Người Hàn Quốc đến Nội Bài phải khai y tế về MERS

Ngày 3/6, Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế đã chính thức áp dụng tờ khai y tế về dịch bệnh MERS - CoV đối với hành khách đến từ Hàn Quốc, nhập cảnh qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài.

Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Văn phòng đáp ứng khẩn cấp (EOC) phòng chống dịch bệnh tại Việt Nam tổ chức họp khẩn công tác phòng chống dịch bệnh MERS - CoV sáng 3/6 tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN


Tất cả 142 hành khách chuyến bay đầu tiên trong ngày từ Hàn Quốc đến Hà Nội lúc 11h05' ngày 3/6 đã được hướng dẫn thực hiện khai tờ khai y tế và kiểm tra thân nhiệt trước khi nhập cảnh vào Việt Nam. Mỗi ngày, tại sân bay Nội Bài có khoảng 10 chuyến bay từ Hàn Quốc và vùng Trung Đông đến Hà Nội, trung bình có 200 hành khách trên mỗi chuyến bay. Tương ứng, Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế phát khoảng 2.000 tờ khai y tế cho các hành khách đến từ vùng dịch.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách khai tờ khai y tế, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế bổ sung thêm các bàn khai và cán bộ hướng dẫn. Đặc biệt, cần phối hợp chặt chẽ với bộ phận cảng vụ làm việc với các hãng hàng không chuyển tờ khai y tế lên các chuyến bay để hành khách khai báo ngay trên máy bay, tránh tình trạng ùn tắc tại khu vực kiểm dịch y tế khi có nhiều chuyến bay đến cùng lúc.

Trước đó, việc áp dụng tờ khai y tế đối với hành khách đến từ các quốc gia có dịch MERS- CoV đã được Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế thực hiện kể từ tháng 6/2014. Trong thời gian gần đây, dịch bệnh có chiều hướng phức tạp hơn, nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam lớn nên trung tâm đã đẩy mạnh các hoạt động giám sát, bố trí phòng cách ly, bổ sung thuốc, trang thiết bị y tế sẵn sàng khi có ca bệnh nghi ngờ. Đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với bộ phận cảng vụ bố trí thêm 2 khu vực cách ly tại nơi nhập cảnh, phòng trường hợp có nhiều ca bệnh nghi ngờ.

Để nâng cao hiệu quả công tác kiểm dịch, đặc biệt là dịch bệnh Ebola, MERS- CoV, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, giám sát và yêu cầu Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, nhất là những hành khách đến từ các quốc gia có dịch; cung cấp và hướng dẫn hành khách đến từ vùng dịch khai tờ khai y tế. Trong trường hợp phát hiện ca bệnh nghi ngờ, thực hiện cách ly và chuyển về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và thông báo cho Trung tâm Y tế dự phòng thành phố tổ chức giám sát dịch tại cộng đồng.

* Chiều 3/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã kiểm tra các hoạt động phòng chống dịch bệnh MERS-CoV đang được triển khai tại sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội). Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đánh giá cao công tác chuẩn bị ứng phó với dịch bệnh MERS-CoV tại sân bay quốc tế Nội Bài. Đặc biệt, sân bay đã triển khai được tờ khai y tế và máy đo thân nhiệt đối với khách nhập cảnh đến từ các vùng có dịch. Thứ trưởng khẳng định, Việt Nam hoàn toàn tự tin có khả năng kiểm soát dịch bệnh MERS -CoV.

Đại diện Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế (Sở Y tế Hà Nội) cho biết: Để chủ động ngăn chặn, phòng chống dịch MERS-CoV xâm nhập vào Việt Nam qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế đã xây dựng “Kế hoạch tăng cường công tác phòng chống lây nhiễm hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông do virus Corona (MERS-CoV)” tại sân bay quốc tế Nội Bài.

Theo đó, kế hoạch được chia thành 3 tình huống, gồm: Tình huống 1 là khi chưa có hành khách có biểu hiện hội chứng viêm đường hô hấp cấp trên các chuyến bay quốc tế đến nhưng dịch có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam; tình huống 2 là khi phát hiện có hành khách nghi ngờ nhiễm MERS-CoV trên máy bay và tình huống 3 là khi đã có dịch lây lan trong cộng đồng.

Cùng ngày, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đã làm việc với Văn phòng đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh (EOC) tại Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhằm chỉ đạo phương án phòng chống ngăn dịch MERS-CoV xâm nhập vào Việt Nam. Theo báo cáo của Văn phòng, đến ngày 3/6, Hàn Quốc đã ghi nhận 30 trường hợp nhiễm virus MERS-CoV, trong đó có 2 người tử vong. Số trường hợp nhiễm bệnh có thể tiếp tục tăng. Do đó, các nước châu Á, trong đó có Việt Nam cần thắt chặt an ninh khu vực cửa khẩu và sân bay quốc tế.

Chuyên gia y tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định: Tất cả các trường hợp nhiễm trùng thứ phát đều bị lây lan trong môi trường bệnh viện do sự bất cẩn của nhân viên y tế khi xếp các bệnh nhân nằm chung phòng. Tuy nhiên chưa có bằng chứng cụ thể về khả năng lây nhiễm trong cộng đồng.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Ngành y tế cần chú trọng công tác phòng chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện nếu có trường hợp ca bệnh được phát hiện. Cục Quản lý Khám chữa bệnh cần chủ động tập huấn về điều trị cho y bác sĩ trong bệnh viện để sẵn sàng ứng phó dịch bệnh MERS-CoV. Bên cạnh đó, Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) tăng cường các khuyến cáo cộng đồng, cung cấp thông tin về dấu hiệu nhận biết và cách phòng bệnh; thiết lập đường dây nóng nhằm tư vấn cho người dân.

Đặc biệt, Bộ Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Du lịch để có những thông tin kịp thời đến từng người dân qua các cửa khẩu và sân bay quốc tế. Đối với nhóm người Việt Nam đi lao động ở các nước đang có dịch MERS-CoV lưu hành như các nước Trung Đông, Bộ Y tế sẽ sớm có các biện pháp hỗ trợ thông tin phòng, chống dịch bệnh kịp thời...

Tuyết Mai - Thu Phương (TTXVN)
Những quốc gia có bệnh nhân nhiễm MERS
Những quốc gia có bệnh nhân nhiễm MERS

Tổ chức Y tế Thế giới đã thống kê có tổng số 1.154 người mắc Hội chứng hô hấp ở Trung Đông, trong đó có 434 trường hợp tử vong.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN