Nhiều chợ tại Cao Bằng bỏ hoang

Theo quy hoạch của UBND tỉnh Cao Bằng, đến năm 2020, địa phương sẽ có 102 chợ nhằm tạo điều kiện thuận lợi phát triển thương mại, giao lưu kinh tế. Tuy nhiên, công tác khảo sát, quy hoạch, xây dựng và quản lý yếu kém nên nhiều chợ bị bỏ hoang, xuống cấp, gây lãng phí.


Cụ thể, ngôi chợ cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, huyện Phục Hòa được xây dựng với quy mô lớn, gồm 3 tầng, diện tích mặt sàn hơn 3.000 m2, nhiều khu phụ trợ hiện đại với vốn đầu tư hơn 15 tỷ đồng và hoàn thành năm 2008. Từ khi khai trương đến nay, khu chợ vẫn không thu hút được doanh nghiệp, hộ cá thể thuê mặt bằng để kinh doanh. Người dân gọi đây là ngôi “chợ ma”.

Chợ cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, huyện Phục Hòa được xây 3 tầng, diện tích mặt sàn hơn 3.000 m2, nhiều khu phụ trợ hiện đại với vốn đầu tư hơn 15 tỷ đồng và hoàn thành năm 2008. Nhưng từ thời điểm khai trương đến nay, khu chợ vẫn không thu hút được doanh nghiệp, hộ cá thể thuê mặt bằng để kinh doanh và gần như bị bỏ hoang.

Ngoài chợ cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, tỉnh Cao Bằng còn nhiều ngôi chợ bỏ hoang như: chợ cửa khẩu Đức Long, thuộc xã Đức Long, huyện Thạch An; chợ Tân Giang thuộc phường Tân Giang, thành phố Cao Bằng; chợ Chu Trinh, thuộc xã Chu Trinh, thành phố Cao Bằng; chợ Đức Hạnh, xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm, chợ xã Huy Giáp, huyện Bảo Lạc…

Theo Quyết định 3197/QĐ-UBND ban hành ngày 25/12/2009 của UBND tỉnh Cao bằng về phê duyệt quy hoạch phát triển ngành thương mại tỉnh Cao Bằng đến năm 2020, địa phương sẽ xây dựng 102 chợ các loại; tiếp tục đầu tư nâng cấp, cải tạo, hoàn chỉnh mạng lưới chợ trên toàn tỉnh theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Chợ Tân Giang (thành phố Cao Bằng) được xây tại khu đất trũng như đáy nồi. Khu đất này trước đây là nhà xác của Bệnh viện tỉnh Cao Bằng, vì nhiều lý do bất tiện nên không hộ nào chịu vào kinh doanh tại chợ này.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện quy hoạch phát triển chợ của UBND tỉnh Cao Bằng bộc lộ nhiều bất cập. Một số nơi xây chợ không theo quy hoạch, dân không vào chợ mà bày bán hàng tràn ra đường. Xã Đức Xuân, huyện Hòa An chỉ có 91 hộ dân, nhưng vẫn được quy hoạch xây chợ. Khu chợ xã Chu Trinh, thành phố Cao Bằng, mặc dù dân cư thưa thớt, nằm gần hai ngôi chợ lớn là chợ thành phố và chợ Nặm Nàng nhưng vẫn được bố trí vốn để xây dựng, bởi vậy chỉ sau 4 phiên họp chợ người bán hàng đã dừng bán. Chợ được giao cho UBND xã quản lý. Tuy nhiên, do không hoạt động, không thu được phí nên mỗi khi chợ bẩn, UBND xã phải huy động cán bộ làm lao công quét dọn vệ sinh. Trong khi đó, tại khu vực trung tâm thành phố Cao Bằng, chợ nông sản quá nhỏ, thiếu chỗ bán hàng nên nhiều nông dân tràn ra vỉa hè để bán hàng, gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Ông Mã Hữu Khỏe, Phó Giám đốc Sở Công Thương Cao Bằng cho biết, thực hiện đề án quy hoạch chợ, đến nay, tỉnh Cao Bằng đã có 84 chợ và đang tiếp tục bố trí vốn để xây dựng các chợ theo quy hoạch. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng các chợ không hoạt động được là các huyện làm chủ đầu tư bố trí vốn xây dựng từ nhiều nguồn vốn khác nhau. Một số huyện khi bố trí được vốn, tự ý xây chợ mà không tham khảo ý kiến của Sở Công Thương, không theo quy hoạch, dẫn đến tình trạng chợ xây rồi bỏ không.

Ông Khỏe cho biết, đối với các chợ không hoạt động, Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh chuyển đổi mục đích sử dụng, dùng làm kho bãi, nhà xưởng hoạch cho tư nhân thuê lại. Cơ quan này rà soát lại quy hoạch, nếu xác định nơi nào không phù hợp, không phát huy hiệu quả, sẽ tham mưu cho tỉnh kiên quyết loại bỏ khỏi quy hoạch.

Vấn đề quản lý các khu chợ cũng đang tồn tại nhiều bất cập, đa phần các chợ nông thôn ở Cao Bằng rơi vào tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tại chợ Pò Tấu, xã Chí Viễn, huyện Trùng Khánh, phóng viên chứng kiến cảnh tượng rác thải lấp đầy nhà vệ sinh và một góc chợ, gây ô nhiễm môi trường.

Ông Hoàng Văn Lạng, người dân ở gần chợ Pò Tấu bức xúc cho biết, từ ngày khánh thành chợ, cuộc sống gia đình ông và những người dân ở gần đây bị ảnh hưởng nhiều. Ban quản lý chợ bố trí gian hàng chưa hợp lý, để hàng ăn lẫn với các hàng tạp hóa gây mất vệ sinh và không đảm bảo an toàn thực phẩm. Chợ không có người quét dọn, rác và chất thải cao từng đống, lấp hết cả lối vào nhà vệ sinh. Rác đổ ngập chợ, mùi hôi thối bốc lên gây ô nhiễm môi trường.
Quốc Đạt
Trường học trăm tỷ bỏ hoang, chờ... rao bán
Trường học trăm tỷ bỏ hoang, chờ... rao bán

Được đầu tư hàng trăm tỷ đồng và nằm trên khu đất "vàng" của trục đường đẹp bậc nhất Hải Phòng, song dự án Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Phú bỗng dưng bị đề xuất dừng thi công và chờ rao bán.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN