Buổi chiều một ngày tháng ba, trời trở lạnh đã mấy ngày làm cho bầu trời và không khí ảm đạm. Nhập nhoạng tối, tôi xách túi rác đi vứt ở bể rác trong khuôn viên KTX Trường ĐHSP Thái Nguyên. Xung quanh cuộc sống hối hả, tấp nập và đông vui. Chỉ có âm thanh tiếng xẻng xúc loảng xoảng trong chiếc bể xi măng dường như lạc lõng. Lúc đó chị thu rác đang oằn lưng, vật lộn với cả một bể rác. Tôi nhẹ nhàng đặt túi rác xuống cạnh hố và bắt chuyện với chị.
Chiều nào đứng trên lan can, tôi đều trông thấy chị đang gò lưng đẩy xe rác. Mong được “giáp mặt” để bắt chuyện, hôm nay có cơ hội nên không chút do dự. Chị quét rác chạc ngoài 30 tuổi. Đó là tôi đoán vậy bởi ngoài đôi mắt đen láy ra thì toàn bộ khuôn mặt chị bịt kín như bưng. Chị mặc quần áo bảo hộ lao động, mặt trùm khăn và khẩu trang, đầu đội chiếc nón “mê”.
Lúc đầu, khi tôi bắt chuyện, chị tỏ vẻ không mấy niềm nở. Tôi biết chị ngại vì chị đang làm công việc “rác rưởi” như thế, mà tôi thì quần áo, đầu tóc sạch sẽ. Chị vừa xúc rác, vừa nói:
- Nghề này, người này thì có gì đâu mà chú hỏi chuyện cho mệt, không sợ bẩn, sợ hôi à?
Tôi nhoẻn miệng cười và đáp:
- Em là con nhà nông, có gì sợ đâu chị.
Sau câu nói của tôi, câu chuyện giữa tôi và chị quét rác hình như mới bắt đầu “vào cuộc”.
Người chị thon nhỏ mà xe rác lại quá to, che khuất người chị. Chị đi đôi ủng màu nâu đã cũ sờn, đứng giữa bể rác. Nhìn bể rác, tôi thấy rợn người. Toàn rác là rác. Nào là cuống rau, vỏ chuối, vỏ mì tôm, chai lọ, lông gà, cơm cặn… Hỗn độn nhiều thứ rác. Rồi mùi rác bốc lên rất đặc trưng: Chua chua, hôi hôi và tanh tanh khó ngửi. Chị như lăn mình giữa tạp rác ấy, mùi rác ấy.
Tôi hỏi quê chị và thời gian chị làm việc này, bàn tay vừa xúc những mớ rác đưa lên xe, chị cho biết, chị tên là Nguyễn Thị Phương, 37 tuổi, nhà chị ở tận Tân Cương, cách đây gần chục cây số. Nhà nông, chồng làm thuê, hai con nhỏ, khó khăn lắm. Chị làm hợp đồng dọn rác hàng ngày cho phường đã được 3 năm 4 tháng rồi. Ngày nào cũng như ngày nào, cứ chiều khoảng 3 đến 4 giờ, chị lại “khăn gói” đẩy xe rác đi làm nhiệm vụ. Những công việc hàng ngày cứ đều đều, lặp đi lặp lại: Quét rác, gom rác, xúc rác lên xe và đẩy đến chỗ tập kết. Sau đó chuyển lên xe tải. Hôm nào nhanh khoảng 7 giờ tối là xong nhưng hôm nào lái xe chậm chuyến, phải chờ đến tận 9 giờ tối. Về đến nhà, các con đã ngủ, cơm canh không còn nóng. “Biết làm sao được hả chú !”, chị thở dài khi kể đến đó.
Nhìn đống rác đến rợn người, tôi tò mò hỏi chị:
- Thế chị không sợ bẩn, sợ mùi hôi hám à mà chọn làm nghề này?
Chị cười nhẹ và trả lời giản dị:
- Ai mà chẳng sợ bẩn thỉu hả chú. Nhưng biết làm sao được, vì cuộc sống mà, khổ nhưng làm sạch môi trường và có thêm chút tiền để trang trải cũng cam.
Nói đến thu nhập, chị cho biết, mỗi tháng, tiền lương hợp đồng chị nhận được là 1,2 triệu đồng.
Tôi lại hỏi thêm:
-Thế chị không làm thêm việc gì khác à ? Như thế có đủ sống không?
Chị nhanh miệng đáp:
- Có chứ! Chị làm thêm ruộng, trồng rau và nuôi lợn. Làm rác là phụ thêm thôi chứ đủ sống sao được.
Qua câu trả lời của chị, tôi biết chị còn vất vả lắm trong cuộc sống thường ngày. Tất cả vì mưu sinh.
“Chị thấy công việc này thế nào? Có vất vả không?”- Tôi hỏi khi chị đang cố lèn rác trên xe. Chị không ngần ngại trả lời: “Vất thì có vất, suốt ngày chỉ biết có rác với rác thôi. Nhưng chú thử nghĩ xem, nếu không có ai chọn nghề dọn rác này thì làm gì có không gian sạch sẽ như thế này”. Tôi chợt hiểu: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai...”.
Chị vừa xúc rác, vừa kể tiếp. Giọng kể pha lẫn mệt nhọc và những giọt mồ hôi lấm chấm trên lưng và vai áo. Đi dọn rác quanh phường, chị biết rõ từng nhà nào hay vứt loại rác nào, nhà nhiều rác, nhà ít rác. Rác nhiều không kể xiết. Nhưng chị và đồng nghiệp của mình không bỏ sót một nhà nào cả. Tất cả rác được dồn về bể rác sau nhà KTX sư phạm này.
Những hôm trời mưa, nước đọng trong bể rác, đeo ủng vẫn thấy ghê chân. Nhưng việc phải làm không nghỉ được. Chỉ cần nghỉ một hôm là rác ứ đọng lại, mùi hôi thối lại tăng. Có hôm mưa lâu ngày, rác chất lên xe cao quá, đẩy đến cong lưng mới đi được, nước chảy ròng ròng từ trên xe, tới một đoạn đường, rác không giữ được, đổ ụp xuống và rác “dội” cả vào đầu, vào mặt, vào áo. Nghĩ lúc đó, chị thấy cơ cực. May có mấy bác gần đó chạy lại đỡ lên giúp. Chị thấy như được an ủi phần nào.
Khi câu chuyện đã đi được quá nửa, chị không ngần ngại kể về những chuyện chị gặp phải trong những lần đi dọn rác. Chị cho biết, có lần đang xúc rác, vô tình vấp phải một túi xilanh trong đó máu đỏ ngầu. Biết đó là xilanh của bọn nghiện, chị rùng mình, may mà đôi chân bọc ủng, không thì quá nguy hiểm. Có lần chị dọn túi rác của một sinh viên vừa vứt, thấy có chiếc điện thoại di động sinh viên đó vô tình đưa vào túi rác, chị chạy theo và trả lại cho em sinh viên đó. Chị còn cho biết, bọn nghiện hay vào đống rác để tìm kiếm nên mỗi lần chúng vào, giẫm dí hết cả làm cho lúc xúc rác gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều chuyện nữa, chị không nhớ hết.
Chị Phương tâm sự, làm việc gì chắc cũng có gian nan riêng, nhưng việc quét rác của chị gian nan cách khác. Khi mọi người quần là áo lượt đi trên những chiếc xe máy sang trọng, thì chị lấm lem trong bộ quần áo bảo hộ lao động. Những lúc buổi tối, nhà nhà sum họp, quây quần ăn cơm tối, xem thời sự, đi bộ tập thể dục thì chị và đồng nghiệp vẫn oằn lưng với xe rác hoặc bụng đói “meo”, ngồi chờ xe tải đến bốc rác lên.
Có lẽ tôi còn muốn trò chuyện với chị quét rác nhiều hơn nữa nhưng trời đã tối, và tôi cũng không muốn làm phiền chị bởi còn rất nhiều rác trong bể phải hai đến ba chuyến đẩy xe mới hết. Trước lúc chia tay, chị có dặn tôi: “Chú đừng đưa chị lên báo nhé! Chuyện của người dọn rác có gì đáng đưa lên báo đâu!”.
Nguyễn Thế