Phụ nữ chịu nhiều tổn thương
Đợt mưa lũ cuối tháng 9/2021 xảy ra vừa qua, trong đó huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) bị thiệt hại nặng nề nhất, gia sản của gia đình nhiều phụ nữ bị ngập chìm trong biển nước. Bà Đinh Thị Xuyến (xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu) chia sẻ, chưa bao giờ thấy lụt do mưa lại lên nhanh đến thế, nhà cửa, đồ đạc của gia đình giờ bị nước nhấn chìm không còn gì nữa.
Nhấn mạnh về những rủi ro phụ nữ phải gánh chịu trong thiên tai, chị Phùng Thị My Ni, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Đông, huyện KBang, tỉnh Gia Lai, thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Đội xung kích Phòng, chống thiên tai của xã cho biết, xã Đông, huyện Kbang thuộc khu vực phía đông của tỉnh Gia Lai có địa hình đồi dốc, tập trung nhiều suối nên mùa mưa thường xảy ra lũ lụt kéo dài, gây thiệt hại lớn. Với địa hình đồi dốc, nguy cơ sạt lở rất lớn, mà phụ nữ ở khu vực này lại thiếu kỹ năng về ứng phó với thiên tai. Bởi các đợt tập huấn, huấn luyện dường như chỉ nam giới được tham gia. Hiện tại các phụ nữ chủ yếu phụ trách công tác hậu cần và huy động nguồn lực, chuẩn bị quân tư trang, vật dụng cho Đội. Bên cạnh đó, việc vận động sự vào cuộc của người dân trong ứng phó với mưa bão còn gặp khó khăn. Một số người dân còn thụ động và bảo thủ mặc dù thông tin đã được thông báo thường xuyên trên hệ thống loa đài nhưng đôi khi người dân vẫn chủ quan.
Trưởng đại diện Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam Elisa Fernandez cho rằng, thực tế cho thấy, mặc dù Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế xã hội, bất bình đẳng giới vẫn tồn tại ở một số nơi, không chỉ gia tăng rủi ro và tác động của thiên tai lên phụ nữ mà còn hạn chế khả năng và đóng góp của phụ nữ trong ứng phó với thiên tai. Vẫn còn định kiến giới cho rằng, thiên tai là "lĩnh vực của nam giới" chứ không phải công việc của phụ nữ dẫn đến cách tiếp cận thiên vị là tập trung vào bảo vệ phụ nữ hoặc coi họ là nạn nhân chứ không phải là tác nhân bình đẳng trong phòng, chống thiên tai. Điều này dẫn đến việc phụ nữ bị hạn chế tiếp cận các khóa đào tạo hoặc nâng cao năng lực về phòng, chống thiên tai, cảnh báo sớm và lập kế hoạch hoặc ra quyết định về phòng, chống thiên tai tại cộng đồng. Thực tế hiện nay, ở nhiều vùng nông thôn, nam giới di cư ra thành phố làm việc còn nữ giới ở lại nhà, họ là người đảm nhận mọi công việc trong cộng đồng, trong đó có phòng, chống thiên tai.
Đồng quan điểm trên, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương nêu rõ, phụ nữ vừa là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp, vừa là nhân tố quan trọng trong quá trình phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Phụ nữ có vai trò đặc biệt quan trọng trong gia đình, cộng đồng, có mối quan hệ gần gũi với những người xung quanh, cũng có khả năng tạo ra nguồn lực để thích ứng và giảm nhẹ thiên tai.
Bên cạnh những thuận lợi, bà Nguyễn Thị Minh Hương cho rằng, công tác phòng, chống thiên tai đối với phụ nữ vẫn tồn tại sự nhìn nhận chưa đúng, chưa công bằng của xã hội, các cấp, các ngành đối với vai trò và sự đóng góp của phụ nữ trong các hoạt động phòng, chống lũ lụt. Những định kiến đối với phụ nữ trong thiên tai vẫn tồn tại như quan điểm cho rằng, phụ nữ là "nhóm nạn nhân"; "phụ nữ không nên tham gia vào các hoạt động quản lý giảm thiểu rủi ro thảm họa" và chỉ nên coi phụ nữ là một trong những đối tượng cần quan tâm đặc biệt trong thảm họa. Định kiến này trong bối cảnh thiên tai sẽ khiến vai trò tham gia của phụ nữ ở thế thụ động, hạn chế tham gia.
Thực hiện các giải pháp hiệu quả
Để bảo vệ an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái trong các thảm họa, Trưởng Đại diện Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam Elisa Fernandez bày tỏ, cần nâng cao nhận thức và năng lực của các bộ, ngành, địa phương về vấn đề an toàn, an ninh của phụ nữ, trẻ em; xây dựng và thực hiện các quy tắc ứng xử cho người làm công tác phòng, chống thiên tai hoặc hướng dẫn về bảo vệ phụ nữ và trẻ em khỏi bị bóc lột, lạm dụng tình dục. Trong thời gian tới, Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam sẽ cùng với Tổng cục Phòng, chống thiên tai xây dựng hướng dẫn về đảm bảo an toàn cho phụ nữ khi sơ tán và di dời trong thiên tai.
Cùng với đó, để phát huy vai trò của phụ nữ trong công tác phòng, chống thiên tai, Trưởng Đại diện Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam Elisa Fernandez nhấn mạnh, cần tạo thêm không gian hoặc hỗ trợ nhiều hơn cho phụ nữ để họ có thể đóng góp lớn hơn vào công tác phòng, chống thiên tai, và được nhiều người biết đến, được ghi nhận nhiều hơn. Năng lực, kiến thức, kỹ năng và quan điểm của phụ nữ sẽ góp phần làm cho các hoạt động phòng, chống thiên tai hiệu quả hơn, bao trùm và bền vững hơn.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương đề nghị, các kế hoạch hành động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu ở tất cả các cấp cần được xây dựng theo phương pháp có sự tham gia của đầy đủ các thành phần, bao gồm nam giới và phụ nữ ở mọi lứa tuổi và trình độ, sử dụng phương pháp tiếp cận quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông phòng, chống thiên tai; đầu tư vào các sáng kiến đổi mới do phụ nữ lãnh đạo để nâng cao năng lực thích ứng; tăng cường cơ chế chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong người dân, phụ nữ về phòng, chống thiên tai...
Bên cạnh đó, các cấp, ngành có liên quan cần đầu tư nguồn lực cho các hoạt động nâng cao năng lực về giới cho các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các nhà hoạch định chính sách, các cán bộ làm công tác quản lý rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu, cán bộ Hôi Phụ nữ các cấp... để lồng ghép vấn đề bình đẳng giới và vấn đề phụ nữ vào công tác chỉ đạo về phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu; đảm bảo công tác thu thập và tổng hợp các dữ liệu có tách biệt về giới tính và các thông tin liên quan về giới từ cấp địa phương, đặc biệt là các đánh giá về thiệt hại và nhu cầu sau thiên tai, thảm họa.
Theo Tiến sỹ, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là thành viên của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, cần quan tâm việc xây dựng bộ dữ liệu phân tích giới trong báo cáo tác động thiên tai là điều kiện cần thiết để có đủ bằng chứng khoa học trong hoạch định chính sách. Dữ liệu có phân tách giới và độ tuổi giúp cho nhà hoạch định chính sách có cái nhìn toàn diện hơn đối với giới nói chung cũng như vai trò của người phụ nữ trong ứng phó cũng như tham gia khắc phục hậu quả thiên tai. Cùng với đó, phụ nữ cần được bổ sung kiến thức, được cập nhật thông tin và được nâng cao nhận thức và kiến thức thông qua đào tạo, tập huấn trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai để góp phần làm tăng khả năng chống chịu cho cộng đồng và cho chính gia đình của họ đồng thời thông qua đào tạo, tập huấn, sẽ giúp phụ nữ hiểu rõ bản chất rủi ro thiên tai.
Tiến sỹ, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài nhấn mạnh, vai trò của phụ nữ giúp phát huy hiệu quả phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ) trong phòng, chống thiên tai. Đây là biện pháp rất quan trọng và hiệu quả đối với các bộ, ngành, địa phương trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Đội ngũ cán bộ Hội Phụ nữ cơ sở cần được bồi dưỡng, nâng cao kiến thức để có đủ năng lực phân tích, đánh giá tình hình, quyết đoán và biết cách huy động lực lượng khi thiên tai xảy ra. Hội viên, phụ nữ chấp hành nghiêm túc sự chỉ đạo của chính quyền đặc biệt khi được vận động di dời khỏi vùng nguy hiểm.
Hội Liên hiệp phụ nữ cơ sở cần phân công hội viên, phụ nữ tham gia các hoạt động phòng, chống thiên tai một cách rõ ràng hơn, tìm hiểu kiến thức và rèn luyện các kỹ năng phù hợp với những công việc được phân công, tham gia chuẩn bị hoặc sẵn sàng cung cấp các phương tiện sản xuất để phục vụ công tác ứng cứu (thuyền, bè, phương tiện đi lại...). Khi có tình huống thiên tai xảy ra, phụ nữ và người dân cần dự trữ tốt lương thực, thực phẩm, các dụng cụ cần thiết trong sinh hoạt hàng ngày để có đầy đủ điều kiện cả về chất và lượng trong phòng ngừa giảm nhẹ thiên tai...