Nhìn lại việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg: Bài 3 - Còn nhiều tồn tại, thách thức

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến sơ kết về công tác phòng, chống dịch COVID-19 với các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg và triển khai thực hiện Nghị quyết số 86/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 (ngày 15/8), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 phải có sự vào cuộc của nhân dân.

“Nhân dân ý thức, tham gia, ủng hộ, thực hiện nghiêm các quy định, hướng dẫn mới có kết quả, nơi nào người dân không ủng hộ thì không có kết quả, thậm chí thất bại…Chiến thắng hay không phụ thuộc vào lòng dân, sự tham gia của người dân có tính chất quyết định, người dân là chủ thể, là trung tâm của công tác phòng chống dịch. Mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương phải là một pháo đài, nhất là ở cơ sở, mỗi người dân là một chiến sĩ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của chính quyền, sự vào cuộc của MTTQ và các đoàn thể nhân dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Chú thích ảnh
Xe lưu động đặt tại điểm tiêm chủng phục vụ cho người dân TP. Hồ Chí Minh trên 65 tuổi. Ảnh: Thu Hương/TTXVN

Một số địa phương chưa thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội

Trong báo cáo gửi tới Hội nghị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã chỉ ra rằng, một trong những tồn tại, thách thức trong công tác phòng, chống dịch là công tác tổ chức thực hiện tại một số nơi, một số thời điểm chưa nghiêm, chưa đầy đủ, chưa dứt khoát, chưa thực chất, chưa thống nhất các biện pháp, chính sách phòng, chống dịch. Một số địa phương chưa thực hiện nghiêm, triệt để các biện pháp giãn cách xã hội theo nội dung tại Chỉ thị số 16/CT-TTg.

Báo cáo hoạt động di chuyển của người dân Hà Nội và 19 tỉnh, thành Nam Bộ ngày 12/8 cho thấy, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai có xu hướng tuân thủ nghiêm túc hơn so với thời gian trước. Hà Nội không nằm trong nhóm 3 địa phương tuân thủ tốt nhất. So sánh sự tuân thủ theo quãng đường, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bình Dương có xu hướng nghiêm túc hơn so với ngày trước đó.

Báo cáo cũng chỉ ra nhiều thách thức khác, đó là việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” tại nhiều địa phương chưa triệt để; thiếu chủ động, có sự lúng túng, e ngại khi triển khai mua sắm các vật tư, trang thiết bị phòng, chống dịch, do đó khi dịch bệnh xảy ra trên địa bàn chưa đáp ứng kịp thời các yêu cầu về xét nghiệm, có tình trạng thiếu trang thiết bị ở một số cơ sở điều trị. Một số địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và một bộ phận người dân còn có tình trạng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước diễn biến dịch bệnh, không thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K, triển khai chưa triệt để các biện pháp đảm bản an toàn phòng, chống dịch trong sản xuất, kinh doanh. Khó khăn trong việc đáp ứng sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” do dịch bệnh kéo dài, doanh nghiệp thiếu nguồn lực duy trì hoạt động; khó khăn trong công tác thu hoạch, thu mua nông, thủy sản đã đến kỳ thu hoạch.

Bên cạnh đó, công tác tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm, trả kết quả ở một số địa bàn chưa thực hiện tốt dẫn đến việc trả kết quả chậm, do vậy không kịp thời phát hiện các trường hợp F0 để đưa ra khỏi cộng đồng làm giảm lây nhiễm và tổ chức cách ly, khoanh vùng, làm tăng tốc độ lây nhiễm và tăng nhanh số ca mắc trong thời gian ngắn. Công tác điều phối chuyển tuyến giữa các tầng điều trị chưa thực sự hiệu quả dẫn đến người bệnh được chuyển tuyến muộn ở một số nơi, làm giảm cơ hội cứu chữa.

Việc tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 chưa đáp ứng được tiến độ mong muốn, điều này, ngoài nguyên nhân do nguồn cung vaccine còn hạn chế, còn có nguyên nhân chủ quan do một số địa phương chậm và thực hiện phê duyệt kế hoạch tiêm chủng theo đợt; thiếu trang thiết bị bảo quản vaccine đối với các loại vaccine có tiêu chuẩn bảo quản khác nhau. Công tác điều phối tiếp nhận, vận chuyển vaccine từ kho bảo quản về địa phương chưa thật sự đồng bộ, chặt chẽ; có tâm lý e ngại việc tổ chức tiêm chủng tại các khu vực đang cách ly, phong tỏa. Một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích của các loại vaccine dẫn đến xuất hiện hiện tượng chờ, chọn loại vaccine tiêm chủng.

Theo số liệu của Bộ Y tế, từ ngày 27/4 đến nay, cả nước đã thực hiện hơn 8,15 triệu mẫu xét nghiệm cho gần 23,2 triệu lượt người. Tính đến nay, tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã tiêm là hơn 14,43 triệu liều, trong đó tiêm 1 mũi là hơn 13 triệu liều.

"Thần tốc" xét nghiệm các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao

Sốt ruột trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ mới đây đã yêu cầu các địa phương, nhất là tại các địa bàn đang thực hiện phong tỏa, cần "thần tốc" xét nghiệm các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao trên địa bàn nhằm phát hiện nhanh nhất, phong tỏa ổ dịch, cách ly bằng được nguồn lây, phân loại F0 để điều trị phù hợp. Tổ chức tốt việc điều phối, lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm nhanh nhất, tiện lợi nhất. Lưu ý thực hiện xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm khoa học, hiệu quả, tránh lãng phí, bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch, không để việc “xét nghiệm mà tạo ra ổ dịch mới”. Thực hiện thí điểm hướng dẫn người dân, doanh nghiệp tự xét nghiệm và tổ chức thật tốt. Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương tiến hành xét nghiệm diện rộng hoặc xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm theo yếu tố dịch tễ, phù hợp tình hình.

Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ gợi ý Bộ Y tế và các địa phương nghiên cứu, xem xét, có hướng dẫn cụ thể việc ưu tiên tiêm, bao phủ vaccine cho các đối tượng trên 50 tuổi, có điểm tiêm riêng cho người cao tuổi. Giảm số ca mắc, hướng dẫn cụ thể về việc cần làm để duy trì vùng xanh bền vững. Loại bỏ ngay các giấy tờ thủ tục hành chính với các trường hợp nhập viện cấp cứu, nhập viện trước, làm thủ tục sau. Tiếp tục nghiên cứu thí điểm theo dõi, điều trị F0 hiệu quả ngay tại cộng đồng thông qua các tổ y tế. Nâng cao năng lực bệnh viện tuyến huyện, nơi gần người bệnh nhất, Bộ Y tế hướng dẫn, tập huấn, hỗ trợ từ xa cho tuyến huyện, huyện hướng dẫn tuyến xã, tăng cường trang thiết bị, oxy, giường ICU...

Thủ tướng yêu cầu tăng cường thông tin truyền thông, quán triệt đến người dân tinh thần vacine đã được cấp phép theo quy định về Việt Nam: Vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm  sớm nhất; khắc phục ngay tình trạng kén chọn, chờ đợi vaccine trong khi đang rất khan hiếm vaccine và dịch bệnh vẫn đang lây lan nhanh, làm nhiều người tử vong. Cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý ngay những hành vi tiêu cực trong việc tiêm vaccine như trả tiền để được tiêm.

Theo Thủ tướng, việc phong tỏa chặt ổ dịch, xét nghiệm thần tốc, phát hiện nguồn lây để cách ly khỏi cộng đồng là rất quan trọng; an sinh xã hội là trọng yếu, thường xuyên; giảm số ca tử vong là ưu tiên hàng đầu; lưu thông hàng hóa phải kịp thời, thông suốt; phối hợp giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân phải chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả. Vaccine là chiến lược nhưng khi chưa có đủ thì phải thực hiện các biện pháp để bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân là trên hết, trước hết.

Từng vùng có nguy cơ rất cao phải tiếp tục giãn cách xã hội theo phương châm có thể áp dụng sớm hơn, cao hơn nhưng không được chậm hơn, thấp hơn yêu cầu tại Chỉ thị số 16; tiếp tục phong tỏa chặt, cô lập, thu hẹp các vùng có nguy cơ, đặc biệt vùng nguy cơ rất cao (vùng đỏ); giữ vững, củng cố, mở rộng vùng xanh an toàn. Những vùng xanh có thể giảm nhẹ các yêu cầu giãn cách (áp dụng Chỉ thị 15), song dứt khoát phải kiên trì các biện pháp như 5K, tuyệt đối không lơ là, chủ quan. Khi chưa có đầy đủ vaccine và thuốc điều trị, phòng ngừa vẫn là chủ yếu, chiến lược. Chuẩn bị các phương án ứng phó dịch bệnh ở mức cao hơn.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, từ nay đến hết tháng 9/2021 chúng ta phải tranh thủ từng ngày, từng giờ để có nhiều vaccine nhất, tiêm nhanh nhất có thể cho người dân.

Bài cuối: “Mỗi người dân là một chiến sỹ” trong cuộc chiến phòng, chống dịch

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Nhìn lại việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg: Bài cuối - 'Mỗi người dân là một chiến sỹ' trong cuộc chiến phòng, chống dịch
Nhìn lại việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg: Bài cuối - 'Mỗi người dân là một chiến sỹ' trong cuộc chiến phòng, chống dịch

Tại Lễ phát động phong trào “Phát huy sức mạnh toàn dân tích cực tham gia phòng, chống dịch COVID-19”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh, đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 đã có những tác động lớn, ảnh hưởng đến đời sống người dân thành phố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN