Nỗ lực bảo tồn, tôn tạo các di tích chiến thắng Điện Biên Phủ

Tỉnh Điện Biên được biết đến với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 1954 “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Cùng với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và Quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ, danh xưng Điện Biên đã vượt giới hạn không gian, vị trí địa lý, được du khách trong và ngoài nước quan tâm. Những di tích trong Quần thể di tích lịch sử vì thế là thế mạnh của tỉnh Điện Biên. Tuy vậy, do kinh phí đầu tư, tu sửa còn hạn chế nên công tác gìn giữ, phát huy giá trị di tích lịch sử là một điều không đơn giản.

Những di tích lừng lẫy

Có thể nói, hiếm vùng đất nào lại có nhiều di tích lịch sử có giá trị và mật độ di tích dày như ở thành phố Điện Biên Phủ.


 

Hệ thống mái che cùng xác chiếc máy bay, xe tăng của quân Pháp bị bắn hạ trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đầu tiên phải kể đến cụm tượng đài kéo pháo nằm trên triền đồi Bó Hôm, ngày đêm soi bóng xuống dòng sông Nậm Rốm (địa phận xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên). Cụm tượng đài dài 24 mét, rộng 8 mét, cao 12,5 mét, nặng 1.200 tấn, mô phỏng lại cảnh Trung đội pháo binh của ta đang kéo pháo bằng tay vào trận địa pháo phía Bắc của chiến trường Điện Biên Phủ năm 1954. Khuôn mặt, dáng vẻ của 21 nhân vật bán thân, 8 nhân vật toàn thân của cụm tượng được đặc tả khác nhau, nhưng đều thể hiện tinh thần quyết tâm, dồn sức để kéo, chèn, đảm bảo cho khẩu pháo nặng hàng tấn vượt dốc an toàn. Điều đặc biệt, Cụm tượng được đặt chính trên con đường cách đây 58 năm, một trong những đơn vị pháo binh đầu tiên của quân đội ta, trong đó có Trung đội pháo 105 ly của Anh hùng Tô Vĩnh Diện đã kéo pháo vào trận địa pháo phía Bắc của chiến trường Điện Biên Phủ. Tại nơi đây, Tô Vĩnh Diện đã lấy thân mình chèn pháo và anh dũng hi sinh.


Theo hướng Tuần Giáo - Điện Biên vào thành phố Điện Biên Phủ, là trung tâm đề kháng Him Lam (Béatrice) - một trong ba trung tâm đề kháng của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, cứ điểm này được quân Pháp xây dựng đầu tiên trên điểm cao gần 500 mét trên ba quả đồi cách phân khu trung tâm hơn 2 km. Với vị trí “cửa ngõ” án ngữ con đường Tuần Giáo - Điện Biên, nên Him Lam được xây dựng thành vị trí kiên cố nhất của tập đoàn cứ điểm.


Và đặc biệt, trung tâm khu vực lòng chảo Mường Thanh, được mệnh danh là “thung lũng di tích” của "thành phố Hoa Ban”, với các điểm di tích lịch sử, mà tên gọi đã “nằm lòng” trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam như: Di tích đồi D1- cứ điểm ở vị trí cao nhất của dãy núi phía đông, thuộc phân khu Trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ do một đại đội của tiểu đoàn 9 (Trung đoàn 3 Angiêri) đóng giữ, nơi đặt tượng đài chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; Đồi A1 (cứ điểm Elian 2) trên đường “đại lộ” 7/5 của thành phố Điện Biên Phủ - điểm cao cuối cùng trực tiếp che chở cho Sở chỉ huy quân Pháp và được ví như “chìa khóa” của cả tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - Đây là nơi ta và địch giành nhau từng tấc đất, điểm đánh ác liệt nhất có tính chất quyết định cho toàn bộ chiến dịch Điện Biên Phủ; Di tích hầm ĐờCátxtri - Trung tâm đầu não của quân Pháp, nơi tướng ĐờCátxtri cùng Bộ tham mưu Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị bắt sống trong chiều 7/5 lịch sử; Di tích cầu Mường Thanh lịch sử; Di tích đồi Độc Lập, Bản Kéo, di tích trại tập trung Noong Nhai...


Nằm trong khu rừng nguyên sinh cách thành phố Điện Biên Phủ gần 30 km về phía đông, thuộc địa phận xã Mường Phăng, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên), quần thể di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ là nơi làm việc của Bộ Chỉ huy trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Chính tại nơi này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh chiến dịch đã đưa ra những quyết định quan trọng.

 

Giải bài toán trùng tu, tôn tạo di tích


Theo ông Đào Ngọc Lượng, Giám đốc BQL dự án di tích Điện Biên Phủ: Trong điều kiện nguồn kinh phí hàng năm cho công tác trung tu, tôn tạo di tích lịch sử ở Điện Biên còn hạn hẹp, thì chủ trương “xã hội hóa” trùng tu, tôn tạo di tích là một việc làm cần thiết trước mắt và lâu dài đối với tỉnh Điện Biên. Ngoài việc huy động được nguồn vốn để trùng tu, tôn tạo di tích, qua đây sẽ tạo được cho người dân ý thức, tâm lý tôn trọng, bảo vệ di tích hơn.


Từ chủ trương trên, những năm qua, tỉnh Điện Biên đã nghiên cứu, khảo sát, xây dựng nhiều phương án mời gọi tổ chức, cá nhân tham gia công tác bảo tồn, tôn tạo di tích. Tuy nhiên, theo như ông Lượng thì mọi dự án đầu tư, thực hiện công tác trùng tu, tôn tạo di tích đều phải tính toán kỹ lưỡng, phải tôn trọng, đảm bảo yếu tố gốc của di tích lịch sử.


Thành công lớn nhất trong chủ trương “xã hội hóa” trùng tu, tôn tạo di tích từ trước đến nay của ngành du lịch Điện Biên đã mời gọi được Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội (HANDICO) tài trợ kinh phí và trực tiếp thi công Dự án mái che các hiện vật ngoài trời. Công trình có tổng mức đầu tư 5,2 tỷ đồng, khởi công cuối tháng 2/2012. Sau hơn 2 tháng thi công, toàn bộ 12 hạng mục nhà mái che cùng các công trình phụ tại 9 điểm di tích khu vực thành phố Điện Biên Phủ đã hoàn thành, đảm bảo chất lượng, kỹ, mỹ thuật và quan trọng nhất là giữ nguyên được hiện trạng di tích.


Về tính khả thi của công trình mái che, ông Lượng đánh giá: Công trình mái che hiện vật ngoài trời là công trình áp dụng đầu tiên đối với các di tích lịch sử. Tuy mang tính thử nghiệm nhưng công trình đã thể hiện rõ ưu điểm: Nhờ mái kính mà nền nhiệt trong khu vực di tích ít chịu sự biến đổi theo nhiệt độ môi trường, tránh được tình trạng “phơi trần” như trước đây của di tích nên kinh phí đánh gỉ (do mưa ngấm) tại di tích cũng giảm. Cùng với đó hệ thống kính chuyên dụng đã ngăn cản được toàn bộ bức xạ, tia cực tím của mặt trời tác động trực tiếp lên hiện vật...


Được biết, theo con số thống kê của Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ thì hiện Quần thể di tích chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ có gần 40 điểm di tích lịch sử, riêng khu vực lòng chảo Mường Thanh có đến gần 30 điểm. Một thực tế đáng quan ngại là các di tích lịch sử này nằm dàn trải trên diện tích rộng. Nhưng đặc thù di tích lại không tách biệt thành khu vực riêng nên khó quản lý, trùng tu, tôn tạo.


Kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/4/2014) và định hướng lâu dài, tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục xây dựng đề án, phương án cụ thể, đẩy mạnh công tác quảng bá về du lịch lịch sử ở Điện Biên để mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội đều có thể chung tay thực hiện công tác trùng tu, tôn tạo để ngày càng phát huy, khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, giá trị văn hóa, lịch sử của quần thể di tích lịch sử trên địa bàn.


Bài và ảnh: Nguyễn Xuân Tiến

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN