Những người bám biển - Kỳ 5: Cá kình Biển Đông

Nói đến những người bám biển, không thể không nói đến những con tàu vận tải của Hải đội 812 Vùng 2 Hải quân ngày đêm trực bảo vệ các nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Mặc sóng to gió lớn, mặc khó khăn gian khổ, có lệnh là xuất phát ra khơi, để rồi sau 3 tháng lênh đênh trên biển, trở về đất liền chưa kịp thăm vợ con lại phải lên đường. Chủ nhân của những con tàu ấy là cán bộ chiến sĩ Hải đội 812 Vùng 2 Hải quân, họ được ví như những con cá kình trên mọi vùng biển đảo.


Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành


Những ngày đầu của tháng 5 lịch sử, quân cảng Hải đội 812 Vùng 2 Hải quân vắng bóng những con tàu. Chính trị viên Hải đội 812, trung tá Đỗ Hồng Duyên cho biết: “Năm nào cũng vậy cứ đến mùa biển lặng thì “cảng ơi ở lại tàu đi nhé”. Tôi ngạc nhiên bởi câu nói ví von của anh, trung tá Duyên phân trần: “Tháng tư và tháng 5 là đỉnh cao của mùa vận tải xây đảo. Ngoài làm nhiệm vụ trực ở các nhà giàn DK1 và tuần tiễu trên biển xa, các tàu còn lại đều làm nhiệm vụ CQ tức là vận tải vật liệu xây đảo. Chúng tôi luôn xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Hải đội nên dù khó khăn vất vả cũng quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.


 

Giao nhiệm vụ trước giờ đi biển.

 

Buổi sáng bình yên trên biển Vũng Tàu, ngắm nhìn những người lính trẻ trung hồn nhiên trên cầu cảng, không ai nghĩ mọi hiểm nguy đến với họ bất cứ lúc nào khi con tàu rẽ sóng ra khơi. Thiếu úy Nguyễn Văn Xinh kể lại: “Trong rất nhiều chuyến đi vận tải CQ, tôi nhớ nhất là lần tìm kiếm cứu nạn trên biển. Lần ấy tàu đang hải trình thẳng hướng Trường Sa, bất ngờ phát hiện một ghe của ngư dân Quảng Ngãi bị trôi dạt trên biển do vỡ lốc máy, nước tràn khoang, nguy cơ chìm tàu. Khi nhận được tín hiệu cấp cứu cũng là lúc sóng gió nổi lên. “Toàn tàu chuẩn bị cứu nạn ngư dân”, tiếng thuyền trưởng vang lên, chúng tôi nhanh chóng thả xuồng, tiếp cận ghe dân, quăng phao và dây mồi. Giữa sóng to gió lớn, đưa từng ngư dân lên tàu an toàn là một việc không dễ. Tuy vất vả nhưng ai cũng thấy vui vì tất cả ngư dân đều được cứu sống”.


Thiếu úy chuyên nghiệp nhân viên báo vụ Nguyễn Văn Thủy tàu HQ - 609 thì kể lại, những chuyến đi biển gặp giông bão bất ngờ, con tàu HQ - 609 vận lộn với sóng gió giữa biển khơi, có khi nấu cơm hàng chục lần vẫn bị đổ, anh em phải ăn lương khô trừ bữa. Có chuyến đi do nhiệm vụ đột xuất phải kéo dài thời gian trên biển đến hơn ba tháng, lương thực thực phẩm dự trữ không đủ, thiếu nước ngọt và rau xanh, các chiến sĩ phải chia nhau từng ca nước ngọt để đánh răng rửa mặt. Lâu ngày không có nước tắm, ghét bám trên người bở như vỏ khoai lang, nhưng chuyện ấy đối với lính Hải đội 812 trở thành bình thường. Nhìn vóc dáng của tàu HQ - 609 ai cũng “thon thả mảnh mai”, Xinh và Thủy giải thích với tôi: “Đó là vì những đêm mất ngủ thường xuyên và căng thẳng theo dõi độ rung lắc của nhà giàn những đợt sóng lớn. Khi không bảo đảm an toàn là sẵn sàng chuyển các chiến sĩ nhà giàn xuống tàu khẩn cấp. Nhiệm vụ nào chúng tôi cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, miễn là có lòng nhiệt tình và tình yêu biển đảo”.

 

Vì Trường Sa hiến cả thân mình


Hiện nay Hải đội 812 đã được trang bị thêm nhiều tàu mới cùng những trang thiết bị hiện đại, nhưng có một điều không một thiết bị hiện đại nào thay thế được đó là tinh thần trách nhiệm và ý chí bám biển, giữ đảo. Ý chí ấy được các chiến sĩ Hải đội tôi luyện qua hàng nghìn chuyến vượt sóng ra khơi với tinh thần “Vì Trường Sa hiến cả thân mình”.


 

Tàu HQ 609 của Hải đội 812 chuyển quà Tết cho nhà giàn DK1/14 trong sóng to gió lớn.

 

Do nhiệm vụ đặc thù của hải đội là thường xuyên đi biển dài ngày, nên nhiều sĩ quan trẻ dù nhiều tuổi cũng chưa tìm cho mình một góc riêng tư. Thượng úy Nguyễn Đăng Dương chính trị viên tàu HQ - 609 chia sẻ: “Mấy năm rồi em chưa được về quê. Khi tàu đi làm nhiệm vụ qua vùng biển Lạch Trường Thanh Hóa, hình ảnh bố mẹ, và ngôi nhà nhỏ lại hiện về. Lúc ấy nhớ nhà quá, nhưng đành chấp nhận” - Khi nào cậu cưới vợ? câu hỏi bất ngờ làm Dương bối rối: “Em chưa biết nữa. Thực lòng mà nói, mỗi lần đi biển về chưa kịp tìm người yêu lại phải hành quân. Lính hải quân lấy vợ muộn là bình thường mà anh. Dù ở biển có gian khổ đến đâu đi nữa, thì niềm hạnh phúc lớn nhất của em là hoàn thành nhiệm vụ, khi nhiệm vụ ấy chưa hoàn thành thì hạnh phúc riêng tư cũng không trọn vẹn”.


Tháng 5 mùa biển lặng, đoàn tàu vận tải của Hải đội 812 lại hải trình đi biển. Ra khơi, họ như những chú cá kình vẫy vùng trên sóng nước, được sống những giây phút hiểm nguy nhưng đầy ý nghĩa của sự cống hiến hết mình. “Một tháng không đi là nhớ biển cồn cào”. Tôi hiểu những người lính thủy của Hải đội 812 không chỉ yêu biển, đảo, mà tình yêu lớn lao hơn và thiêng liêng hơn họ giành cho Tổ quốc, cho sự bình yên của một vùng lãnh hải thân yêu.


 

Bài và ảnh: Mai Thắng

 

Kỳ cuối: “58 năm bộ đội Hải quân làm theo lời Bác”

Những người bám biển - Kỳ 4: Trường Sa gọi, chúng tôi trả lời
Những người bám biển - Kỳ 4: Trường Sa gọi, chúng tôi trả lời

“Lính công binh bất kể đêm ngày nắng mưa gió bão, khi Trường Sa cần là sẵn sàng lên đường. Để có những ngôi nhà mang hình Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió thì mình xá chi sức trẻ và tuổi thanh xuân, Trường Sa gọi, chúng tôi trả lời”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN