Nỗi niềm người ăn Tết xa quê

Tết là dịp gia đình sum họp, quây quần bên nhau sau một năm học tập, làm việc vất vả. Thế nhưng, vì nhiều lý do, nhiều sinh viên, người lao động không thể thực hiện điều mong ước tưởng chừng như rất bình dị đó.


Sinh viên làm thêm dịp Tết


Tết này là cái Tết thứ hai mà Nguyễn Thúy Lệ (sinh viên năm cuối, khoa Ngoại ngữ, trường Đại học Phương Đông, Hà Nội) không về quê. Gần Tết là khoảng thời gian bận rộn của Lệ để em có thêm thu nhập, từ phụ việc trong nhà hàng đến dọn dẹp nhà cửa cho các gia đình có nhu cầu. Năm ngoái, trong vòng 10 ngày nghỉ Tết, Lệ kiếm được 2 triệu đồng, đủ tiền trang trải sinh hoạt cho cả tháng và mua quà Tết gửi về cho gia đình. “Năm đầu tiên ở lại em cũng buồn lắm. Nhất là đêm giao thừa, nhìn mọi người quây quần bên nhau, trong khi cả dãy phòng trọ chỉ có một mình em, em buồn đến ứa nước mắt. Nhưng rồi em cũng tự an ủi, mình cố gắng làm để đỡ đần phần nào cho mẹ cả năm đã vất vả. Hơn nữa, khoản thu nhập này cũng giúp em mua cho mẹ và em trai ở quê một ít quà như bánh mứt, quần áo”, Lệ chia sẻ.

Sinh viên tìm kiếm thông tin về việc làm.


Bố mẹ chia tay từ khi Lệ còn nhỏ, một mình mẹ nuôi hai chị em ăn học. Hiểu được sự vất vả của mẹ, Lệ luôn cố gắng học tập thật tốt để mẹ vui lòng. Tuy nhiên, chi phí tại thành phố đắt đỏ nên dù học kỳ nào cũng được học bổng, Lệ vẫn phải đi làm thêm tại một shop thời trang trên phố Hoàng Diệu để lấy tiền trang trải cho sinh hoạt hàng ngày. “Mỗi tháng, mẹ gửi lên cho em khoảng 1 triệu đồng bao gồm: tiền học, tiền thuê nhà, tiền ăn uống… Dù chi tiêu dè xẻn nhưng khoản tiền này vẫn không đủ. Tết là thời điểm dễ kiếm việc, thu nhập lại cao nên em quyết định không về quê mà ở lại thành phố làm thêm”, Lệ cho biết.


Mặc dù nhà chỉ cách Hà Nội chưa đầy 50 km nhưng Nguyễn Đức Tâm, quê Bắc Giang (sinh viên năm thứ 4, khoa Dầu khí, trường Đại học Mỏ Địa chất) cũng đón Tết xa quê. Theo Tâm, cơ hội kiếm tiền vào những ngày này dễ dàng hơn rất nhiều so với ngày thường. Hiện Tâm đang làm thêm ở siêu thị Metro với mức lương 3,5 - 4 triệu đồng/tháng. “Nếu tham gia trực Tết, mức lương sẽ tăng gấp 4 lần trong khi công việc trong những ngày Tết lại khá nhàn hạ. Sau khi trực xong đến chiều mùng 4 Tết, em sẽ về quê. Gia đình đón Tết muộn hơn một chút nhưng bù lại sẽ vui hơn vì mâm cỗ có thêm thịt, giò từ khoản tiền em mang về”, Tâm vui vẻ chia sẻ.


Nếu không tìm hiểu, chắc khó ai có thể biết đằng sau nụ cười giòn tan của Tâm là cả một nghị lực đáng khâm phục. Bố mẹ đều làm nông nghiệp, sau Tâm còn ba em nữa nên bố mẹ phải rất vất vả lo cho anh em Tâm ăn học. Cũng chính vì lý do này mà nhiều lần Tâm từng nghĩ đến chuyện bỏ học giữa chừng. Thế nhưng, với quyết tâm phải học để thoát nghèo, Tâm cố gắng xoay xở đủ nghề từ bồi bàn, bốc vác tới bán hàng trong siêu thị… để kiếm tiền ăn học. “Các ngày trong tuần, sau thời gian lên lớp, em làm thêm ở siêu thị từ 15 giờ đến 23 giờ. Thứ 7, chủ nhật thì làm gia sư. Hai công việc cộng lại cũng chỉ đem lại cho em khoảng 5 triệu đồng/tháng. Mấy ngày Tết đúng là “cơ hội vàng” để em tăng thêm thu nhập, giúp em có một khoản tiền gửi về phụ giúp bố mẹ nuôi các em. Suy nghĩ này cũng giúp em vơi bớt phần nào nỗi buồn khi không được đón Tết cùng gia đình”, Tâm cho biết.


Cùng chung cảnh ngộ đón Tết xa quê nhưng chắc chắn Tết này sẽ là một cái Tết rất dài đối với bạn Nguyễn Thị Thắng, sinh viên năm thứ 3, Học viện Hành chính Quốc gia bởi đây là Tết đầu tiên Thắng không ở nhà cùng gia đình. Thắng cho biết, quê em ở TP Hồ Chí Minh. Do lịch nghỉ học của trường khá muộn nên em không thể mua được vé tàu về quê. Khi hỏi vé xe khách, em choáng váng vì giá vé từ Hà Nội về TP Hồ Chí Minh lên đến 1,2 triệu đồng/người. “Số tiền này tương đương với tiền ăn trong hai tháng của em. Nếu gọi điện về nhà, mẹ lại phải vay thêm tiền nên năm nay em chấp nhận ăn Tết xa quê và kiếm việc làm thêm trong dịp này”, Thắng nói.


Mỗi câu chuyện, mỗi hoàn cảnh khác nhau nhưng những trường hợp ở lại đều giống nhau ở một nỗi lo “cơm áo gạo tiền” để trang trải cuộc sống. Sự lo lắng đó khiến đường về quê của các em càng xa vời hơn mặc dù không khí Tết đã đến rất gần.


“Cả gia đình sum họp, quây quần bên nhau trong ngày Tết là mong muốn của bất kỳ ai. Thế nhưng, tùy vào hoàn cảnh cụ thể mà từng người có thực hiện được ước mơ đó hay không. Với em, có một khoản tiền để gia đình đỡ vất vả là niềm hạnh phúc lớn nhất rồi. Hơn nữa, đây cũng là dịp để em chứng tỏ với bố mẹ rằng em đã trưởng thành, có thể tự lo liệu cuộc sống của bản thân mình”, Nguyễn Thị Thắng chia sẻ.


Trong khi đó, Lưu Hương Giang, quê Ninh Bình, sinh viên năm cuối, khoa Ngoại ngữ, trường Đại học Phương Đông lại cho rằng, công việc làm thêm ngày Tết sẽ giúp bạn có thêm kinh nghiệm cho công việc sau này. “Em đang làm phục vụ tại một nhà hàng cho khách nước ngoài. Nhờ đó, em có cơ hội thực hành, trau dồi khả năng tiếng Anh - chuyên ngành mà em đang theo học. Thêm vào đó, tiền lương ngày Tết lại cao. Như thế, đúng là lợi cả đôi đường”, Giang cho biết.


Các bậc phụ huynh, khi biết con không về quê ăn Tết đều không giấu nổi nỗi buồn. Bác Nguyễn Thị Vinh (quê Thanh Hóa) có con gái đang theo học trường Đại học Hàng hải tâm sự: “Do hoàn cảnh khó khăn nên năm nay em nó xin ở lại làm để kiếm thêm thu nhập, đỡ đần cho gia đình. Thương nó bao nhiêu tôi lại càng trách bản thân bấy nhiêu vì không thể đem đến cho con cuộc sống đàng hoàng hơn. Nhưng nó cứ bảo tôi rằng, con đi làm thêm kiếm tiền để bố mẹ và các em đỡ vất vả. Khi nào các em khôn lớn, con ra trường có việc làm đàng hoàng, nhất định con sẽ về ăn Tết với gia đình”.


Đây là năm đầu tiên Quốc Bảo, sinh viên năm nhất trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh, không được đón Tết cùng gia đình. “Nhìn các bạn trong lớp bàn tán nhau mua sắm quà Tết chuẩn bị về quê, mà em cảm thấy rất buồn. Cứ nghĩ đến cảnh không được đón Tết bên người thân là em lại cảm thấy chạnh lòng", Quốc Bảo ngậm ngùi nói. Quê Bảo ở Thừa Thiên - Huế, cơn bão trong năm qua đã tàn phá mùa màng, vườn tược mà bố mẹ em cất công chăm sóc cả năm trời khiến gia đình vốn đã vất vả nay càng khó khăn hơn. Thấy chi phí về quê tốn kém nên Bảo quyết định Tết này ở lại TP Hồ Chí Minh để đi làm thêm. “Em đã xin làm việc trong một công trình từ ngày 20 đến ngày mùng 10 Tết, được 5 triệu đồng. Số tiền này giúp em trang trải cho việc học trong kỳ học sắp tới. Em cũng thấy vui phần nào vì có thể đỡ đần được gia đình trong lúc này", Quốc Bảo chia sẻ.


Trong khi đó, cũng đã 3 năm liên tiếp, Hữu Hùng quê ở Thanh Hóa - sinh viên trường ĐH Công Nghệ, ăn Tết tại TP Hồ Chí Minh. Bởi tiền vé tàu về quê hơn 1 triệu đồng/lượt là quá lớn đối với gia đình em. Tết này, Hùng nhận chạy bàn cho một quán ốc ở chợ Tân Hương (quận Tân Bình) tới 28 Tết mới được nghỉ. “Em làm thêm ở quán ốc một tháng được 1,8 triệu đồng. Được nghỉ trễ nên em quyết định không về quê. Với lại về quê mấy ngày lễ Tết, tiền đi lại tốn kém mà gia đình em lại không có điều kiện. Tối 30 Tết, em sẽ đi xem bắn pháo hoa để đón Giao thừa. Còn mấy ngày Tết, em sẽ làm thêm và cùng bạn bè đi dạo ở đường hoa Nguyễn Huệ. Như vậy, cũng đỡ nhớ nhà phần nào”, Hùng cho biết.


Lỡ hẹn cùng gia đình


Dạo quanh các khu nhà trọ tại quận Thủ Đức, quận 7, quận Tân Bình..., hầu hết các chủ nhà trọ cho biết, năm nay lượng công nhân không về quê vào dịp Tết khá nhiều. Theo các chủ nhà trọ, sở dĩ nhiều công nhân không về quê ăn Tết là do kinh tế khó khăn.


Đang loay hoay chọn quần áo mới cho đứa con gái đang ở quê, chị Bùi Thị Ngà, công nhân Công ty may Việt Hưng (quận 12), cho biết, quê chị ở Thái Bình, cả hai vợ chồng vào TP Hồ Chí Minh làm công nhân, lương cũng đủ chi tiêu hàng tháng và gửi về cho bố mẹ nuôi con. “Mấy ngày nay, đứa con gái 3 tuổi cứ gọi điện thoại hỏi Tết này bố mẹ có về với con không? Nghe con hỏi mà tôi như đứt từng khúc ruột. Tôi chỉ nói với con là mẹ mua quần áo đẹp cho con, con ở nhà với ông bà ngoan nhé. Qua Tết bố mẹ về thăm con”, chị Ngà nghẹn ngào nói.


“Một mùa xuân nữa lỡ hẹn cùng gia đình. Tiết trời se lạnh cuối năm khiến chúng tôi nhớ đến Tết quê, nhưng điều kiện không cho phép, chúng tôi đành ở lại thành phố”, vợ chồng chị Nguyễn Thị Đào, công nhân làm việc tại khu chế xuất Linh Trung 1 (quận Thủ Đức) cho biết. Theo vợ chồng chị Đào, họ vào TP Hồ Chí Minh làm việc hơn 7 năm và chưa một lần về quê. Thay vì bỏ chi phí để về nhà thăm con, vợ chồng chị dùng số tiền đó gửi cho ông bà nội để mua thêm đồ chăm lo cho con. Ngoài ra, tranh thủ những ngày nghỉ Tết, hai vợ chồng chị đi mua bong bóng về bán tại các khu vui chơi giải trí trong thành phố để kiếm thêm thu nhập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN