Ổn định cuộc sống người dân tại các cụm, tuyến dân cư vượt lũ, đặc biệt là ở những cụm, tuyến dân cư nằm trong vùng sâu, vùng xa, có vị trí bất lợi là một bài toán nan giải đối với các cấp ngành, chính quyền địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Quy hoạch chưa thuận lợi
Huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An hiện có 10 cụm, 5 tuyến dân cư với 2.437 nền, nhưng đã hơn 10 năm triển khai, đến nay chỉ có 688 nền được xây dựng nhà. Trong đó, cụm dân cư xã Bình Hòa Tây có 154 nền nhưng chưa có ai vào ở, cụm dân cư xã Bình Hòa Trung với 214 nền nhưng chỉ có 31 căn nhà được xây dựng. “Vì chưa đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng và công trình công cộng như trường học, chợ... nên không vận động được người dân vào ở”, ông Phạm Văn Khoa, Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Mộc Hóa, cho biết.
500 mét đường độc đạo vừa được gia cố lại để bảo đảm giao thông cho nhân dân cụm dân cư vượt lũ Giồng Duối, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.
Ông Lưu Đình Khẩn, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Long An nhìn nhận: “Lỗi lớn nhất là địa điểm quy hoạch không phù hợp. Năm 2000 ngập lớn, đặc biệt là tại huyện Mộc Hóa và Đức Huệ, gần như dân trong vùng đó không còn chỗ nào để trú ngụ. Chính quyền địa phương chỉ nghĩ đến chuyện là đưa họ đến khu vực sống an toàn mà thôi, đây là cái dở nhất. Chúng tôi đã tham mưu là làm sao phải đưa dân gần với chỗ trung tâm xã, bởi khi ở tập trung thì bao giờ cũng phát sinh dịch vụ, như: Ăn uống, cắt tóc, may mặc, sửa chữa xe máy, xe đạp... Rõ ràng có cầu mới có cung và kéo theo đó là vấn đề đào tạo nghề, từ đó người dân mới có cơ sở sản xuất và ổn định lâu dài”.
Không chỉ tỉnh Long An quy hoạch nhiều CTDC bất lợi khiến người dân không vào ở, mà tỉnh Đồng Tháp cũng vậy. Toàn tỉnh Đồng Tháp cũng có khoảng 20% trong tổng số CTDC của tỉnh nằm ở vị trí bất lợi. Nhiều người dân đang sống trên các CTDC vượt lũ ở Long An và Đồng Tháp cho rằng bao đời nay họ đã quen với “nhà trệt, vườn rau” nên khó có thể hòa nhập cách sống kiểu “phố thị”. Chính vì thế, nhiều người dân cảm thấy gò bó khi lên sống ở các CTDC, một bộ phận khác dù được vận động thường xuyên vẫn chưa mặn mà khi di dời lên CTDC. Bên cạnh đó, công tác đầu tư hạ tầng thiết yếu ở các CTDC chưa bảo đảm điều kiện sống cho người dân và cả hạ tầng giao thông kết nối bên ngoài cụm, tuyến chưa bảo đảm. Đặc biệt, việc quy hoạch vị trí các CTDC không thuận lợi cho cuộc sống là những nguyên nhân chính gây khó cho việc đưa người dân vào sinh sống ổn định lâu dài trong các CTDC.
Thiếu việc làm
Cần thay đổi nhận thức của người dân
Nông dân ta có tập quán bước ra khỏi nhà là ruộng bên cạnh, nhưng để xây dựng quy mô sản xuất lớn thì phải thay đổi tập quán này. Vấn đề thay đổi đòi hỏi mất rất nhiều thời gian. Bây giờ mình có chở họ vào một cụm, tuyến ở với đường xá, hạ tầng rất đẹp nhưng trong đầu họ vẫn “ở ngoài ruộng” thì vẫn rất khó. Làm sao thay đổi nhận thức của họ mới là điều quan trọng.
Ông Lưu Đình Khẩn, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Long An
Cần có phương án giải quyết việc làm
Nếu không có giải pháp để nâng cao cuộc sống, tăng thêm thu nhập của người dân thì chương trình nông thôn mới của xã sẽ gặp nhiều khó khăn. Theo quy định của UBND tỉnh, đến năm 2015, bình quân thu nhập một năm phải trên 20 triệu đồng/người. Tuy nhiên, khu vực CTDC Giồng Duối chỉ vào khoảng 10 triệu đồng/người/năm, nếu không có phương án giải quyết việc làm thì tiêu chí về thu nhập khó đạt được. Trước mắt, xã đang tìm mọi giải pháp để hỗ trợ công ăn việc làm cho người dân, giúp người dân ổn định và an cư.
Ông Trần Hồng Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.
Kết nối hạ tầng phải đồng bộ
Cái khó lớn nhất ở một số CTDC là công ty không thể đem hàng đến cho bà con gia công được vì điều kiện giao thông khó khăn. Muốn đưa hàng xuống tận nơi thì cần phương tiện vận chuyển lớn. Xe ô tô không thể vào tận nơi giao hoặc lấy thành phẩm vì đường quá nhỏ hoặc đường xe không đi được thì có muốn hỗ trợ công ăn việc làm cho người dân trong các cụm, tuyến cũng khó.
Ông Đặng Quốc Nam, Công ty cổ phần Sao Mai |
Theo báo cáo của các huyện vùng lũ tỉnh Long An, hiện tỉnh đã bố trí hơn 18.000/33.000 hộ dân sống trong vùng lũ vào CTDC xây dựng nhà ở. Tuy nhiên, tình trạng thiếu việc làm nảy sinh nguy cơ nhiều người dân sẽ bỏ CTDC để trở về nơi ở cũ.
Tại tuyến dân cư xã Tân Thành, huyện Mộc Hóa, mặc dù chính quyền địa phương đã vận động hơn 50% người dân vào ở, nhưng do nhu cầu sản xuất và mưu sinh nên người dân đã bỏ đi rất nhiều. Ông Phan Minh Tân, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành, cho biết: “Hầu hết người dân trong tuyến đều là hộ nghèo. Để bảo đảm sinh kế, chính quyền đã đào tạo nghề đan giỏ nhựa, đan giỏ lục bình cho bà con nhưng cuối cùng cũng thất bại vì không có đầu ra. Hiện nay, chính quyền đang đào tạo nghề nuôi bò và trồng nấm rơm cho 30 hộ trong tuyến”. Tuy nhiên, một số hộ dân còn bám trụ tại tuyến dân cư Tân Thành cho rằng, họ cũng không hi vọng gì từ việc đào tạo nghề này.
Chị Nguyễn Thị Minh Thư, một người dân đang sống tại tuyến dân cư Tân Thành, cho hay: “Huyện cho chúng tôi đi học nghề trồng nấm rơm. Học thì học thôi chứ không biết sau này sẽ làm ra sao. Nếu có làm thì cũng phải quay về nơi ở cũ mới có đất để trồng. Ở đây nhà chỉ vừa đủ để ở thì làm sao trồng nấm được. Còn nuôi bò cũng không có đất để xây dựng chuồng, và lại tiền đầu tư mua một con bò cũng không phải là ít”. Theo chị Thư, diện tích căn nhà trên tuyến chỉ 100 m2, nhưng để trồng nấm cần phải có diện tích 500 m2. Gia đình chị còn 10 công ruộng nằm giáp sông Vàm Cỏ Tây cách nơi ở hiện tại 5 km, nên nếu đầu tư trồng nấm rơm hay nuôi bò thì không còn cách nào khác là phải trở về nơi ở cũ.
Ngày 12/9 vừa qua, tại xã Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, chính quyền địa phương đã khai giảng lớp đào tạo nghề đan ghế nhựa cho 70 học viên là cư dân ở các cụm, tuyến trên địa bàn xã. Ông Đặng Quốc Nam, đại diện của công ty cổ phần Sao Mai - đơn vị đưa hàng xuống cho người dân sản xuất, cam kết nguồn hàng gia công luôn bảo đảm liên tục cho bà con với thu nhập mỗi ngày có thể từ 100.000 - 200.000 đồng. Tuy nhiên, ở cụm dân cư Giồng Duối, huyện Hồng Ngự nằm sát biên giới Campuchia thì trái ngược hoàn toàn.
Ông Trần Hồng Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Thường Thới Hậu A, cho biết: “Chính quyền đã phối hợp với doanh nghiệp để đào tạo lớp đan ghế nhựa, nhưng sau khi đào tạo xong thì lượng hàng cung cấp để gia công rất là thấp. Tuần đầu chỉ vào khoảng 20 - 30 ghế cho bà con đan, sau đó thì không còn cung cấp nữa. Ngoài ra, địa phương cũng cố gắng đào tạo nhiều nghề khác nhưng không có doanh nghiệp nào chịu đầu tư. Do vậy, chỉ còn có người già, trẻ em bám trụ lại địa phương còn thanh niên đều phải bỏ đi làm ăn xa”.
Vậy giải pháp gì để ổn định đời sống cho bà con trong các CTDC, đặc biệt là những khu vực vùng sâu? Có nhiều ý kiến cho rằng, việc đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối các CTDC nằm tại các vị trí không thuận lợi cần được tập trung nguồn vốn triển khai. Việc làm này sẽ giúp cho việc phát triển kinh tế sẽ thuận lợi hơn do thu hút được các doanh nghiệp. Đặc biệt là các doanh nghiệp đến xây dựng các nhà máy chế biến lương thực, thủy sản, chế biến bột giấy ở các huyện vùng lũ nhằm giải quyết công ăn việc làm cho nhân dân. Các CTDC nằm ở vùng sâu, vùng xa cũng cần hoàn chỉnh xây dựng chợ nông thôn tạo điều kiện cho bà con buôn bán nhỏ như tạp hóa, lương thực, thủy sản, hàng nông sản, rau quả... để có sinh lợi hàng ngày cải thiện cuộc sống.
Bên cạnh đó, những người dân trong CTDC có nhu cầu mở rộng thêm đất để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hoặc tạo lập sinh kế cũng cần được xem xét. Được biết, tỉnh Long An cũng đã kiến nghị với Bộ Xây dựng và đã nhận được sự đồng tình về phương án này. Ngoài ra, Long An còn có chủ trương chuyển đổi một số CTDC không phát huy hiệu quả sang một số công trình chức năng khác, chẳng hạn như là công trình phúc lợi công cộng, cơ sở nghiên cứu, các trạm chuyên dùng cho các ngành để tránh lãng phí.
Bài và ảnh: Anh Đức