Phát huy vai trò của tổ chức công đoàn, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động 

Trong những năm qua, công tác an toàn, vệ sinh lao động trên toàn quốc đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Các cấp Công đoàn nỗ lực cùng với chính quyền, các ngành chức năng khắc phục khó khăn, tìm ra các giải pháp, sáng kiến hiệu quả nhằm ngăn ngừa nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tạo môi trường làm việc an toàn cho người lao động, đồng thời khẳng định vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn đối với người lao động trong quá trình phát triển đất nước.

Bất cập trong thực hiện chính sách

Có thể thấy, tổ chức công đoàn luôn có vai trò và trách nhiệm quan trọng trong việc cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, trên thực tế, trong quá trình tổ chức các hoạt động hướng quyền lợi của đoàn viên, tổ chức công đoàn đã gặp phải khó khăn khi thương lượng với người sử dụng lao động trong việc ký kết các thỏa thuận có lợi cho người lao động. 

Chú thích ảnh
Tổ chức công đoàn luôn có vai trò và trách nhiệm quan trọng trong việc cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc. Ảnh minh họa: Hoàng Nguyên/TTXVN

Các chuyên gia phân tích, mạng lưới an toàn, vệ sinh viên có vị trí quan trọng trong công tác an toàn, vệ sinh lao động, là lực lượng nòng cốt thực hiện chức năng đôn đốc, nhắc nhở, giám sát phòng ngừa, ngăn chặn tai nạn lao động xảy ra tại nơi sản xuất và được quy định tại khoản 1 Điều 74 của Luật An toàn, vệ sinh lao động. Mỗi tổ sản xuất trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có ít nhất một an toàn, vệ sinh viên kiêm nhiệm trong giờ làm việc.

Tuy nhiên, một trong những bất cập liên quan đến chế độ, đó là, mạng lưới an toàn, vệ sinh viên trước đây có chế độ phụ cấp, nhưng đến nay, đối tượng này có được hưởng phụ cấp hay không lại phụ thuộc vào sự thương lượng giữa tổ chức công đoàn cơ sở với người sử dụng lao động. Do đó, nếu công đoàn không thỏa thuận hoặc thỏa thuận không thành thì rất khó để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. 

Theo Luật An toàn, vệ sinh lao động, an toàn, vệ sinh viên phải là lao động trực tiếp. Trên thực tế, đa phần những người này có trình độ thấp, không được tập huấn, nên thiếu kiến thức về an toàn, vệ sinh lao động, khó khăn trong giao tiếp, thuyết phục, dẫn đến hoạt động kém hiệu quả. Luật chỉ ghi được dành một khoảng thời gian cho hoạt động an toàn, vệ sinh, nhưng không nói rõ là bao nhiêu, trong khi công việc chính của họ vẫn là lao động trực tiếp. Việc bỏ công việc đang làm sẽ gây ảnh hưởng đến sản xuất và thậm chí là thu nhập cá nhân. 

Bên cạnh đó, việc không có phụ cấp dẫn đến hoạt động không hiệu quả (Luật chỉ yêu cầu doanh nghiệp phải phụ cấp cho mạng lưới an toàn, vệ sinh viên khi thống nhất với Ban Chấp hành công đoàn cơ sở, nhưng không nói bao nhiêu, dẫn đến có rất nhiều doanh nghiệp không thực hiện). Ở một số nơi, Ban Chấp hành công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp thiếu kiểm tra, nhắc nhở an toàn, vệ sinh viên hoạt động, đồng thời chưa thực hiện việc thương lượng với người sử dụng lao động có chế độ phụ cấp cho mạng lưới này.

Phó trưởng ban Chính sách pháp luật Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thị Bích Liên cho biết, trên địa bàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp hoạt động nhưng khi nhắc tới chuyện thương lượng để ký kết thỏa ước những điều khoản liên quan đến điều kiện lao động thì đa số đều bỏ ngỏ. Theo bà Liên, người sử dụng lý giải, họ đã cố gắng làm theo các quy định tiêu chuẩn, kinh phí đã khá lớn, giờ không thể thương lượng hơn được nữa. 

Phát huy vai trò của tổ chức công đoàn

Có thể thấy, từ thực tiễn hoạt động trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động, nhiều công đoàn cơ sở đã đưa ra các sáng kiến, nhằm nâng cao hơn nữa vai trò của mình trong công tác này.

Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, các cấp công đoàn đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về an toàn, vệ sinh lao động, đồng thời đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động. Các cấp công đoàn cũng phối hợp với cơ quan truyền thông trong và ngoài hệ thống Công đoàn, các trang thông tin điện tử, fanpage, facebook của công đoàn các cấp, hệ thống đài truyền thanh quận, huyện, xã, phường, doanh nghiệp để hướng sự quan tâm của các cấp, ngành, đơn vị, doanh nghiệp đến công tác an toàn, vệ sinh lao động. 

Thời gian qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức biên soạn, in ấn, phát hành mới 6.000 cuốn cẩm nang an toàn, vệ sinh viên, 13.300 cuốn sổ tay nghiệp vụ cán bộ công đoàn với công tác an toàn, vệ sinh lao động tới các cấp công đoàn và người lao động. Các hoạt động hưởng ứng đã diễn ra đều khắp trên cả nước, tập trung vào các nội dung liên quan trực tiếp đến chủ đề “Đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động và kiểm soát các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động gắn với phòng, chống COVID-19 tại nơi làm việc’’. 

Thông qua công tác tuyên truyền của tổ chức công đoàn đã góp phần để doanh nghiệp, công nhân lao động và người dân biết đến Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động, đồng thời nâng cao nhận thức của cả người sử dụng lao động và người lao động trong công tác an toàn, vệ sinh lao động, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo ông Trần Xuân Trường, Phó trưởng ban Tuyên giáo - Chính sách pháp luật Công đoàn Đường sắt Việt Nam, muốn đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, trước tiên, tổ chức công đoàn nên làm từ những việc nhỏ nhất như quan tâm đến đôi giày, găng tay, bộ quần áo... của người lao động. Bên cạnh đó, cấp công đoàn cơ sở phải tham gia ngay từ đầu việc xây dựng kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động của doanh nghiệp. Nếu hạng mục nào chưa có phải yêu cầu bổ sung ngay. Đồng thời, cần có những biện pháp tuyên truyền đến cả người sử dụng lao động và người lao động thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm của mình trong vấn đề an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, theo ông Trường, tổ chức công đoàn cần thường xuyên nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật, so sánh với thực tiễn doanh nghiệp ngành nghề của mình để phát hiện những bất cập, không phù hợp. Từ đó kiến nghị lên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các bộ, ngành để có những điều chỉnh phù hợp. 

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng, việc thành lập mạng lưới an toàn, vệ sinh viên ở một số doanh nghiệp chỉ mang tính hình thức, hoạt động chưa hiệu quả; an toàn, vệ sinh viên chưa phát huy hết quyền và trách nhiệm, một số doanh nghiệp không có phụ cấp hoặc có thì rất thấp, mang tính chiếu lệ, không động viên, khuyến khích được an toàn, vệ sinh viên. Ông Hiểu cho biết, an toàn, vệ sinh lao động là một chính sách kinh tế - xã hội lớn của Đảng và Nhà nước; nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động là lợi ích thiết thực nhất đối với người lao động. 

Tổ chức Công đoàn là đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Trong nhiều năm qua, tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn quan tâm, chú trọng thực hiện công tác bảo hộ lao động; đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động; bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho người lao động. 

Phát biểu gần đây trong Lễ phát động Tháng Công nhân và Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong giai đoạn cách mạng hiện nay, chúng ta tiếp tục kiên định quan điểm giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại; giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội; lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Chủ tịch nước đề nghị, các cấp Công đoàn cần tiếp tục đổi mới cách thức hoạt động, đi sâu, đi sát với đời sống đoàn viên công đoàn, người lao động; vui với niềm vui của người lao động, buồn với nỗi buồn của người lao động. Tổ chức công đoàn tiếp tục phát động và triển khai sâu rộng các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, lao động, gắn với mục tiêu, nhiệm vụ của nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp. 

Trước mắt, công đoàn các cấp cần nâng cao nhận thức về những nội dung cơ bản của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; về chủ đề và nội dung hành động trong Tháng Công nhân và Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2021, đảm bảo quyền lợi cho công nhân lao động trong thời kỳ mới.

Đỗ Bình (TTXVN)
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thăm hỏi công nhân bị tai nạn lao động
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thăm hỏi công nhân bị tai nạn lao động

Ngày 29/4, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang đã tới thăm, tặng quà, động viên anh Nguyễn Cao Đông, công nhân bị tai nạn lao động đang sinh sống trên địa bàn huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN