ĐBSCL: Ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu

Nguy cơ xâm mặn với Tứ giác Long Xuyên

Biến đổi khí hậu đã tác động ngày càng rõ nét ở Đồng bằng sông Cửu Long, nước biển dâng, mưa trái mùa bất thường, khô hạn và mặn đã xâm nhập sâu và tăng cao. Từ đầu năm 2011 các địa phương thuộc vùng Tứ giác Long Xuyên và Bán đảo Cà Mau phải tất bật lo đối phó xâm nhập mặn, khô hạn. Nhiều địa phương đã chủ động đóng cống giữ ngọt, ngăn mặn, bố trí lại cây trồng, vật nuôi... phù hợp và thích ứng trước sự biến động khí hậu.

Bài1: Nguy cơ xâm mặn với Tứ giác Long Xuyên

Cuối tháng 3 này chúng tôi về các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, Thoại Sơn (An Giang) thời tiết khô nóng như mọi năm, nhưng năm nay có điều bất thường là nắng nóng và khô hạn đến sớm hơn. Anh Vương Hữu Tiến, Chi cục phó thủy lợi tỉnh An Giang cho biết: Tình hình khô hạn và xâm nhập mặn đang diễn ra khá phức tạp, tỉnh đã triển khai đối phó từ đầu năm và hiện nay vào giai đoạn quyết liệt: Tăng cường nạo vét kênh mương, nâng cấp sửa chữa hồ chứa nước ngọt để đối phó với khô hạn. Dự trù kinh phí là 40 tỷ đồng nhưng có khả năng tăng lên trên 50 tỷ đồng để xây dựng 99 công trình thủy lợi, nạo vét kênh mương trữ nước, xây hồ trữ ngọt và xây 15 đập tạm chống xâm nhập mặn, phục vụ cho trên 30.000 ha lúa hai vụ của vùng Tứ giác Long Xuyên.

Huyện Tịnh Biên (An Giang) đang nạo vét lòng hồ trữ ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho dân.


Anh Tiến còn cho biết, hiện nay, trên đầu nguồn đã bị khô cạn bất thường, biên độ mực nước sông Hậu xuống thấp, nước triều Biển Tây dâng cao làm cho các xã giáp tỉnh Kiên Giang phải triển khai đắp đập tạm sớm để ngăn mặn. Hiện ở vài nơi, độ mặn đo được tại các sông rạch đã lên 4 đến 5 phần ngàn. Có khả năng độ mặn sẽ lên đến 7 phần ngàn vào tháng 4, 5 năm nay nếu như mưa muộn, nước sông Hậu xuống thấp hơn. Xâm nhập mặn là yếu tố biến đổi khí hậu nhưng yếu tố con người tác động vào cũng quan trọng không kém, đó là ở đầu nguồn sông Cửu Long các nước xây dựng hồ thủy điện, làm cho vùng trũng chứa nước ngọt Tây sông Hậu thiếu nước ngọt vào mùa khô.

Vào năm 2009, mặn xâm nhập vào sâu các cửa sông do chưa có cống ngăn, chủ yếu vào con đường Sông Kiên và cửa Đông Hồ (Kiên Giang) chảy vào Tứ giác Long Xuyên. Những năm trước do nông dân chưa được cảnh báo nên đã dùng nước sông tưới cho lúa chống hạn làm hàng ngàn ha lúa làm đòng thiệt hại. Vì thế nên mùa khô Chi cục thủy lợi An Giang phải luôn cảnh báo cho bà con nông dân vùng Tứ giác Long Xuyên, nạo vét kênh mương trữ ngọt, ngăn mặn tạm thời bằng các đập đầu mối để đảm bảo nước sinh hoạt và sản xuất.

Cống Ba Hòn, Kiên Lương - Kiên Giang đang ngăn xâm nhập mặn và giữ ngọt cho vùng Tứ giác Long Xuyên.


Để bảo vệ cho vùng ngọt hóa Tứ giác Long Xuyên không chỉ ở tỉnh An Giang mà còn có sự điều tiết hết sức quan trọng của hệ thống cống đập bờ biển Tây Nam như: Cống T4, cống T5, cống T6, Cống Luynh Huỳnh, Cống Ba Hòn… của tỉnh Kiên Giang. Dọc theo tuyến quốc lộ từ Kiên Giang – Hà Tiên còn có 27 cống ngặn mặn tiêu úng xả lũ cho vùng Tứ giác Long Xuyên nhưng còn 7 cửa sông chưa có cống, trong đó có hai cửa sông chính dẫn nước biển xâm nhập mặn sâu vào vùng nước ngọt hóa Tứ giác Long Xuyên là cửa Đông Hồ và cửa Sông Kiên...

Những thập niên trước đây, Đông Hồ là một hồ nước ngọt, là điểm chứa nước lũ vào mùa mưa, và do nước sông Hậu luôn luôn ở biên độ cao nên Đông Hồ đã đẩy nước ngọt ra xa bờ đến tận xã đảo Kiên Hải, cách bờ biển Hà Tiên hơn 10 km. Nhưng hiện nay, Đông Hồ không còn nước ngọt và lợ nữa, đến giữa tháng 3/2011, theo số liệu quan trắc cho thấy độ mặn của nước Đông Hồ lên đến 26 phần ngàn và đẩy sâu nước mặn vào các xã của huyện Tịnh Biên, Thoại Sơn (An Giang)... Do độ mặn tăng cao, hệ sinh thái Đông Hồ biến đổi nên đã có trên 3.000 ha của thị xã Hà Tiên (Kiên Giang) xung quanh Đông Hồ phải chuyển dịch cơ cấu sản xuất sang nuôi trồng thủy sản, chủ yếu là tôm và cua biển cũng như các loài cá có giá trị kinh tế khác.

Theo các nhà khoa học, nếu tình trạng này kéo dài, hệ thống cống và đê biển Tây Nam –ĐBSCL chưa đồng bộ và đê biển Quốc gia triển khai chậm thì nguy cơ vùng ngọt hóa Tứ giác Long Xuyên, một trong vùng trọng điểm lúa hàng hóa xuất khẩu của ĐBSCL và cả nước sẽ bị xâm nhập mặn ngày càng trầm trọng hơn.

Quốc Thái - Lê Hiền

Bài 2: Từ nhiều phía mặn xâm nhập Bán đảo Cà Mau

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN