Công trình kè chống xói lở ở thôn Cò Luồng, xã Thượng Quan, huyện Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn) nếu hoàn thành sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc chống xói lở, bảo vệ mùa màng cho bà con ở hai thôn Cò Luồng và Đông Van. Thế nhưng do nhà thầu rút lui giữa chừng nên đã hơn 3 năm mà công trình trên vẫn dang dở và bị "bỏ quên", làm lãng phí của Nhà nước và cả nhà thầu.
* 1 công trình, 2 nhà thầu, 3 năm chưa hoàn thành
Được đầu tư từ ngân sách nhà nước với mục tiêu là chống xói lở, bảo vệ đất đai, hoa màu và các công trình phụ trợ trong khu vực xã Thượng Quan. Đặc biệt, việc hoàn thành công trình này có ý nghĩa lớn trong việc bảo vệ hơn 15ha đất sản xuất nông nghiệp của thôn Cò Luồng, Đông Van và các thôn hạ lưu của xã Thượng Quan.
Khởi công xây dựng từ cuối năm 2009, do UBND huyện Ngân Sơn làm chủ đầu tư với số vốn hơn 9,8 tỷ đồng, với tổng chiều dài hai nhánh kè là hơn 1,6 km không kể khóa kè và được chia làm 2 gói thầu do 2 nhà thầu là Công ty Cổ phần Kỹ thuật Hoàng Giang (Hà Nội) và Doanh nghiệp tư nhân Quang Phổ (Bắc Kạn) thi công. Theo hợp đồng giữa chủ đầu tư và các nhà thầu thì công trình này sẽ phải hoàn thành trong thời gian 240 ngày, tuy nhiên đến nay công trình đã quá thời hạn thi công gần 3 năm nhưng vẫn còn dang dở và chịu sự tàn phá trước sự hủy hoại của thiên nhiên.
Do tính cấp thiết và quan trọng của công trình nên ngay từ đầu chủ đầu tư là UBND huyện Ngân Sơn đã nhanh chóng chỉ đạo giải phóng mặt bằng tạo điều kiện cho nhà đầu tư, thế nhưng dù có mặt bằng thì các nhà thầu thi công rất ì ạch, không đảm bảo tiến độ và rút khỏi công trình không rõ nguyên nhân gây ra nhiều lo lắng cũng như dư luận trái chiều cho người dân xã Thượng Quan.
Theo ông Dương Văn La, Trưởng Ban Quản lý dự án huyện Ngân Sơn thì do thiếu vốn nên dự án mới giải ngân được 2 tỷ đồng, các nhà thầu đã rút lui mà không báo cáo nên công trình bị ngưng trệ từ đó đến nay. Huyện cũng đã làm tờ trình xin thêm vốn và khi nào có vốn sẽ chỉ đạo các nhà thầu thi công tiếp. Tuy nhiên cho đến nay, khối lượng thi công ở đây cũng chỉ đạt 50%, cá biệt ở gói thầu số 1 do 2 nhà thầu là Công ty TNHH Xây dựng 68 và doanh nghiệp tư nhân Quang Phổ thi công, mới hoàn thành khoảng 10% khối lượng đã dừng thi công hơn 1 năm trở lại đây.
* Cần có biện pháp mạnh nhằm đẩy nhanh tiến độ, giúp người dân yên tâm sản xuất
Theo quan sát của chúng tôi, tại hiện trường các tấm bê tông và cống bi mặc dù đã được đúc sẵn, nhưng vẫn để ngổn ngang chen lấn với cỏ dại, một số cống bi đã bị hư hỏng theo thời gian và vứt tràn lan dưới lòng suối, rác mắc ở các cống bi gây ảnh hưởng đến dòng chảy. Bên cạnh đó, một lượng lớn đá hộc để xây bờ kè chất đống dưới cánh đồng, cỏ dại mọc um tùm. Các máy trộn bê tông, rọ sắt để cố định đá kè theo thời gian cũng đã hoen gỉ, một số đã bị mất cắp do không có người trông coi, quản lý.
Theo ông Ngô Đình Tùng, Chủ tịch UBND xã Thượng Quan thì công trình đã dừng thi công từ cuối năm 2011, từ đó công trình bị bỏ hoang, không có ai quản lý, gây lãng phí lớn. Tuy vậy, UBND huyện cũng không có văn bản chỉ đạo hay giao cho địa phương quản lý, không có ai bảo vệ, trông coi, nên một số vật liệu đã bị kẻ gian lấy cắp.
Nhiều vị trí kè đã bị xuống cấp, do việc thi công thiếu đồng bộ giữa 2 bờ kè nên hiện nay tình trạng sạt trượt, xói lở ở bờ kè phía bờ bắc đã ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất bởi phần bờ kè đã hoàn thành lại không phải bờ chính bảo vệ đất nông nghiệp cho người dân. Việc thi công kéo dài không những gây lãng phí về thời gian, tiền của nhà nước, mà còn ảnh hưởng lớn đến đời sống của bà con vùng được hưởng lợi.
Bà Đàm Thị Hằng, thôn Cò Luồng, xã Thượng Quan cho biết: "Vào mùa mưa ở đây thường xảy ra sạt lở, lũ quét, nước và đất đá tràn vào ruộng gây thiệt hại cho hoa màu của bà con, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất nông nghiệp. Mong rằng công trình sớm hoàn thành để bảo vệ đất đai, hoa màu, giúp bà con yên tâm sản xuất".
Theo quy định pháp luật về xây dựng, nếu như các nhà thầu không thực hiện đúng những cam kết theo hợp đồng với chủ đầu tư do năng lực yếu, chất lượng công trình không đảm bảo, chậm về tiến độ... thì chủ đầu tư có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng và tìm kiếm nhà thầu khác có năng lực. Đây là biện pháp cuối cùng khi các nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Tuy nhiên không hiểu vì sao đến nay chủ đầu tư chưa có động thái cương quyết nào đối với các nhà thầu. Với xã Thượng Quan còn nhiều khó khăn, việc đầu tư xây dựng bờ kè có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp bảo vệ mùa màng cho bà con yên tâm sản xuất. Tuy nhiên sự chậm trễ trong thi công và thiếu các biện pháp mạnh của huyện Ngân Sơn đã làm cho công trình chậm tiến độ, gây thất thoát nhiều tiền của, công sức.
Đức Hiếu