Nhìn kỷ vật, nhớ nhạc sỹ Xuân Oanh

Trong những ngày mùa thu lịch sử, chúng tôi đến căn nhà nhỏ trên phố Quán Sứ, Hà Nội, thắp nén nhang tưởng nhớ cố nhạc sĩ Xuân Oanh, tác giả bài hát "Mười chín tháng Tám". Mặc dù đã hơn một năm kể từ khi ông về cõi vĩnh hằng, nhưng mỗi khi có dịp qua căn nhà nhỏ ấy, nhìn những kỷ vật của ông, những người đã từng gắn bó với nhạc sỹ Xuân Oanh lại thấy như ông vẫn còn bận rộn ở một góc nhỏ nào đó trong ngôi nhà, chứ không nghĩ là ông đã đi xa.

Bà Đỗ Thị Dung, em gái út của nhạc sỹ Xuân Oanh bên cây đàn mà nhạc sỹ rất yêu quý khi còn sống.


Trong căn nhà nhỏ ngăn nắp, những kỷ vật của ông vẫn được những người thân trong gia đình nâng niu. Từ cây đàn piano kê trong góc nhà, nơi trước đây, ông thường ngồi dạo những bản nhạc cổ điển, những đoản khúc dành cho piano mỗi khi có bạn bè đến chơi; đến những món đồ mỹ nghệ, là quà lưu niệm của bạn bè tặng như chân nến, lọ hoa, chiếc ấm bằng bạc... vẫn được trân trọng giữ gìn. Chiếc tủ sách được kê gọn trong góc phòng, bên trong là những cuốn sách mà sinh thời, nhạc sỹ Xuân Oanh rất yêu thích, trong đó có rất nhiều cuốn sách do chính ông dịch ra tiếng Việt hoặc tiếng Anh... Tất cả đều nguyên vẹn và được sắp xếp ngăn nắp. Ngay cả hộp thư bên ngoài cửa chính vẫn còn đề tên người nhạc sĩ tài hoa. Những người thân của nhạc sỹ vẫn vô cùng xúc động mỗi khi có người đến thăm, thắp nhang tưởng nhớ cố nhạc sỹ.

Đã 66 năm kể từ khi ca khúc “Mười chín tháng Tám” của nhạc sỹ Xuân Oanh ra đời. Suốt trong những năm tháng đấu tranh giành độc lập dân tộc, ca khúc này đã trở thành nguồn cổ vũ tinh thần mạnh mẽ với quân và dân cả nước. Mỗi năm, cứ đến ngày 19/8, ngày cả nước kỷ niệm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9, ca khúc này lại vang lên trên khắp nẻo đường đất nước.

Bài hát được ra đời ngay trên đường phố vào đúng ngày 19/8/1945 tại Hà Nội. Khi đó, nhạc sỹ Xuân Oanh đi trong đoàn biểu tình cướp chính quyền về tay nhân dân, từ Văn Điển đến Nhà hát Lớn. Ông vừa đi vừa sáng tác, được câu nào ông ghi tạm ra bao diêm. Khi đoàn biểu tình kéo đến địa điểm Nhà hát Lớn thì cũng là lúc ông hoàn thành bài hát. Ông lấy ngay ngày 19/8 lịch sử làm tên bài hát. Sau đó, nhạc sỹ Xuân Oanh đã ký âm những giai điệu xuất thần. Ngay lập tức, bài hát được khắc gỗ và in ra rải khắp Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Cũng ngay lập tức, ca khúc “Mười chín tháng Tám” đã được hát vang khắp 36 phố phường Hà Nội. Từ đó, “Mười chín tháng Tám” của nhạc sĩ Xuân Oanh đã trở thành một ca khúc sống mãi với thời gian.

Bà Đỗ Thị Dung, em gái út của cố nhạc sĩ xúc động kể lại, cha mẹ mất sớm, ngay từ khi còn nhỏ, bà đã sống cùng với anh trai, nên với bà, nhạc sỹ Xuân Oanh không chỉ là anh trai, mà còn như một người cha. Đến năm 1995, vợ nhạc sĩ qua đời, bà thương anh trai nên lại cùng gia đình mình quay về mua nhà ở gần bên để tiện chăm sóc, gần gũi anh.

Cũng theo lời kể của em gái nhạc sĩ, vì thích độc lập nên dù con cái mời ông đến ở nơi khác rộng rãi hơn, đẹp hơn ông vẫn nhất định ở đây. Hầu như thời gian của ông đều được dành để sáng tác nhạc, viết truyện, dịch sách, vẽ tranh... Ngay cả khi ốm nặng, ông vẫn không chịu nghỉ, bởi ông bảo, nếu nghỉ thì ông còn ốm hơn...

Bà Dung xúc động kể: “Cả đời anh tôi làm việc miệt mài, điều mà ông luôn ao ước là có được một cây đàn. Đến năm 2007, khi nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, ông mới mua được cây đàn này. Chỉ tiếc là, có đàn không bao lâu thì anh tôi lại ngã bệnh, không sử dụng được nhiều”.

Nhạc sỹ Xuân Oanh sinh năm 1923, mất năm 2010. Ông sinh ra tại vùng quê Quảng Yên (Quảng Ninh). Nhà nghèo phải bỏ học sớm, vào làm ở hầm than, nhưng bằng con đường tự học, ông thông thạo 4 ngoại ngữ: Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc; biết sáng tác nhạc từ khi còn rất trẻ; biết vẽ tranh sơn dầu... Ngoài ca khúc “Mười chín tháng Tám”, nhạc sĩ Xuân Oanh còn có nhiều tác phẩm khác như "Quê hương anh bộ đội", "Ca mừng chế độ ta tươi đẹp”, "Hồ Chí Minh người là muôn ánh sao”, "Ngôi sao thế kỷ”, "Hà Nội ở Lâm Đồng", “Gọi thu”, “Bình minh trên đất nước không bao giờ tắt”, “Hãy kí tên” phỏng theo bài thơ “Trời sẽ trong xanh trở lại” của nhà thơ người Nhật Bản- Umeda Shyozi; hợp xướng “Quê hương”… Những thập niên 90 của thế kỷ 20, với bút danh Anh Thư, nhạc sĩ Xuân Oanh đã tung ra một loạt bản dịch tác phẩm văn học Mỹ hấp dẫn độc giả. Hàng chục đầu sách lần lượt ra đời với số lượng bản in lớn, tái bản nhiều lần. Có thể kể đến các tác phẩm như "Trần trụi giữa bầy sói", "Hai số phận", "Vườn Thượng Hải", "Phía sau tình yêu” và cả "Bảo bối Thượng Hải" của Vệ Tuệ. Ông từng phiên dịch cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong những lần tiếp khách quốc tế... Ông đã được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007, Huân chương Độc lập hạng Ba năm 1998.



Bài và ảnh: Hạ Lâm

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN