Nhân Ngày Thế giới nhận thức về chứng tự kỷ (2/4):

Nỗ lực đưa trẻ tự kỷ hòa nhập cuộc sống bằng âm ngữ trị liệu

Mặc dù có khá nhiều cơ sở giáo dục đặc biệt dành riêng cho trẻ tự kỷ đã ra đời nhưng nhiều trẻ sau can thiệp vẫn không có được kỹ năng giao tiếp - kỹ năng quan trọng của con người.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, những năm gần đây đã xuất hiện mô hình Can thiệp kết hợp âm ngữ trị liệu, giáo dục và gia đình bước đầu mang lại những thành công nhất định, tạo cơ hội cho nhiều trẻ rối loạn phổ tự kỷ hòa nhập với cuộc sống đời thường.

Cải thiện kỹ năng giao tiếp, ngôn ngữ cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ bằng âm ngữ trị liệu

Chú thích ảnh
Một phụ huynh tham gia vào quá trình can thiệp cho trẻ tự kỷ tại Đơn vị Âm ngữ trị liệu – Phòng khám Đa khoa, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. 

Em H.(8 tuổi) đang theo học lớp 1 theo diện học sinh hòa nhập tại một trường tiểu học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Em có thể giao tiếp, làm theo hướng dẫn, đưa ra yêu cầu đơn giản và chơi với bạn, tuân theo các quy luật trong nhóm khi chơi cùng bạn mặc dù có thể không chơi hết các trò. Riêng ngôn ngữ diễn đạt bằng lời là em vẫn còn kém hơn các bạn cùng trang lứa, H. chỉ nói được câu ngắn khoảng 5 từ, chưa thể diễn đạt hết ý của mình muốn nói. Tuy nhiên, đây là sự tiến bộ vượt bậc khi hơn 4 năm trước, H. kém giao tiếp với người xung quanh, chỉ nói từ đơn, không chơi chung với bạn, thích theo ý mình. H. là một trong những học sinh được can thiệp thành công bằng âm ngữ trị liệu tại Đơn vị âm ngữ trị liệu - Phòng khám Đa khoa, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch Thành phố Hồ Chí Minh.

Chị Cao Phương Anh, phụ trách Đơn vị âm ngữ trị liệu cho biết, năm 2017, H. được gia đình đưa đến với vấn đề giao tiếp kém, nói ít, không chơi với bạn. Sau hơn 4 năm can thiệp âm ngữ trị liệu, giáo dục cùng với sự đồng hành của phụ huynh và nỗ lực của bản thân em, H. đã có những bước tiến rõ rệt. Ngoài cải thiện kỹ năng giao tiếp, ngôn ngữ, H. được các cô giáo ở đây dạy tất cả các kỹ năng tiền học đường nhằm tạo hành trang tốt nhất cho em trước khi bước vào môi trường tiểu học công lập. 

Đây chỉ là 1 trong 75 trường hợp trẻ tự kỷ được can thiệp thành công bằng âm ngữ trị liệu tại Phòng khám Đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm qua. Hiện, đơn vị này đang can thiệp cho khoảng 250 trẻ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ ở nhiều lứa tuổi. 

Năm 2018, Đơn vị âm ngữ trị liệu tại Phòng khám Đa khoa, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch bắt đầu hoạt động tiếp nhận can thiệp cho trẻ có khó khăn giao tiếp, ngôn ngữ, lời nói. Chia sẻ về quy trình điều trị cho trẻ tự kỷ tại Đơn vị âm ngữ trị liệu, chị Cao Phương Anh cho biết, mô hình can thiệp cho trẻ tự kỷ tại đây là sự phối hợp đa chuyên ngành gồm: y tế - âm ngữ trị liệu - tâm lý - giáo dục đặc biệt - giáo dục tiểu học, đặc biệt là vai trò vô cùng quan trọng của phụ huynh. Hiện, Phòng khám Đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch có các lớp can thiệp sớm dưới 5 tuổi, lớp giáo dục tiền học đường từ 5 -8 tuổi và lớp huấn luyện kỹ năng tự phục vụ cho trẻ lớn hơn. Song song với các lớp bán trú, đơn vị này còn mở các chương trình đánh giá, tư vấn và can thiệp cá nhân cho tất cả trẻ có khó khăn giao tiếp, ngôn ngữ, lời nói như trẻ rối loạn phát âm, trẻ khiếm thính có sử dụng công nghệ, trẻ nói lắp, trẻ khe hở môi vòm miệng…

Mang cơ hội hòa nhập cho trẻ tự kỷ

Chú thích ảnh
Can thiệp cho trẻ tự kỷ tại Đơn vị Âm ngữ trị liệu - Phòng khám Đa khoa, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. 

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Ngọc Dung, cố vấn chuyên môn của Phòng khám Đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - người đầu tiên đưa âm ngữ trị liệu về Việt Nam, cũng là người đầu tiên đưa ra ý tưởng sử dụng âm ngữ trị liệu trực tiếp giải quyết chứng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ, giúp trẻ tự kỷ hòa nhập cuộc sống, nhìn nhận, trẻ tự kỷ thường gặp rắc rối trong cả việc sử dụng ngôn ngữ và giao tiếp phi ngôn ngữ. Vì vậy, âm ngữ trị liệu (speech therapy) là một phương pháp điều trị quan trọng giúp trẻ tự kỷ hòa nhập với cuộc sống xung quanh.

Các nhà ngôn ngữ trị liệu đánh giá, đây là cách tốt nhất để cải thiện giao tiếp và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bị tự kỷ. Hiện nay, âm ngữ trị liệu đóng vai trò then chốt trong việc điều trị rối loạn giao tiếp và rối loạn nuốt ở cả trẻ em lẫn người lớn. Lĩnh vực này được phát triển từ rất lâu tại các nước châu Âu và châu Mỹ, đơn cử tại Pháp đã thành lập Hiệp hội Âm ngữ trị liệu từ năm 1924. Tại Việt Nam, âm ngữ trị liệu gần đây được quan tâm đầu tư và phát triển ở một số bệnh viện công và tư. Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã và đang đào tạo đội ngũ trị liệu về lĩnh vực này và song song với việc đào tạo là thực hành trị liệu cho trẻ.

Quy trình can thiệp và hỗ trợ trẻ tự kỷ hoà nhập cuộc sống tại Phòng khám Đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch gồm nhiều giai đoạn thực hiện. Đầu tiên, trẻ được phát hiện các dấu hiệu sớm về mắc chứng tự kỷ bằng cách đưa vào tầm soát, tìm kiếm các dấu hiệu báo động trẻ tự kỷ. Sau đó, nhóm chuyên viên tâm lý, âm ngữ trị liệu, giáo dục đặc biệt và cả giáo dục tiểu học sẽ lượng giá chức năng của từng trẻ, lên kế hoạch can thiệp, hỗ trợ. Tiếp theo là bước vào giai đoạn trực tiếp can thiệp trên trẻ và huấn luyện phụ huynh. Trong toàn bộ quá trình này, các chuyên gia đặc biệt khuyến khích phụ huynh tham gia, phụ huynh cũng trở thành người huấn luyện, hướng dẫn trẻ ở mọi lúc, mọi nơi.

Đánh giá về vai trò của phụ huynh, chị Cao Phương Anh cho rằng đây là nhân tố không thể thiếu trong quá trình can thiệp cho trẻ tự kỷ. “Can thiệp cho trẻ tự kỷ không phải là can thiệp trong phòng kín, can thiệp tại trường học mà phải can thiệp mọi lúc, mọi nơi trong các môi trường sống xung quanh. Ví dụ, những lúc ở nhà, đi siêu thị, đi ăn cùng gia đình ở nhà hàng, trẻ cần được dạy những hành vi phù hợp với môi trường như xếp hàng mua đồ, tính tiền, gọi món... những điều như thế này sẽ giúp trẻ hòa nhập xã hội tốt hơn”, chị Phương Anh phân tích.

Có nhiều trường hợp trẻ được can thiệp thành công nhờ vai trò của phụ huynh, như trường hợp của chị Nguyễn Thị Ly (ngụ quận Tân Bình), kể từ khi phát hiện con mình mắc chứng tự kỷ ở thời điểm 3 tuổi, chị bắt đầu đồng hành cùng con. “Tôi cũng phải đi học các kỹ năng để hướng dẫn con mình ở mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh. Cùng với sự hỗ trợ từ các chuyên gia, con tôi từ một đứa bé không có ngôn ngữ, không quan tâm, không nhìn hay nói chuyện với ai sau 3 năm đã có thể trò chuyện bằng những câu ngắn, đặt câu hỏi, biết đếm số, biết hát và đặc biệt rất thích đàn. Nhìn lại thành quả này, tôi vô cùng xúc động”, chị Ly chia sẻ.

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, can thiệp âm ngữ trị liệu nên được thực hiện ngay cho trẻ ngay khi trẻ có các dấu hiệu báo động đỏ, mà không chờ cho đến khi trẻ được chẩn đoán. Điều này quyết định sự cải thiện nhanh hay chậm ở mỗi trẻ, thực tế cho thấy, khi trẻ được can thiệp sớm, tỷ lệ thành công sẽ cao hơn. “Nhiều trẻ đến với chúng tôi khi đã quá muộn, có trẻ hơn 10 tuổi, những trường hợp này vô cùng khó can thiệp bởi đã bỏ lỡ qua “thời gian vàng” trong trị liệu ngôn ngữ cho trẻ tự kỷ”, chị Cao Phương Anh chia sẻ.

Tin, ảnh: Đinh Hằng (TTXVN)
Miễn 100% lệ phí trước bạ, giá VinFast Fadil chỉ còn từ 336 triệu đồng
Miễn 100% lệ phí trước bạ, giá VinFast Fadil chỉ còn từ 336 triệu đồng

Khi mua xe VinFast Fadil từ ngày 11/6 đến hết ngày 31/7/2021, khách hàng sẽ được ưu đãi 100% lệ phí trước bạ, trừ trực tiếp vào giá bán. Chương trình áp dụng cho cả 3 phiên bản Tiêu chuẩn, Nâng cao và Cao cấp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN