Phát hiện thêm nhiều điểm ô nhiễm điôxin tại sân bay Biên Hòa

Ngày 10/3, tại Hà Nội, Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (Văn phòng Ban Chỉ đạo 33), phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức Hội thảo “Công bố kết quả đánh giá bổ sung thực trạng ô nhiễm đi-ô-xin và kiến nghị kế hoạch sử dụng đất tại sân bay Biên Hòa”.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Kế Sơn, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 33, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết: Các nghiên cứu mới nhất do dự án “Xử lý điôxin tại các điểm nóng ô nhiễm nặng tại Việt Nam” được tài trợ bởi GEF/UNDP, thực hiện trong năm 2013, ở bên ngoài về phía Tây sân bay và các hồ trong sân bay Biên Hòa, đã phát hiện thêm một số điểm ô nhiễm điôxin mới. Cụ thể trong 28 hồ khảo sát có 16 hồ nồng độ điôxin vượt ngưỡng cho phép, mẫu cao nhất vượt đến hơn 8.000ppt. Đặc biệt, các hồ mới đào hoặc hồ ở vị trí cao hơn trong sân bay cũng bị phát hiện ô nhiễm.

Theo kết quả phân tích khoảng 110 mẫu đất và trầm tích được lấy theo các hướng thoát nước từ sân bay và theo chiều sâu trung bình 30 cm, đã phát hiện một số mẫu trầm tích chủ yếu nằm ở các mương thoát nước sát sân bay có nồng độ cao hơn tiêu chuẩn cho phép; cùng với đó cũng có một số mẫu đất vượt ngưỡng điôxin cho phép.

Ngoài ra, tỷ lệ 2,3,7,8-TCDD/TEQ ở trong 53/55 mẫu đất và mẫu trầm tích lấy trong sân bay, gần các hồ ở khu vực phía Bắc và Đông sân bay Biên Hòa chiếm từ 60-98,5%, cho thấy nguồn gốc chính ô nhiễm điôxin là từ chất độc hóa học được sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

Các chuyên gia đánh giá, mức độ ô nhiễm tại sân bay Biên Hòa so với sân bay Đà Nẵng, Phù Cát lớn hơn, phức tạp hơn nhiều; đồng thời bày tỏ lo lắng khi phát hiện nhiều điểm nhiễm điôxin có vị trí cao hơn trong sân bay này. Vì vậy cần phải tiếp tục tiến hành quan trắc để có bức tranh toàn cảnh về tình trạng ô nhiễm điôxin tại sân bay Biên Hòa, từ đó đưa ra những biện pháp xử lý.

Từ kết quả đánh giá bổ sung ô nhiễm điôxin tại sân bay Biên Hòa, các chuyên gia khuyến cáo nên tiến hành ngay các biện pháp để bảo vệ sức khỏe người dân. Đối với các hồ trong sân bay, tuyệt đối không được tiếp xúc và phải dừng mọi hoạt động kinh doanh, đánh bắt thủy, hải sản. Khu vực bên ngoài phía Tây sân bay theo kênh thoát nước, mặc dù nồng độ không cao, nhưng vẫn phải khuyến khích người dân sử dụng nước máy.

Văn phòng Ban Chỉ đạo 33 cũng sẽ bàn giao kết quả điều tra, khảo sát cho Bộ Quốc phòng để hoàn thiện kế hoạch tổng thể xử lý ô nhiễm điôxin tại sân bay Biên Hòa, bao gồm cả kế hoạch sử dụng đất. Những kết quả này cũng là cơ sở quan trọng trong việc thực hiện đánh giá môi trường do Bộ Quốc phòng và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ thực hiện.

Hiện sân bay Biên Hòa là 1 trong 3 điểm nóng ô nhiễm điôxin ở nước ta. Một số điểm ô nhiễm điôxin trong sân bay Biên Hòa vốn là những địa điểm được Mỹ sử dụng làm nơi chứa, bơm các chất diệt cỏ lên máy bay đi phun rải và rửa máy bay sau phun rải. Ngoài ra, ô nhiễm điôxin ở đây còn do sự cố chảy tràn chất diệt cỏ xảy ra trong chiến tranh.

Hiện 94.000 m3 đất ô nhiễm tại khu vực Z1 (nơi ô nhiễm nặng nhất trong sân bay) đã được Bộ Quốc phòng tiến hành cô lập, song các mẫu đất, trầm tích, sinh vật ở một số hồ cách khu Z1 khoảng 300m thuộc vùng lan tỏa hay hạ lưu khu Z1 còn có dioxin với nồng độ cao. Một số phường ở gần sân bay Biên Hòa như phường Quang Vinh, Bửu Long, Tân Phong và Trung Dũng có nguy cơ phơi nhiễm điôxin.


Lý Thanh Hương
Xây dựng bãi chôn lấp, xử lý chất độc da cam/điôxin đầu tiên tại sân bay Phù Cát (Bình Định)

Ngày 16/12, dự án “Xử lý điôxin tại các vùng ô nhiễm nặng” đã khởi công xây dựng bãi chôn lấp, xử lý chất độc da cam/điôxin tại khu vực sân bay Phù Cát, thuộc huyện Phù Cát(tỉnh Bình Định).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN