Nhân lực chất lượng cao – Đột phá chiến lược phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng

Ngày 30/7, tại Trường Đại học Thái Bình (tỉnh Thái Bình), Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh ủy Thái Bình tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao - Đột phá chiến lược phát triển vùng đồng bằng sông Hồng".

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội thảo. 

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, tại Đại hội XIII của Đảng xác định một trong 3 đột phá chiến lược là phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Nghị quyết số 30 -NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị "về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" xác định, đến năm 2030, Đồng bằng sông Hồng trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao của cả nước; đi đầu về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số.

Vùng Đồng bằng sông Hồng (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam) luôn khẳng định vai trò vùng kinh tế năng động, phát triển với tốc độ tăng trưởng cao hơn trung bình cả nước; giai đoạn 2005-2020 bình quân tốc độ tăng trưởng vùng đạt 7,94%, trong đó năm 2023 đạt 6,28%.

Với lực lượng lao động dồi dào khoảng 11,44 triệu người, chiếm gần 23% tổng lực lượng lao động cả nước, chất lượng lao động vùng Đồng bằng sông Hồng ngày càng được cải thiện, lao động qua đào tạo đạt gần 37%. Cùng với vùng Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng là một trong 2 đầu tàu kinh tế của cả nước, thu hút hơn 33,6% số dự án và 30,2% số vốn đầu tư nước ngoài (FDI), hình thành hơn 360 khu, cụm công nghiệp.

Tuy nhiên, công tác xây dựng nguồn nhân lực của Vùng vẫn còn một số tồn tại như: tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn cao, cơ cấu lao động qua đào tạo chưa phù hợp với yêu cầu thực tế, tỷ lệ lao động có trình độ đại học trở lên cao hơn tỷ lệ lao động học nghề, lao động ở nông thôn qua đào tạo còn thấp...

Việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao được xác định là một đột phá chiến lược, là yếu tố quan trọng thúc đẩy khoa học, công nghệ, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm cho sự phát triển nhanh, bền vững của vùng Đồng bằng sông Hồng. Hội thảo nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được cũng như chỉ ra những khó khăn, hạn chế, đề xuất giải pháp để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Hồng.

Tại hội thảo đã có 11 ý kiến, tham luận của các đại biểu, tập trung khái quát lý luận chung của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng phát triển nguồn nhân lực, những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao; làm rõ những yêu cầu xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao ở vùng Đồng bằng sông Hồng trong bối cảnh hiện nay; đồng thời đánh giá thực trạng, từ đó đề xuất phương hướng, giải pháp xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao vùng đồng bằng sông Hồng.

Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình Nguyễn Tiến Thành cho biết, tỉnh Thái Bình có dân số khoảng 2 triệu người, tỷ lệ trong độ tuổi lao động khoảng 60%. Để phát triển nguồn nhân lực, Tỉnh ủy Thái Bình đã ban hành Nghị quyết về xây dựng đội ngũ công nhân lao động tỉnh Thái Bình đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình hình mới. Tỉnh đang sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, tăng cường gắn kết 3 nhà (Nhà nước, nhà trường và nhà doanh nghiệp). Ông Nguyễn Tiến Thành cho rằng, cần phải đặc biệt coi trọng việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tố đóng vai trò tiên quyết để phát triển và hội nhập của các tỉnh Đồng bằng sông Hồng hiện tại và tương lai.

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Phát triển, Trường Đại học Thái Bình, vùng Đồng bằng sông Hồng đang bước vào thời kỳ phát triển mới, căn cứ từ yêu cầu thực tiễn đặt ra về nhu cầu sử dụng lao động, công tác đào tạo nguồn nhân lực cần có trọng tâm, trọng điểm, hướng vào phục vụ các ngành kinh tế mũi nhọn. Ngoài ra, cơ cấu lao động sẽ thay đổi theo từng thời kỳ, nhiều ngành nghề đang thu hút nhiều lao động có thể sẽ giảm trong tương lai và xuất hiện thêm những ngành nghề mới. Do đó, công tác dự báo cần xa hơn, chuẩn xác hơn về định hướng ngành nghề trong tương lai để đào tạo nguồn nhân lực thích ứng và làm chủ được thành tựu của khoa học - công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo.

Phát biểu bế mạc hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Quốc Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Thái Bình đánh giá, từ nhiều góc độ khác nhau, bằng những luận cứ khoa học, các đại biểu đã tập trung phân tích, lý giải, chỉ rõ những thực trạng, đề xuất phương hướng, giải pháp pháp xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao ở vùng Đồng bằng sông Hồng đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Từ các nội dung thông tin được trao đổi tại hội thảo, các địa phương, các cơ quan, đơn vị, các trường Chính trị, trường đại học tiếp tục trao đổi, thảo luận, nghiên cứu, xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển Vùng và từng tỉnh.

Tin, ảnh: Thế Duyệt (TTXVN)
Quy hoạch du lịch vùng Đồng bằng sông Hồng
Quy hoạch du lịch vùng Đồng bằng sông Hồng

Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 509/QĐ-TTg ngày 13/6/2024.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN