường phố" (năm 2011); với thời lượng 90 phút, chương trình lần này là những tình huống hài được đưa ra, có ý nghĩa châm biếm sâu cay, và đánh thẳng vào ý thức của con người: Chuyện xe lớn xe bé không nhường nhịn nhau gây ra tai nạn giao thông, chuyện lạng lách, vượt đèn đỏ, lấn vạch, chuyện "phải hơn thằng khác" khi đi đường, chuyện mãi lộ..., tất cả đều được đề cập tới trong các tiểu phẩm. Nhưng độc đáo ở chỗ, trên sân khấu chỉ có duy nhất anh cảnh sát giao thông là không đeo mặt nạ, còn tất cả những nhân vật đều mang mặt nạ lợn, chó, chuột, thỏ. Vì như đạo diễn - NSND Lê Hùng khẳng định: "Con người hơn con vật ở chỗ có nhân cách, biết lẽ phải. Một khi đã tham gia giao thông bừa bãi, sẵn sàng vi phạm luật lệ, sẵn sàng gây tai nạn cho người khác, coi việc gây ra tai nạn là do "số nó đen, cho nó chết"... thì không nên mang gương mặt của con người nữa. Có lẽ, với nhiều người, cách lý giải này có thể hơi cực đoan, nhưng trên sân khấu, và với ý nghĩa hình tượng hóa, thì là điều chấp nhận được và thật sự đã có một giá trị giáo dục nhất định.

Bên cạnh những tình huống hài, là những ca khúc về giao thông được các nghệ sĩ nổi tiếng như Trọng Tấn, Ánh Tuyết, Phương Anh trình bày như "Đường Trường Sơn xe anh qua", "Hát về những người mở đường Trường Sơn", "Một trái tim một quê hương", "Bài ca giao thông vận tải"... Những ca khúc với lời ca đẹp về giao thông được phát song hành với những tình huống hài, với những hành vi xấu khi tham gia giao thông, tạo một sự đối nghịch rõ nét và có tác dụng giáo dục rất cao.

Với chương trình này, Ban tổ chức muốn đưa ra thông điệp kêu gọi tất cả mọi người nâng cao ý thức tham gia giao thông và hướng tới lời kêu gọi hưởng ứng “Năm An toàn Giao thông 2012”. Đặc biệt, trong chương trình diễn ra ngày 11/3, ông Hoàng Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và ông Đinh La Thăng - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải sẽ cùng ký một bản thỏa thuận giao ước sẽ cùng đồng hành trong việc tuyên truyền về văn hóa giao thông.

P.V

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN