Nơi đông đúc, nơi đìu hiu
Trước cổng Bệnh viện Bạch Mai vào giờ cao điểm cuối buổi chiều, người dân qua lại trên cây cầu bộ hành qua đường Giải Phóng và đường Lê Thanh Nghị khá đông. Cây cầu này có chiều dài 92 m; trong đó, đoạn qua đường Giải Phóng dài 48 m, đoạn qua đường Lê Thanh Nghị dài 45 m, chiều rộng 2,5 m, được đặt ở vị trí phù hợp với nhu cầu sang đường của rất đông người dân, bệnh nhân và người nhà đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai.
Đây cũng là trục đường có lưu lượng tham gia giao thông đông nên việc đặt cầu bộ hành tại khu vực này là cần thiết nhằm đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông. Một yếu tố khiến đa số người dân không băng qua đường mà đi lên cầu là do đường có dải phân cách chắn ngang, lưu lượng phương tiện qua lại lớn.
Tương tự, tại điểm cầu bộ hành đầu phố Tố Hữu, nhiều người đã lựa chọn sử dụng cầu vượt bộ hành, thay vì đi qua đường. Chị Đỗ Thị Thoa, 23 tuổi cho biết, việc đi bộ trên cầu sẽ đảm bảo an toàn cho bản thân, trên cầu rất mát mẻ trong thời tiết nắng nóng như thế này.
“Qua cầu bộ hành cần trở thành thói quen cho mọi người, thay vì băng qua đường tại những nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ”, chị Thoa nói.
Tuy nhiên, ngay bên cạnh cầu vượt vẫn có không ít người băng qua đường khiến nhiều xe máy, ô tô phải uốn lượn, thậm chí phanh gấp để tránh va chạm người đi bộ.
Bên cạnh những cây cầu phát huy hiệu quả vẫn còn những cây cầu bộ hành bị “ế” vì vắng người qua lại. Đơn cử như cầu vượt Giảng Võ - Ngọc Khánh (quận Ba Đình) được xây dựng hiện đại nhưng do thiếu đồng bộ với hạ tầng xung quanh nên ít người sử dụng. Cầu hiện đã xuống cấp và hoen gỉ khiến người dân càng thêm e ngại. Hay cầu vượt khu vực trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn đặt ngay sát điểm quay đầu xe và trước cổng trường nhưng hạ tầng xung quanh phục vụ người dân lại chưa được đồng bộ.
Dù hàng trăm sinh viên lên xuống xe buýt ở hai bên đường mỗi ngày nhưng điểm chờ xe buýt hướng từ Ngã Tư Sở về Hà Đông lại cách xa so với đường dẫn lên cầu. Ở hướng ngược lại, lối lên cầu vượt trở thành nơi tập kết rác thải. Do vậy, nhiều người vẫn băng cắt qua đường vào giờ cao điểm mà không đi lên cầu.
Tăng cường tuyên truyền kèm cưỡng chế
Ngoài nguyên nhân do cầu vượt bộ hành bị đặt sai vị trí hoặc đúng vị trí nhưng thiết kế đường dẫn bất hợp lý… thì sự thiếu ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân là một trong những nguyên nhân chính khiến những chiếc cầu vượt bộ hành bị bỏ quên.
Trong khung giờ cao điểm nhưng số người qua cầu vượt trên đường Hoàng Quốc Việt hay đường Nguyễn Chí Thanh cũng ít ỏi. Trong vòng 30 phút, cầu vượt trên đường Hoàng Quốc Việt chỉ có khoảng 20 - 30 người lên xuống cầu, một số người dù ở ngay dưới chân cầu vẫn chọn băng qua đường, xuyên qua dòng xe cộ tấp nập để sang đường.
Còn tại cầu vượt trên đường Nguyễn Chí Thanh, xung quanh có nhiều trường đại học, sinh viên đông đúc, nhưng số lượng người sử dụng cầu đi bộ chưa nhiều. Tại cầu đi bộ trước cổng Học viện Hành chính Quốc gia, nhiều người dân, sinh viên vẫn bình thản lách qua các loại phương tiện để sang đường.
Anh Nguyễn Trung Hiếu, 20 tuổi, sinh viên một trường Đại học trong khu vực cho biết: “Tuy có hơi nguy hiểm thật, nhưng mà đi bộ qua đường nhanh với tiện hơn. Đi trên cầu thì hơi mất thời gian, nhất là lúc muốn qua phía đối diện nhưng lại ở cách cầu đi bộ khá xa.”
Theo nhiều cư dân sinh sống gần khu vực các cầu bộ hành, nhiều người dù biết đi qua đường nguy hiểm nhưng vì muốn nhanh nên bất chấp nguy hiểm băng qua đường mà không đi lên cầu.
Bên cạnh đó việc không đảm bảo hỗ trợ cho người khuyết tật, khiến một số người cao tuổi không đủ sức leo thang nên cũng chọn đi bộ qua đường.
Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, trên địa bàn Hà Nội hiện có 46 cầu vượt đi bộ được xây dựng và đưa vào khai thác, sử dụng từ năm 2009 đến nay và 31 hầm bộ hành.
Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội vừa phê duyệt chủ trương đầu tư 6 cầu vượt cho người đi bộ bằng vốn đầu tư công với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 34,6 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong năm 2021-2022.
Để khắc phục tình trạng người dân thờ ơ với cầu vượt, hầm bộ hành, phát huy hiệu quả của các công trình này, thời gian qua, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó ưu tiên đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông; đưa nội dung giáo dục về an toàn giao thông vào các bậc học phổ thông để từng bước tạo ý thức, văn hóa giao thông cho học sinh, sinh viên.
Đồng thời, Sở nghiên cứu, tăng cường các biện pháp kỹ thuật, cưỡng chế người tham gia giao thông sử dụng cầu vượt, hầm bộ hành, như lắp hàng rào, trồng cây xanh tại dải phân cách giữa để ngăn chặn tình trạng người đi bộ cố tình băng qua đường, gây mất an toàn giao thông... Sở cũng đề nghị với cơ quan chức năng nâng chế tài xử phạt, đồng thời mạnh tay xử lý người đi bộ không đúng nơi quy định.
Tuy nhiên, các giải pháp này cần được triển khai đồng bộ, thường xuyên để phát huy hiệu quả các cầu, hầm bộ hành trên địa bàn nhằm thực hiện mục tiêu giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.