Nhiều vướng mắc ở Điện Biên

Việc triển khai trồng cao su là chủ trương của tỉnh Điện Biên nhằm nâng cao đời sống và giải quyết công ăn việc làm cho bà con nông dân. Thế nhưng, khi triển khai chủ trương này, chính quyền huyện Điện Biên và phía Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên chưa giải quyết được các chế độ cho người dân. Chế độ, chính sách cho bà con còn thiếu rõ ràng. Mặt khác, chính quyền địa phương đã không làm tốt công tác tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ hơn về giá trị của loại cây công nghiệp này và những lợi ích mà nó mang lại. Từ đó gây mâu thuẫn, nghi ngờ và sự bức xúc trong lòng nhân dân.

 

Khu đồi của ông Lò Văn Chung đã bị chặt trọc trơn.


Theo Quyết định số 344/QĐ-UBND ngày 23/5/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên) có 44,27 ha diện tích đất nằm trong diện chuyển đổi mục đích sử dụng đất phòng hộ sang rừng sản xuất, cụ thể là trồng cao su. Thực hiện quyết định trên, ngày 18/7/2013, Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên tiến hành chặt cây, san ủi làm đường và đào hố để trồng cao su trên diện tích đất này.


Mất rừng


Tại khu vực xung quanh Công trình Hồ chứa nước Bồ Hóng, thuộc Đội 10 và Đội 2 xã Thanh Xương, người dân vẫn còn rất bức xúc trước cách triển khai chặt rừng lấy đất trồng cao su ở đây. Các hộ dân sống xung quanh hồ Bồ Hóng cho biết, cách đây hơn 3 tháng, nơi này vẫn còn là khu rừng có tuổi đời hàng chục năm do người dân khu vực trồng, chăm sóc, phục vụ bảo vệ khu vực lòng hồ. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại thì đây chỉ còn là khu đồi trọc trơ trọi. Dọc các sườn trọc này, những đống củi được dựng lên ngay ngắn, rất nhiều người đang mải miết chặt, cưa khúc các cây đã bị đốn ngã la liệt khắp đồi.

Trả lời của UBND huyện Điện Biên

Mức hỗ trợ với người dân

Về chế độ và mức hỗ trợ cho người dân có diện tích đất rừng chuyển đổi sang trồng cao su được thực hiện theo quyết định 16/2011/QĐ - UBND, ngày 30/5/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh Điện Biên. Theo quyết định 16, sau khi tận thu gỗ, người dân sẽ được hỗ trợ mức 1,5 triệu đồng/ha. Những hộ góp đất trồng cao su sẽ được hưởng theo các mức từ 4,5 - 7 triệu đồng/ha, được giải quyết một lần hoặc 200.000 đồng/ha/năm với thời hạn không quá 10 năm. Ngoài ra người dân được hỗ trợ cây giống công nghiệp ngắn ngày để trồng xen canh ở khu vực trồng cao su trong 2 năm đầu,…Những hộ góp đất cho Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên tiến hành trồng cao su sẽ được ăn chia theo tỷ lệ 10% giá trị sản phẩm sau khi khai thác (sản phẩm thô, chưa qua chế biến).

                                            Lãnh đạo UBND huyện Điện Biên

Chặt rừng không ảnh hưởng tới hồ

Việc chặt rừng và triển khai trồng cao su ở khu vực này không gây ảnh hưởng nhiều đến hồ Bồ Hóng. Việc chặt rừng ở khu vực hồ Bồ Hóng cũng không gây ảnh hưởng trực tiếp vì nguồn nước chảy ở nơi khác về. Hơn nữa, cây cao su cũng phát triển nhanh, trong vài năm tới khu vực này sẽ có một cánh rừng đẹp, có tác dụng rất lớn để giữ đất, giữ nước.

Ông Phạm Văn Bách Phó Chủ tịch
Ủy ban nhân dân huyện Điện Biên

Huyện đang rà soát để chi trả

Việc vướng mắc trong triển khai trồng cao su là người dân yêu cầu lĩnh luôn 1 lần tiền hỗ trợ từ thu gom thực bì và hỗ trợ góp đất. Trong khi cao su chỉ có thể trồng được đến tháng 7 vì phải theo mùa, thời gian này chỉ dành để thu dọn và đào hố để sang năm tiến hành trồng, do chưa triển khai trồng nên không thể chi trả khoản này tiền hỗ trợ góp đất được. Ông Bách cũng cho biết, những sự việc rắc rối xung quanh vấn đề chặt rừng để trồng cao su ở Thanh Xương là vì người dân chưa tin tưởng tỷ lệ ăn chia do chưa có quyết định của tỉnh Điện Biên và phía Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên. Bên cạnh đó, cũng do chính quyền chưa làm tốt công tác tư tưởng nên người dân chưa có quan điểm rõ ràng, còn gây nhiều khó khăn. Hiện tại huyện đang tiến hành rà soát để làm rõ diện tích của các hộ để tiến hành chi trả tiền hỗ trợ cho người dân.

Ông Phạm Văn Bách Phó Chủ tịch
Ủy ban nhân dân huyện Điện Biên


Ông Lò Văn Chung, thuộc Đội 2, xã Thanh Xương, cho biết, vào khoảng giữa tháng 7, Công ty Cổ Phần Cao su Điện Biên mang máy cưa vào cắt hết rừng khu vực này, khi đó ông đi vắng, chỉ vài ngày sau, trở về ông đã thấy diện tích đồi của mình trắng băng. Ông Chung bức xúc nói: Nhà tôi bị chặt mất hơn 7.500m2, ở khu vực gần hồ Bồ Hóng này là nhà tôi bị chặt nhiều nhất. Diện tích rừng này của tôi chỉ cần 5 năm nữa là có thể thu hoạch được rồi, riêng số củi thu gom bây giờ cũng gần 50m3. Giờ phải bán củi cho nhà hàng, quán ăn mà bán giá rẻ bèo có 380 ngàn/m3. Nhưng không bán thì biết làm được gì, ăn thì không ăn được, mang về nhà thì không còn chỗ mà chứa nên bắt buộc phải bán. Lúc đầu Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên bảo sẽ thu gom cây cối cho nhưng không thấy đâu, cứ để cây cối la liệt đó nên chúng tôi phải thu gom. Đến giờ tôi cũng chưa được nhận một đồng tiền hỗ trợ nào hết, mà cả các hộ xung quanh cũng chưa nhận được đồng nào. Chúng tôi được biết là mỗi 1 ha được hỗ trợ 1,5 triệu tiền thu gom cho dân, nhưng như thế thì “bắt nạt” dân quá, mà 1,5 triệu cũng đã thấy đâu.


Liên quan đến vấn đề này, anh Đào Văn Thành, Đội 10, xã Thanh Xương, không đồng tình việc Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên tiến hành chặt rừng của mình ở khu vực quanh hồ Bồ Hóng để triển khai trồng cao su. Anh Thành đã viết đơn và thu thập gần 10 chữ ký của các hộ gia đình có đất, rừng quanh khu vực này đề nghị lên chính quyền xã Thanh Xương và huyện Điện Biên, cho dừng triển khai chặt rừng trồng cao su. Trong đơn, anh Thành bày tỏ, việc triển khai trồng cao su chưa được sự thống nhất cao và ủng hộ của nhân dân. Gia đình anh Thành có 2 ha rừng khoanh nuôi và bảo vệ, nhưng khi chặt cây, mở đường chưa được sự đồng ý của gia đình, chế độ chính sách không rõ ràng. Anh Thành cũng đề nghị, khi triển khai nên tuyên truyền, họp để thống nhất các chế độ, chính sách để nhân dân nhất trí và ủng hộ. Tuy nhiên, trong phiên họp do Ủy ban nhân dân xã Thanh Xương tổ chức ngày 18/9/2013, do ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã chủ tọa. Anh Thành đã phải làm kiểm điểm và không biết có phải vì lý do này hay không mà gia đình anh bị cắt…“Gia đình văn hóa”.


Đe dọa nguồn nước


Cũng liên quan đến sự việc chặt rừng trồng cao su ở khu vực này, người dân lo ngại sẽ đe dọa đến nguồn nước ở Công trình Hồ chứa nước Bồ Hóng. Trong số diện tích Công ty Cao su đã san ủi có 1,87ha đất rừng và đất trồng lúa, không nằm trong diện tích chuyển đổi sang trồng cao su theo Quyết định trên. Đây là phần rừng quanh hồ Bồ Hóng, có tác dụng giữ nước và chống sạt lở bờ hồ. Sau khi phát hiện sự việc, chính quyền huyện Điện Biên cũng đã cho dừng để đảm bảo nguồn nước, hạn chế sạt lở cho hồ Bồ Hóng. Sau đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì cuộc họp ngày 27/9/2013, về việc triển khai đất trồng cao su khu vực hồ Bồ Hóng. Tuy nhiên, tại cuộc họp, trong 3 hộ dân có đất, rừng thuộc diện tích 1,87 ha này, mới chỉ có 1 hộ đồng ý trồng cao su. Hướng giải quyết chưa rõ ràng.


Được biết, Công trình Hồ chứa nước Bồ Hóng được đưa vào sử dụng từ năm 2005, hồ có dung tích hữu ích 0,3 triệu m3, diện tích lưu vực của hồ là 2,8 km2; phục vụ nước tưới cho trên 20 ha lúa 2 vụ và hơn 10 ha rau màu của người dân 3 đội: 1, 2, 10 của xã Thanh Xương. Ngoài ra, hồ còn phục vụ nước sinh hoạt và nuôi trồng thủy sản cho một số hộ dân khu vực đội 1, đội 2 và đội 10. Phía Công ty TNHH Quản lý Thủy nông Điện Biên và người dân xung quanh lo ngại việc chặt rừng ở đây sẽ làm hồ Bồ Hóng bị sạt lở, không giữ được nước. Mặt khác, người dân lo ngại mủ cao su sẽ làm ảnh hưởng nguồn nước, gây nguy hại cho bà con khi sử dụng nước hồ Bồ Hóng để sinh hoạt.


Anh Nguyễn Duy Vinh, Cụm trưởng Cụm Thủy nông xã Thanh Xương, là người quản lý Công trình Hồ chứa nước Bồ Hóng, cho biết: Khu rừng này có tác dụng to lớn đối với hồ Bồ Hóng, giúp chắn đất bồi lắng xuống lòng hồ và giữ nước. Bởi vậy, hơn hết cần đảm bảo nguồn sinh thái, lớp đệm đầu nguồn cho hồ Bồ Hóng. Nếu ủi bằng máy công nghiệp tràn lan mà không giữ được lớp đệm đầu nguồn thì sẽ làm bồi lắng lòng hồ, giảm trữ lượng nước trong hồ.


Từ sự việc này, phía Công ty TNHH Quản lý Thủy nông Điện Biên cũng đã làm đơn đề nghị lên Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên về việc chuyển đổi rừng sản xuất sang rừng phòng hộ thuộc lưu vực các hồ chứa nước, trong đó có hồ Bồ Hóng. Nhằm bảo vệ nguồn rừng, hạn chế bồi lắng lòng hồ để cung cấp nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân các vùng lân cận.


Bài và ảnh: Xuân Tư

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN