Bố mất khi còn nhỏ, gia đình lại khó khăn, bản thân bị cụt cả 2 tay do di chứng của chất độc da cam/điôxin nhưng Nguyễn Xuân Nghĩa (sinh năm 1988) đã đứng lên chiến thắng số phận.
Mặc dù thiếu 2 tay nhưng Xuân Nghĩa đã biết vượt lên số phận. |
Căn nhà nhỏ của gia đình cậu sinh viên Nguyễn Xuân Nghĩa nằm trên đường Phạm Thế Hiển, quận 8 (TP Hồ Chí Minh) với đầy giấy khen ghi thành tích, từ cấp thành phố đến cấp quốc gia, mà Nghĩa đạt được trong thời gian qua. Để có được thành tích đó và một Nguyễn Xuân Nghĩa đầy nghị lực như hôm nay, bà Tống Thị Hào - mẹ em, đã phải vất vả nhiều. Bà tâm sự: “Tôi đã khóc ngất đi khi biết con mình sinh ra bị thiếu cả hai cánh tay do nhiễm di chứng chất độc da cam từ chồng tôi. Ông ấy là thương binh, trở về từ chiến trường Bình Định. Khi Nghĩa lên 4, hai chị lên 9, 10 thì chồng tôi cũng qua đời. Từ đó, một mình tôi phải bươn chải làm đủ các nghề như bán vé số, nuôi heo, bán bánh mì, giữ trẻ thuê… để nuôi ba đứa con nhỏ”.
Từ chỗ dựa tinh thần là mẹ cộng với nghị lực bản thân, ngay từ nhỏ Nghĩa đã cố gắng học thật tốt để vượt lên số phận. Mặc dù không có đôi tay, nhưng Nghĩa đã làm những người thân yêu của mình đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Không tay, Nghĩa tập viết bằng chân, sử dụng điện thoại bằng ngón chân, mày mò bàn phím máy tính bằng chân để bây giờ trở thành một sinh viên ngành tin học của ĐH Mở TP Hồ Chí Minh và ĐH Luật. Nghĩa hiện đang làm tốt vai trò của một bí thư phường (phường 2, quận 8) và nhóm trưởng của 2 nhóm công tác xã hội ở phường và ở khoa Nghĩa đang theo học. Bằng những nỗ lực của mình, năm 2007, Nghĩa là một trong sáu người được vinh danh “Công dân trẻ tiêu biểu TP Hồ Chí Minh” và được Trung ương Đoàn tặng bằng khen “Con em thương binh tiêu biểu đã có thành tích xuất sắc trong học tập, rèn luyện, lao động và công tác”. Và niềm vinh dự lớn nhất của Nghĩa là năm 2010 Nghĩa được kết nạp vào Đảng.
Tin, ảnh: Hoàng Tuyết