Pháo nổ là loại hàng hóa bị cấm lưu thông, buôn bán, sử dụng. Mỗi dịp Tết đến Xuân về, nhiều loại pháo nổ, pháo hoa nổ vẫn được thẩm lậu tinh vi vào thị trường Thủ đô, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, mất an ninh trật tự. Công an thành phố Hà Nội mở đợt ra quân cao điểm tuyên truyền, vận động thu hồi, quản lý, phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, góp phần bảo đảm an ninh trật tự dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Chủ động "đánh chặn" tội phạm liên quan đến pháo nổ
Công an các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội đồng loạt ra quân cao điểm tuyên truyền, vận động thu hồi, quản lý và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo trên toàn địa bàn thành phố. Nhiều vụ việc liên quan đến pháo nổ được khẩn trương xử lý.
Qua công tác nắm địa bàn và trinh sát, Công an huyện Gia Lâm liên tiếp phát hiện, xử lý hai vụ việc liên quan đến hành vi vận chuyển hàng cấm là pháo hoa nổ. Ngày 17/12, qua tuần tra, kiểm soát khu vực thôn Kiêu Kỵ, xã Kiêu Kỵ, Tổ công tác Đội Cảnh sát kinh tế, Công an huyện Gia Lâm phát hiện Ngô Văn Cương (sinh năm 2005, hộ khẩu thường trú thôn Hạc Sơn, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa) vận chuyển hàng hóa là 6,33kg pháo hoa nổ. Công an huyện Gia Lâm đã tạm giữ hình sự đối với Ngô Văn Cương để điều tra về hành vi Tàng trữ, vận chuyển hàng cấm, quy định tại điều 191 Bộ Luật Hình sự.
Trước đó, ngày 15/12, tại khu công nghiệp Ninh Hiệp, xã Ninh Hiệp (Gia Lâm), Tổ công tác Đội Cảnh sát kinh tế, Công an huyện phối hợp Công an xã Ninh Hiệp phát hiện Nguyễn Văn Sơn (sinh năm 1976, thường trú thôn Lũng Giang, thị trấn Lim, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) vận chuyển 10,985kg pháo hoa nổ. Công an huyện Gia Lâm đã tạm giữ hình sự đối tượng Nguyễn Văn Sơn để tiếp tục điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định.
Để đợt ra quân đạt hiệu quả cao, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội yêu cầu người đứng đầu các đơn vị "phải sâu sát, quyết liệt, sáng tạo, phát huy vai trò tư lệnh trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ cao điểm; chịu trách nhiệm về việc hoàn thành chỉ tiêu". Người đứng đầu chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Công an thành phố nếu buông lỏng trong chỉ đạo, không chủ động phát hiện, để xảy ra tình trạng phức tạp về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo dịp Tết.
Các đơn vị và Công an quận, huyện, thị xã chủ động phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp xác định vụ án điểm, nhanh chóng điều tra, truy tố, xét xử đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 nhằm răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung. Công tác tuyên truyền, vận động thu hồi và phòng ngừa, đấu tranh xử lý vi phạm cần quyết liệt, đúng tính chất cao điểm, mục tiêu, yêu cầu, cường độ.
Đồng thời, các đơn vị và Công an quận, huyện, thị xã kịp thời biểu dương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong công tác tuyên truyền, vận động thu hồi và phòng ngừa, đấu tranh tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo nhằm khuyến khích, động viên, góp phần xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc trên địa bàn Thủ đô.
Tết an toàn, không có tiếng pháo nổ
Thời điểm cuối năm, theo nhận định, việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng pháo nổ trái phép có xu hướng gia tăng, không chỉ trên địa bàn, nhiều đối tượng từ các địa phương khác có thể đến thực hiện hành vi vi phạm liên quan tới pháo nổ với thủ đoạn tinh vi. Công an các địa phương trên địa bàn thành phố đẩy mạnh tuyên truyền nhân dân không tham gia, tiếp tay vận chuyển hàng cấm, nhất là mặt hàng pháo nổ.
Công an các quận, huyện, thị xã tăng cường cán bộ, chiến sỹ tuần tra, kiểm soát nắm tình hình, phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng chốt chặn tại "điểm nóng", điểm nghi vấn tập kết, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm trường hợp tham gia mua bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ trái phép trên địa bàn; nỗ lực vì một cái Tết an toàn, lành mạnh, không có tiếng pháo nổ.
Ở góc độ địa phương, Trung tá Nguyễn Văn Trung, Trưởng Công an phường Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm) cho biết, Công an phường triển khai đồng bộ, quyết liệt giải pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn hành vi vi phạm liên quan đến pháo nổ; đồng thời tuyên truyền người dân phân biệt rõ loại pháo hoa được phép sử dụng và các loại pháo hoa nổ bị cấm tránh tình trạng vi phạm đáng tiếc cũng như đảm bảo an toàn cháy nổ cũng như sức khỏe, tính mạng cho người dân.
Theo Trung tá Nguyễn Văn Trung, cùng với sự quyết liệt của cơ quan Công an, để đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả hành vi vi phạm liên quan đến pháo nổ, gia đình, trường học và toàn phường cần đẩy mạnh tuyên truyền nội dung văn bản quy định về quản lý, sử dụng pháo nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức của mọi người, qua đó góp phần đảm bảo an ninh trật tự để người dân vui Xuân, đón Tết bình yên, an toàn.
Nghị định số 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo quy định: "Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật" (Khoản 1, Điều 17) và "cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháp hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa" (Khoản 2, Điều 17).
Theo nghị định trên, pháo hoa được hiểu là "sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ". Pháo hoa nổ là loại pháo cấm người dân sử dụng. Nếu nhân dân sử dụng sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm.