Lữ Minh Châu
Nguyên Ủy viên TW Đảng,
Nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam
Nguyên Chủ tịch HĐQT đầu tiên của Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL
Nhân 6 năm ngày mất của ông Võ Văn Kiệt, cố Thủ tướng Chính phủ nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Tên khai sinh của cố Thủ tướng là Phan Văn Hòa ở ấp Bình Phụng, xã Trung Lương, huyện Vũng Liêm tỉnh Vĩnh Long. Sáu Dân là bí danh của anh và là tên gọi thân thương quý mến của đồng bào, đồng chí khi nhắc đến Anh. Anh sống ấm tình, sống hết mình với đồng bằng sông Cửu Long.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến thăm Ngân hàng MHB những buổi đầu thành lập (Ông Lữ Minh Châu đứng bên trái Cố Thủ tướng) |
Riêng tôi, còn nhớ mãi không bao giờ quên, tháng 5/1997, sau khi có nghị quyết của Bộ Chính trị, anh đi khảo sát vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên, anh đề ra quyết sách “Phải sống chung với lũ.” Về đến Tp. Hồ Chí Minh, Anh gọi tôi đến và nói ngay: “Không thể để như vậy được, một vùng là vựa lúa của cả nước, đảm bảo an ninh lương thực cho Quốc gia , là nơi tập trung xuất khẩu thủy hải sản cao nhất cả nước, mà nông dân sống nhếch nhác tạm bợ hơn bất cứ vùng nào trong cả nước. Nhưng muốn phát triển được phải có vốn, vốn ai lo, Ngân hàng lo. Tôi giao cho ông xây dựng một Ngân hàng hoạt động theo kiểu mới thích hợp để chăm lo công việc này. Tôi thưa với anh Sáu: “Tôi đã chuyển sang công tác khác sau bảy năm rồi, anh Sáu nên giao cho anh Cao Sĩ Kiêm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hiện tại lo thì phù hợp hơn.” Anh Sáu nói: “Tôi nghĩ kỹ rồi, việc này phải có người chuyên lo mới được. Tôi đã bàn với anh Cao Sĩ Kiêm, anh Kiêm cũng có ý giao cho anh đứng ra thành lập, anh Kiêm sẽ hỗ trợ tận tình. Do đó, anh cứ nhận làm, tôi trực tiếp chỉ đạo. Việc này không phải bây giờ mới bàn mà tôi đã báo cáo với Bộ Chính trị và Bộ Chính trị đã có quyết định rồi".
Tiếp theo đó, ngày 14/6/1997, Thủ tướng gửi một thư riêng cho UBND các tỉnh ĐBSCL, UBND Tp. Hồ Chí Minh, các tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, vật tư, sản phẩm nông nghiệp và các Ngân hàng thương mại, nội dung như sau: “Để góp phần đẩy nhanh việc xây dựng hạ tầng cơ sở và chăm lo đời sống cho nông dân đồng bằng sông Cửu Long, qua đó khai thác tốt hơn tiềm năng của khu vực này đảm bảo an toàn lương thực cho cả nước, cần thiết phải có một định chế tài chính mới đủ tầm vóc và điều kiện góp phần giải quyết các vấn đề mà thực tiễn đời sống kinh tế xã hội ở đồng bằng sông Cửu Long đặt ra.” Tiếp theo ngày 1/7/1997, Thủ tướng đã ký quyết định số 461/TTg, chỉ định Ban Trù bị thành lập Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL, giao trách nhiệm cho tôi làm trưởng ban; lúc đó tôi đã 68 tuổi rồi.
Tôi bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ được giao, gấp rút mời một số chuyên gia Ngân hàng am hiểu vùng ĐBSCL, có kinh nghiệm xây dựng và tổ chức các Ngân hàng làm việc khẩn trương trong 2 tháng. Kết quả phương án hoạt động, điều lệ của Ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước thông qua. Ngày 18/9/1997, Thủ tướng đã ký quyết định số 769/ TTg cho phép thành lập Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL, khai sinh một định chế tài chính mới nhằm mở rộng hoạt động trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng Ngân hàng với
Mục tiêu trước mắt : Khai thác, huy động, tập trung các nguồn vốn để đầu tư phát triển nhà ở Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần ổn định nhà ở cho người dân, nhất là người dân ở vùng lũ lụt.
Mục tiêu lâu dài : góp phần chuyển dịch cơ cấu, hỗ trợ cho sự phát triển toàn bộ khu vực ĐBSCL.
Lúc đặt tên cho Ngân hàng, tôi có nói với anh Sáu cái tên “Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long” nghe ra có tính cục bộ địa phương quá. Anh cười và khoát tay nói “Không sao, đặt tên vậy để người ta chú ý đến nhà ở vùng ĐBSCL với chỉ số nhà ở thấp nhất nước, sau này làm ăn khá thì phát triển ra khắp nước, có sao đâu!”.
Bây giờ ngồi ngẫm nghĩ lại thấy anh Sáu nói đúng. Thưa với anh Sáu, Ban Lãnh đạo Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL hiện nay đã làm được một số việc có kết quả tốt và còn phải làm nhiều việc nữa mới đạt được ước vọng của Anh.
Một là anh nói: “Khi có điều kiện phải cổ phẩn hóa ngay” – Thưa với anh ngày 14/08/2012, Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL đã chính thức đi vào hoạt động theo một hình thức Ngân hàng TMCP, vốn điều lệ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là 4575 tỷ đồng, vốn điều lệ đến nay đã có 3.369 tỷ đồng.
Việc thứ hai là nhiệm vụ đối với vùng ĐBSCL,Ngân hàng đã có một mạng lưới hoạt động đều khắp với hơn 230 chi nhánh và phòng giao dịch, là Ngân hàng đứng thứ 2 trong toàn hệ thống Ngân hàng tại khu vực này(chỉ sau Agribank).Các chi nhánh của Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL đã triển khai tốt Nghị định 41/ND-CP ngày 12/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ưu tiên phát triển tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL đã dành đến 69% trên tổng số dư nợ cho nhiệm vụ này.
Việc thứ ba anh nói: “Khi làm tốt nhiệm vụ ở vùng ĐBSCL thì mở rộng ra các tỉnh khác trong cả nước, có sao đâu".
Thưa với anh Sáu: Ngày 23/10/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ký phê duyệt Đề án cơ cấu lại Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL giai đoạn 2001 – 2010, chuyển toàn bộ hoạt động của Ngân hàng theo nguyên tắc thị trường, cạnh tranh có lợi nhuận và xây dựng Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL thành một Ngân hàng thương mại hoạt động đa năng, hoạt động an toàn hiệu quả, có uy tín trong và ngoài nước, đủ sức cạnh tranh và hội nhập. Đến nay, Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL đã có mặt ở một số tỉnh ở miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên.
Và còn một điều mà anh mong muốn là thông qua kênh huy động vốn để tuyên truyền cho nhân dân làm quen với việc tiết kiệm chi tiêu, có kế hoạch chi tiêu đến nay cũng đã làm được. Nhân dân trong vùng đã gửi vào tiền tiết kiệm hàng chục ngàn tỷ đồng.
Nhân dịp sắp đến ngày giỗ của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, để thiết thực nhớ anh Sáu, tôi mong anh chị em trong Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL (MHB) đến nay cũng đã đến hàng ngàn người, từ cán bộ lãnh đạo đến anh chị em nhân viên thường phải sống thật ân tình và làm việc hết mình theo gương anh Sáu vượt qua mọi khó khăn thử thách để hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ mà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã thay mặt Bộ Chính trị giao phó khi thành lập.