Hàng loạt các biện pháp cấp bách và dài hạn nhằm chấn chỉnh lại trật tự đô thị đang được triển khai đồng loạt trên địa bàn TP.HCM. Sau nhiều lần thực hiện không thành công, lần này TP.HCM đang quyết tâm thực hiện bằng được chương trình này.
Dọn sạch lòng lề đường
Sau khi Quyết định 5010/QĐ-UBND, ngày 3/11/2009 của UBND TP.HCM – ban hành danh mục các tuyến đường cho phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè làm bãi giữ xe công cộng có thu phí có hiệu lực, một số tuyến đường khu vực trung tâm của quận, TP được chấn chỉnh trật tự, ngăn nắp hơn.
Bộ mặt giao thông Thành phố Hồ Chí Minh đang dần thay đổi nhờ những công trình trọng điểm như cầu Phú Mỹ. |
Nhiều vỉa hè trên địa bàn các quận hiện nay đều được UBND phường kẻ vạch sơn trắng cho người dân tổ chức để xe gắn máy tự quản. Tại các tuyến đường trung tâm quận 1, dễ dàng nhận thấy sự có mặt của đội ngũ thanh tra trật tự đô thị của địa phương. Họ có mặt mọi lúc mọi nơi để bảo đảm trật tự lòng đường vỉa hè luôn được thông thoáng. Việc cho phép lực lượng trật tự phường có quyền xử phạt các phương tiện đậu xe trái quy định, từng gây nhiều ý kiến trái ngược nhau. Tuy nhiên, mới đây UBND TP kiến nghị Chính phủ cho phép tiếp tục cho thí điểm thực hiện nội dung này để đảm bảo trật tự đô thị.
Dù vậy, chỉ có một số tuyến vỉa hè trung tâm TP được bố trí thông thoáng, còn lại đa phần tại các quận, huyện ngoại thành, tình trạng lấn chiếm vỉa hè vẫn diễn ra. Các chủ cửa hàng kinh doanh đều cơi nới để thêm một hàng xe hoặc buôn bán, lấn chiếm tràn xuống lòng đường gây mất trật tự, không còn lối cho người đi bộ. Có rất nhiều vỉa hè rộng bị lấn chiếm lập bãi xe trái phép, gây cản trở giao thông.
Nếu không sớm xây dựng các bãi đậu xe, thì việc trưng dụng lòng đường để đậu xe sẽ còn kéo dài. |
Báo cáo mới nhất của Sở GTVT cho biết: Chỉ tính tại 14 quận, huyện đã có 1.465 bãi xe chiếm dụng vỉa hè, 234 điểm giữ xe hoạt động trái phép. Tuy nhiên khó có thể xóa ngay các điểm trông giữ xe này được, vì hiện nay, số người có nhu cầu giữ xe rất nhiều, nếu không cho phép tồn tại thì không biết xe sẽ gửi ở đâu. Bản Tổng kết về tình hình thực hiện công tác an toàn giao thông trên địa bàn TP năm 2012 cho thấy, tình trạng lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán kinh doanh, đậu xe không đúng quy định vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi, trên nhiều tuyến đường…; lực lượng kiểm tra xử phạt vẫn chưa kiên quyết, còn làm theo hình thức, phong trào. Chủ tịch HĐND TP.HCM bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị Sở GTVT tham mưu với UBND TP có biện pháp mạnh đối với những cơ sở kinh doanh nhà hàng ăn uống chiếm dụng vỉa hè lòng đường, kể cả việc xem xét các điều kiện trên khi cấp giấy kinh doanh các cơ sở mới.
Ông Lê Toàn, Phó giám đốc Sở GTVT cho biết, trả lại vỉa hè, lòng đường cho người đi bộ và phương tiện giao thông đã được TP thực hiện không chỉ thời gian mới đây. Việc quy hoạch các tuyến phố, vỉa hè cho kinh doanh mua bán đã được tính toán và cân nhắc rất kỹ để bảo đảm sự hài hòa giữa đại bộ phận người đi đường và những hộ kinh doanh. Sở cũng sẽ phối hợp với các quận, huyện rà soát điều chỉnh lại các vị trí cho phép sử dụng lòng đường, vỉa hè để kinh doanh buôn bán và đậu xe hai bánh, xe ôtô, đồng thời xây dựng kế hoạch làm thông thoáng vỉa hè.
Đường một chiều, giảm ùn tắc
Một trong các giải pháp chống ùn tắc giao thông là tiếp tục phân làn một chiều các tuyến đường. Đây được xem là phương án khả thi nhất trong bối cảnh đường thì không thể mở rộng, còn các phương tiện liên tục gia tăng về số lượng. Trong Năm An toàn giao thông 2012, Sở GTVT lên phương án phân luồng 16 tuyến đường một chiều mới như khu vực Cao Thắng - Nguyễn Thị Minh Khai - Nguyễn Thiện Thuật - Phạm Viết Chánh - Cống Quỳnh; Bùi Thị Xuân - Sương Nguyệt Anh... Bên cạnh đó phân làn một số tuyến đường một chiều với xe ôtô như Hai Bà Trưng - Lê Văn Sỹ - Cách Mạng Tháng Tám...
Sở GTVT cũng sẽ tiến hành lắp đặt dải phân cách hoặc đinh phản quang trên 12 tuyến đường như: Võ Văn Kiệt, Nguyễn Tất Thành, Trường Chinh, Xô Viết Nghệ Tĩnh, quốc lộ 13 (Thủ Đức); mở rộng lòng đường, cải tạo các nút thắt cổ chai để tăng khả năng thông hành; bổ sung biển báo, đèn tín hiệu giao thông, đèn đếm lùi... Đồng thời nghiên cứu xây dựng một số cầu quay đầu xe, cầu vượt kết cấu thép lắp ráp tại một số trục đường, nút giao thông quan trọng. Ngoài ra sẽ triển khai mở rộng các hẻm nối giữa các tuyến đường để giảm áp lực giao thông cho các tuyến chính và các nút giao thông có lưu lượng xe cao. Việc mở rộng hẻm không phải là giải tỏa nhà mà chỉ là các quận, huyện sẽ đặt biển chỉ dẫn và có dân phòng, công an phường hướng dẫn ngay đầu hẻm vào giờ cao điểm.
Hiện tại, Sở GTVT đang xây dựng lộ trình xóa các điểm đen xuất hiện trong năm 2011, đề xuất lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông tại các trục, điểm hay xảy ra ùn tắc giao thông. Các khu quản lý giao thông đô thị sẽ tăng cường điều chỉnh, lắp đặt hệ thống biển báo giao thông, đèn tín hiệu giao thông, lắp đặt biển báo "hạn chế tốc độ" trên các đoạn đường cần phải kiểm soát để bảo đảm an toàn giao thông. Quy định cụ thể về thời gian, tuyến đường lưu thông cho các loại xe chuyên dùng, xe hợp đồng tránh lưu thông vào các giờ cao điểm, các điểm và nút giao có nguy cơ ùn tắc giao thông cao. Đối với các tuyến đường rộng, thẳng sẽ cho các loại xe tăng tốc để phát huy khả năng lưu thông như quốc lộ 22, quốc lộ 1, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Trường Chinh, Điện Biên Phủ, xa lộ Hà Nội…
Bài toán bãi đậu xe
Cũng như Hà Nội, TP.HCM đang thiếu trầm trọng bãi đậu xe ô tô, 8 dự án bãi đậu xe ngầm đã được quy hoạch và kêu gọi đầu tư hiện nay vẫn nằm trên giấy; trong khi các bãi đậu xe tại các khách sạn, tòa cao ốc thường không đủ đáp ứng nhu cầu. Hậu quả là tuyến đường trung tâm đều phải được trưng dụng một phần làm bãi đậu xe.
Cuối năm 2011, UBND TP.HCM đã chấp thuận xóa bỏ và yêu cầu Sở Giao thông Vận tải thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan thu hồi các biển báo, xóa vạch sơn trên 10 đoạn đường được sử dụng tạm thời một phần vỉa hè, lòng đường làm bãi giữ xe công cộng có thu phí trên địa bàn thành phố.
Theo đó, thành phố đã xóa bỏ việc đậu xe trên vỉa hè có thu phí trên 3 tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai (từ Trương Định đến Huyền Trân Công Chúa), Thi Sách (từ Lê Thánh Tôn đến Công trường Mê Linh) và Nguyễn Trung Trực (từ Nguyễn Du đến Lê Lợi) và xóa bỏ việc đỗ xe dưới lòng đường có thu phí trên 7 tuyến đường gồm: Alexandre De Rhodes (từ Pasteur đến Phạm Ngọc Thạch), Chu Mạnh Trinh (từ Nguyễn Trung Ngạn đến Lý Tự Trọng), Nguyễn Siêu (từ Hai Bà Trưng đến Thái Văn Lung), Trần Cao Vân (thu hồi phần đậu xe bên tay trái theo hướng từ Phùng Khắc Khoan đến Mạc Đĩnh Chi), Nguyễn Trung Trực (từ Nguyễn Du đến Lê Thánh Tôn), Bùi Thị Xuân (từ Cách Mạng Tháng Tám đến Lê Thị Riêng) và Sương Nguyệt Anh (từ Cách Mạng Tháng Tám đến Tôn Thất Tùng).
Ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó Ban An toàn giao thông TP.HCM thừa nhận TP.HCM đang thiếu điểm giữ xe. Nhưng hiện nay Sở Giao thông Vận tải đang phối hợp với các quận, huyện rà soát toàn bộ tuyến đường được sử dụng tạm thời một phần lòng, lề đường, vỉa hè làm điểm, bãi đỗ xe có thu phí; nếu nơi nào bất hợp lý thì xóa bỏ, còn không gây mất trật tự giao thông sẽ giữ lại. Tuy nhiên thành phố rà soát và điều chỉnh hợp lý chứ không cấm ngay.
Trên thực tế TP.HCM có rất nhiều tuyến đường có thể cho phép đậu xe mà không làm ảnh hưởng đến tình hình giao thông. Chẳng hạn như đường Hàm Nghi (quận 1) là con đường rộng, ít xe lưu thông, có thể tổ chức chỗ đậu xe; Hay như đường Phạm Ngũ Lão (quận 1) đoạn 1 chiều từ đường Trần Hưng Đạo đến Nguyễn Thái Học, có thể bố trí chỗ đậu xe vì có cả một làn bên trái gần như không có xe chạy. Đường Điện Biên Phủ đoạn qua quận Bình Thạnh cũng vậy, có những làn đường gần như không có xe chạy. Việc bố trí nơi để xe ở những con đường có ít xe lưu thông có thu phí sẽ vừa có thêm nguồn thu cho TP, vừa giải quyết được nhu cầu đậu xe trên đường đó và các khu vực lân cận.