Kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga:

Nhớ mãi một nước Nga thân thương

Hàng chục năm đã trôi qua, nhưng trong ký ức của các lưu học sinh Việt Nam từng học tập, nghiên cứu tại Liên Xô vẫn vẹn nguyên những hình ảnh về tình cảm trân quý với người dân Xô Viết.

Tình cảm nồng hậu của những người dân của quê hương Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại đã chắp cánh cho bao ước mơ, hoài bão tuổi trẻ của những lưu học sinh Việt Nam và trở thành những viên gạch nền vững chắc cho nỗ lực phát triển mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai dân tộc Việt – Nga hôm nay.

Ông Hoàng Minh Nhân, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt-Nga TP Hồ Chí Minh và ông Dimitri Igorevich Alexayev, Bí thư thứ ba Tổng lãnh sự quán Liên bang Nga tại lễ kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga.

Sáu năm học tập tại Liên Xô đã để lại trong tâm trí ông Hoàng Minh Nhân, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Nga Thành phố Hồ Chí Minh những tình cảm tốt đẹp về con người và tình cảm của người dân Xô Viết đối với các lưu học sinh Việt Nam trong những năm năm 80 của thế kỷ trước. Ông Nhân bồi hồi nhớ lại: “Lòng tốt của người Liên Xô đối với Việt Nam rất tự nhiên, như một lẽ thường tình, như giữa những người trong cùng một gia đình. Sự gần gũi, chân thật của tình cảm ấy nhiều khi chỉ sau khi mọi việc diễn ra, chúng ta mới thực sự cảm nhận hết ý nghĩa của lòng tốt của người dân nước bạn”.

Tình cảm nồng ấm, sự giúp đỡ ân cần của các thầy, cô giáo, những người dân Xô Viết đã phần nào giúp cho nhiều thanh niên Việt Nam vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống nơi đất lạ, nuôi dưỡng ước mơ mang tri thức khoa học của thế giới về dựng xây quê hương.

Là một người đã có 9 năm học đại học và làm nghiên cứu sinh tại Moscow, ông Trần Hoàng Hải, Hiệu phó trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh tâm sự, không phải những cánh rừng Taiga bạt ngàn, dòng Vonga xanh thẳm hay những đêm trắng Moscow kỳ vĩ mà chính là những tình cảm tốt đẹp của người dân Xô Viết đối với Việt Nam mới là những dấu ấn, hình ảnh không thể phai mờ trong ông và những du học sinh Việt Nam tại Liên Xô cũ.

“Vào những dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga, các lưu học sinh Việt Nam cùng xuống đường dọn vệ sinh, tham gia mít tinh, các hoạt động chào mừng ngày lễ lớn của nước bạn. Trong những lần đó, lời chúc mừng Việt Nam chiến thắng cũng là lời chào của những người dân Liên Xô khi gặp các học sinh Việt Nam, bởi với những người dân Liên Xô lúc đó, Việt Nam là hiện thân của khí phách chiến đấu quật cường của người dân Liên Xô yêu chuộng hòa bình”, ông Hải nhớ lại.

Trong tâm tưởng những du học sinh Việt Nam, những người dân Xô Viết là những người thầy, người bạn, những người thân trong gia đình trong những năm tháng đi học xa quê hương. Mối quan tâm chu đáo từ miếng ăn, tấm áo cho đến sự chỉ bảo tận tình trong học tập, nghiên cứu khoa học của những người thầy, người bạn Liên Xô đã khiến xứ sở Bạch Dương trở thành quê hương thứ hai của rất nhiều lưu học sinh Việt Nam.

Với Tiến sĩ Chu Hải Thanh, nguyên Phó Giám đốc Học viện Tư pháp, du học sinh ngành Luật từ năm 1972 -1978, đó là ký ức đẹp về một đất nước đẹp đẽ, yên ả và thanh bình, một xã hội rất tốt đẹp, một niềm mơ ước cho người dân còn chịu nhiều áp bức, bóc lột trên thế giới. Ông chia sẻ: “Con người Liên Xô có nhân cách rất tốt đẹp, cách đối xử với mình rất nhiệt tình, từ các thầy cô giáo cho đến người dân Liên Xô. Thời đó, nước ta đang trong thời gian chiến đấu chống Mỹ và nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ của nước bạn hết sức nhiệt tình. Họ rất thương nước mình, thương người Việt Nam, giúp đỡ tận tình, như anh em bà con ... ”.

Trong số hàng chục nghìn thanh niên Việt Nam đã được gửi sang quê hương Cách mạng Tháng Mười Nga đào tạo trong suốt nhiều thập kỷ của thế kỷ trước, có rất nhiều người sau khi trở về đã trở thành những sỹ quan, cán bộ quân đội là hạt nhân cho công tác xây dựng lực lượng quân đội nhân dân cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Nhớ lại 5 năm học tập tại Học viện quân chính Moscow (1981-1986), Thiếu tướng Đào Xuân Thọ, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, cũng như các lưu học sinh tại Liên Xô khác, ông không chỉ được tiếp thu kiến thức khoa học, thông thạo thêm một ngoại ngữ mới mà còn được cảm nhận sâu sắc hơn tình đoàn kết quốc tế vô tư, trong sáng, lòng nhân hậu đằm sâu giữa con người với con người của nhân dân Xô Viết với Việt Nam.

Ông Thọ hồi tưởng: "Ngoài những hỗ trợ cấp chính phủ, chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ rất nhiệt tình của các thày, cô, bạn bè cùng học và người dân Liên Xô. Có thể nói, sự giúp đỡ của người dân Liên Xô đối với Việt Nam rất vô tư, trong sáng nhưng cũng rất tận tình, chu đáo, cả về vật chất lẫn tinh thần. Đó là những kỷ niệm đẹp trong hành trang của những người đã từng sống, học tập tại Liên Xô trước đây”.

Xúc động trước những bức ảnh gợi nhớ một thủa hào hùng về Liên Xô vĩ đại trong Triển lãm ảnh kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đại tá Bùi Sĩ Tạo, cựu cán bộ Viện Kỹ thuật Hải quân từng học tập tại Liên Xô, khẳng định: “ Giá trị Cách mạng Tháng Mười vẫn mãi được lịch sử loài người ghi nhận như là sự kiện không thể nào quên trong thế kỷ 20. Cũng như những ký ức về nước Nga trong tôi, trong các lớp du học sinh Liên Xô - Nga là không thể phai mờ”.

Những ký ức sâu sắc của các lưu học sinh Việt Nam tại Liên Xô chỉ là một trong vô vàn những ví dụ sinh động, hiện thực về mối tình đoàn kết, hữu nghị thủy chung của người dân Xô Viết đối với Việt Nam trong suốt những năm chiến tranh và sau này. Không chỉ những học sinh, sinh viên từng học tập tại Liên Xô, mà với toàn thể người dân Việt Nam, sự giúp đỡ hiệu quả, giàu tình nghĩa quốc tế vô sản mà nhân dân Liên Xô dành cho Việt Nam luôn khắc sâu trong tâm trí mọi người dân Việt Nam và là tiền đề vững chắc cho sự phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam – Nga hôm nay.

Xuân Khu (TTXVN)
Sáng mãi ngọn lửa Cách mạng Tháng Mười Nga
Sáng mãi ngọn lửa Cách mạng Tháng Mười Nga

Cách đây 100 năm, ngày 7/11/1917 đã nổ ra một sự kiện làm rung chuyển toàn thế giới: Cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại. Dưới sự lãnh đạo thiên tài của V.I.Lênin và Đảng Bônsêvích Nga, nhân dân và giai cấp công nhân Nga đã vùng lên đập tan chế độ Sa Hoàng, dựng lên Nhà nước công nông đầu tiên, khai phá con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) trên thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN