Người dân Chương Mỹ (Hà Nội) phập phồng lo nước sạch, vệ sinh môi trường

Đến chiều ngày 31/7, mực nước tại hai khu vực bị ngập nặng nhất là xã Nam Phương Tiến, xã Tân Tiến (huyện Chương Mỹ) đang rút dần. Sau nỗi lo về ngập lụt, giờ đây người dân lại phập phồng vì nước sạch và vệ sinh môi trường.

Dọc các tuyến đường của 2 xã Nam Phương Tiến và Tân Tiến, nhiều đoạn ngập sâu đã được dân quân, tự vệ dựng rào chắn, hướng dẫn bà con đi nhờ thuyền, thúng. Những hộ thuộc vùng ngập đến lưng chừng nhà đều đã di chuyển sang những nhà cao hơn để tiện sinh hoạt. 

Theo ghi nhận của phóng viên báo Tin tức, xã ngập sâu nhất là Nam Phượng Tiến, có hơn một nửa số hộ dân bị ngập. Ngay cả trụ sở UBND xã Nam Phượng Tiến cũng bị ngập, nên việc vận chuyển nhu yếu phẩm, hàng hóa cứu trợ đều lập điểm chốt tại xã Tân Tiến.

Trò chuyện với phóng viên, bà Nguyễn Thị Chuyển, 75 tuổi, ở xóm Trại, xã Nam Phương Tiến cho biết: "Nhà tôi là nhà cấp 4, nước cao ngập đầu nên không thể ở được, phải chuyển ra xóm ngoài ở nhờ nhà bà con. Chính quyền xã cũng thông tin nên di dời bớt đồ đạc. Con cái tôi đi làm công nhân hết cả nên cũng không giúp đỡ được nhiều, phải tự lực cánh sinh và nhờ sự giúp đỡ của bà con làng xóm".

Bà Trịnh Thị Lượng cho biết nước sạch được xã cấp.

Còn chị Nguyễn Thị Trang, 20 tuổi, xóm Nam Hải cho biết: Nhà bị ngập nên phải di chuyển ra ở nhờ bà con xóm ngoài, hôm nay chị mới quay về kiểm tra tình hình nước ngập. Nhà bị ngâm nước gần 10 ngày nên xuống cấp. Giếng nước cũng ô nhiễm. Do đó, giờ nỗi lo lớn nhất là vệ sinh môi trường.


Bà Nguyễn Thị San, ở đội 2, xóm Năng, xã Tân Tiến cũng trong tình trạng nhà bị ngập gần tới mái. Bà cho biết:  "Nhà tôi ở sau Nhà Văn hóa thôn. Mấy ngày qua nước ngập lênh láng nên di chuyển ra nhà họ hàng để ở nhờ. Giờ nước rút khoảng 20-30 cm; hy vọng vài hôm tới nước rút tiếp, chúng tôi có thể về được nhà. Hiện chúng tôi lo ngại nhất là vệ sinh môi trường, nước sạch, dịch bệnh".


Gian đình ông Nguyễn Đình Thế, 68 tuổi, tại đội 2 xóm Năng cũng trong tình trạng ngập 10 ngày nay. Ông cho biết, ngày nào cũng phải lội nước nên da dẻ rất ngứa, trẻ con còn bị lở loét. "Ngoài nước sạch thì chúng tôi rất mong muốn có thêm vệ sinh để khử trùng, thuốc bôi da", ông Thế chia sẻ.


Cùng tình cảnh, bà Trịnh Thị Lượng, đội 2 xã Tân Tiến kể: Hôm qua ngập mấp mé thềm nhà, nay đã rút hết sân. Nước ngập tràn vào giếng không ăn được nên ngày đầu tiên phải mua nước uống, 2 ngày sau thì được chính quyền xã cấp cho hai lô nước. Nước giặt giũ và nước sinh hoạt thì dùng rất tiết kiệm bằng bể nước dự trữ trên mái nhà.

Những ngôi nhà bị ngập ở vùng phân lũ xã Nam Phượng Tiến (Chương Mỹ).

Theo người dân vùng lụt, theo quy luật, cứ 5-6 năm thì sẽ có đợt ngập, nên nhiều người dân không ngờ năm trước đã ngập, năm nay lại ngập nặng như vậy. “Sống già nửa đời người, trong tâm trí tôi vẫn ám ảnh nhất là trận ngập lụt năm 1978, tiếp đó là năm 2008. Nay có lẽ là đợt ngập lụt nặng thứ 3 vào đúng năm 2018, nước tràn đê gần 10 ngày nay và rút rất chậm”, ông Nguyễn Đình Thế cho biết.


Ám ảnh nhất với người dân là cùng với lũ lụt là rác thải, vệ sinh môi trường. Xác động vật, rác thải trôi từ các nơi về khiến mùi bốc hôi thối, tanh nồng khó chịu. “Nếu tình hình kéo dài sẽ tác động lớn đến sức khỏe của người dân”, bà Nguyễn Thị San cho biết.


Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến cho biết: "Do địa hình xã theo dạng bậc thang nên những vùng thấp của xã bị ngập nặng. Xã có gần 700 hộ bị ngập, chiếm 1/3 tổng dân số hộ. Nắm bắt nhu cầu của bà con vùng bị lụt về nước sạch, vệ sinh môi trường nên xã đã đề nghị huyện và bố trí cấp nước sạch, nhu yếu phẩm. Chúng tôi tuyên truyền vận động người dân nước rút tới đâu vệ sinh môi trường, thau rửa bể giếng nước tới đó…. Trước mắt, nguồn nước cứu trợ của nhà tài trợ và thành phố, chính quyền xã sẽ phân phát sớm đến người dân để giảm tối đa tác hại của ô nhiễm môi trường do lũ".


Còn anh Nguyễn Duy Đô, Xã đội trưởng xã Nam Phượng Tiến cho biết: Toàn xã có 831 hộ, với hơn 4.400 nhân khẩu bị ảnh hưởng do lũ lụt, chiếm 50% số hộ của xã. Ngay từ ngày 20/7, khi nước tràn đê gây ngập, xã đã huy động 60 dân quân tự vệ cùng với lực lượng tại địa phương đắp đê bao. Đến nay nước đã tạm rút nên lực lượng chức năng của xã và người dân đang tiến hành vệ sinh môi trường ở những nơi nước rút. Hiện nay, đã có nhiều đơn vị gửi đồ cứu trợ, nước đóng chai và xã đã phân phối kịp thời cho người dân bị ảnh hưởng.


Dự báo trong những tới, thời tiết diễn biến thất thường, xã vẫn bố trí lực lượng để cảnh báo người dân vùng bị ngập lụt, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để người dân vệ sinh môi trường, tiến hành cấp phát thuốc trị bệnh da liễu.


Những hình ảnh tại vùng lũ Chương Mỹ:


Môi trường là vấn đề đáng lo ngại tại Chương Mỹ sau khi nước bắt đầu rút.

Cơ quan chức năng đang khẩn trương tiếp tế cho bà con nước sạch, nhu yếu phẩm, cũng như tổ chức khám chữa bệnh tại chỗ cho bà con.


Xuân Cường - Lê Phú/Báo Tin tức
Huyện Chương Mỹ ra công văn hỏa tốc về tình hình ngập lụt
Huyện Chương Mỹ ra công văn hỏa tốc về tình hình ngập lụt

Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa, lũ, ngập úng trên địa bàn, thường xuyên kiểm tra các tuyến đê, hồ chưa công trình thủy lợi trên địa bàn, kịp thời nắm bắt có biện pháp khắc phục ngay các điểm đê xung yếu có nguy cơ tràn, vỡ, lở. Rà soát, chủ động triển khai phương án sơ tán các hộ dân ra khỏi vùng ngập úng khi có chủ trương, phương án sơ tán dân phải cụ thể, rõ ràng và đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho nhân dân khi sơ tán đến địa điểm mới, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN