Nghĩ về một thế hệ thanh niên yêu nước và dấn thân

Có một thế hệ thanh niên Việt Nam yêu nước và dấn thân trong mùa thu Cách mạng tháng Tám 1945. Họ có nhiều hoàn cảnh riêng khác nhau nhưng tất cả đều chung lòng nhiệt huyết yêu nước, cùng hăng hái muốn hành động, muốn làm những việc ích nước lợi dân khi đất nước đang có những chuyển biến sôi động.

 

Lực lượng xung kích đi đầu khởi nghĩa


Trong những ngày mùa thu - Tháng Tám 1945 - sục sôi, các cuộc khởi nghĩa bùng nổ liên tiếp nhau giành thắng lợi, cả ở nông thôn và đô thị, trong đó giữ vai trò quyết định là những cuộc khởi nghĩa thành công ở các đô thị lớn (Hà Nội, Huế, Sài Gòn), xóa bỏ bộ máy thống trị của Nhật, thành lập chính quyền cách mạng nhân dân trong cả nước (kịp thời) trước khi quân đồng minh vào Đông Dương để tước vũ khí của quân Nhật. Có một sự trùng hợp (nhưng không tình cờ) ở cả Hà Nội, Huế, Sài Gòn là những công việc khó khăn, nguy hiểm nhất đều do những thanh niên, sinh viên, trí thức xung phong đảm nhiệm và hoàn thành xuất sắc.

Nhân dân Sài Gòn nổi dậy giành chính quyền (8/1945).


Ở Hà Nội, những đội viên Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu đã tham gia tích cực, xung kích đi đầu và góp một phần quan trọng làm nên thắng lợi trọn vẹn của cuộc khởi nghĩa. Hạt nhân đầu tiên của phong trào thanh niên học sinh Hà Nội trong “đêm trước” Cách mạng tháng Tám 1945 là đội Ngô Quyền của những học sinh trường Bưởi được thành lập từ tháng 8/1940. Họ là những học sinh yêu nước, sớm được giác ngộ và hoạt động dưới sự dẫn dắt của Đảng, tham gia Việt Minh, hòa mình vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Trong những ngày sục sôi tíến tới tổng khởi nghĩa, Thành bộ Việt Minh Hà Nội đã tuyển chọn những đoàn viên thanh niên cứu quốc nhiệt tình, dũng cảm, khỏe mạnh vào các đội tự vệ và đội tuyên truyền xung phong. Ngày 17/8, các đội viên thanh niên cứu quốc đã táo bạo chiếm diễn đàn, biến cuộc mít tinh do Tổng hội viên chức tổ chức thành cuộc biểu tình tuần hành, biểu dương lực lượng của Việt Minh. Sáng 19/8, những đội viên thanh niên cứu quốc với những loại vũ khí tự trang bị, lại dẫn đầu những đoàn biểu tình đông đảo với băng, cờ, khẩu hiệu và khí thế cách mạng đang hừng hực bốc cao, từ Dịch Vọng, từ Chèm, từ Thịnh Liệt, từ Ngã Tư Sở, vượt qua nhiều trạm gác của Nhật, tiến vào trung tâm thành phố trong “ngày hội giành độc lập”. Tại những vị trí then chốt như phủ Khâm sai, tòa Thị chính, trại Bảo an binh…, lực lượng cách mạng đều nhanh chóng làm chủ tình hình.


Ở Huế, Trường thanh niên tiền tuyến Huế như một “vệt sao băng” sáng lóe lên trong “cái chớp mắt của lịch sử” dân tộc tháng Tám 1945 - như cách nói của đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngôi “trường” độc đáo này gắn liền với tên tuổi hai nhà trí thức lớn, hai người đồng sáng lập trường là luật sư Phan Anh và GS Tạ Quang Bửu. Luật sư Phan Anh - trước đó đã nổi tiếng với những bài viết sâu sắc về văn hóa và pháp quyền trên tờ Thanh Nghị, với tài hùng biện và những vụ tranh tụng bênh vực những chiến sĩ Việt Minh - đã cùng với GS Tạ Quang Bửu - người nổi tiếng thông tuệ và là Huynh trưởng Hướng đạo sinh có uy tín, phụ trách Trung kỳ - đã tương kế tựu kế của Nhật, lợi dụng tình thế để nắm lấy lực lượng thanh niên Huế, không để Nhật lợi dụng và đưa họ vào một tổ chức có lợi cho đất nước. Ý tưởng thành lập một tổ chức chính thức để công khai tập hợp và rèn luyện thanh niên bắt nguồn từ đó. Với tinh thần ấy, ngày 2/7/1945, Trường thanh niên tiền tuyến Huế chính thức ra đời với 43 học viên. Trong những ngày Huế sục sôi khởi nghĩa, những học viên thanh niên tiền tuyến được phân công đảm nhiệm những công việc đặc biệt: Treo cờ đỏ sao vàng trên kỳ đài trước Ngọ môn (ngày 21/8/1945), bảo vệ cuộc mít tinh giành chính quyền (ngày 23/8/1945), bảo vệ buổi lễ thu ấn kiếm của Bảo Đại (ngày 30/8/1945), “hộ tống” cố vấn Vĩnh Thụy từ Huế ra Hà Nội; bắt những toán quân Pháp đổ bộ vào Huế sau ngày độc lập…


Năm 1945, ở Sài Gòn, "Đốc tờ" Thạch (bác sĩ Phạm Ngọc Thạch) là thủ lĩnh Thanh niên Tiền phong ở Nam Bộ. Ông là người anh kính trọng và thân yêu của cả một thế hệ trẻ hăng say trong không khí cách mạng tiến lên giành chính quyền. Sau ngày 9/3/1945, Nhật bất ngờ yêu cầu bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đứng ra tập hợp thanh niên trong một tổ chức tương tự như thanh niên tiền tuyến của luật sư Phan Anh ở Huế. Được sự đồng ý của tổ chức của Đảng tại Sài Gòn là xứ ủy Nam Kỳ do đồng chí Trần Văn Giàu phụ trách, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã nhận nhiệm vụ “tương kế tựu kế” nguy hiểm đó. Thanh niên Tiền Phong được thành lập ở Sài Gòn, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là thủ lĩnh. Chỉ trong sáu tháng, số lượng Thanh niên Tiền phong tại Sài Gòn đã lên tới 8 vạn. Đây là lực lượng xung kích của cách mạng được sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, luôn đi đầu trong các hoạt động đấu tranh ở Sài Gòn. Hình ảnh Thanh niên Tiền phong với trang phục quần soọc xanh hoặc màu sẫm, áo sơ mi trắng, dép cao su quai chéo, mũ rộng vành, huy hiệu có hình mũi tên thẳng đứng, dù trang bị thô sơ, chỉ có tầm vông vạt nhọn, đeo dao găm và cuộn dây thừng ngang lưng nhưng khẩu lệnh hô hào sảng: Hô “Thanh niên!” - đáp “Tiến!” đã trở nên quen thuộc trên đường phố Sài Gòn. Gần như đồng thời với những sự kiện đang dồn dập diễn ra ở Hà Nội, Huế... ở Sài Gòn, cuộc tuyên thệ (lần thứ hai) của Thanh niên Tiền phong ngày 18/8/1945 (tại vườn hoa Tao Đàn ngày nay) kêu gọi: “Thời cơ giành độc lập đã đến! Thanh niên hãy siết chặt hàng ngũ, sẵn sàng chiến đấu”. Từ đêm 24/8, lực lượng Thanh niên Tiền phong dẫn đầu ở các mũi lực lượng khởi nghĩa tỏa đi chiếm các công sở quan trọng: dinh Khâm sai, dinh Đốc lý, sở cảnh sát, đài phát thanh, bưu điện, các quận... Các cây cầu quan trọng: Thị Nghè, Mac Mahon (nay là cầu Công Lý), Tân Thuận, Chữ Y, Chà Và, Nhị Thiên Đường cũng được chốt giữ. Đến sáng 25/8, cờ đỏ sao vàng đã ngập tràn các đường phố Sài Gòn, phấp phới bay trên các công sở.


“Rường cột” của
đất nước, tương lai
của cách mạng


Nhìn xa hơn từ trước khi Đảng được thành lập, nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đặt niềm tin vào thanh niên Việt Nam - lực lượng xung kích của cách mạng. Năm 1925, trong bản án chế độ thực dân Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất nếu đám thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh”. Trong những bước chuẩn bị cho việc thành lập Đảng, đối tượng vận động cách mạng đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc là thanh niên. Tổ chức cách mạng đầu tiên, tiền thân của Đảng, do Người thành lập và rèn luyện là một tổ chức thanh niên: Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Sau này, Người nhiều lần nhắc lại: "Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội". Thanh niên là những người quyết định tương lai của cách mạng, là người chủ tương lai của đất nước.


Khi viết về thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945, nhà sử học Pháp Philippe Deviller, trong cuốn sách của mình: Lịch sử Việt Nam từ 1940 đến 1952 đã nhận định: “Nó còn là kết quả logic của Việt Minh trong mọi khu vực của đời sống đất nước”. Một trong những “khu vực của đời sống đất nước” khá quan trọng khi đó đã được Việt Minh lãnh đạo và khéo léo đưa lên tuyến đầu của cuộc đấu tranh chính là lực lượng thanh niên, sinh viên, học sinh trong các đô thị.


Rất nhiều trong số các thanh niên, sinh viên, trí thức trẻ thời đó xuất thân từ những gia đình khá giả, có tương lai rộng mở với cá nhân, gia đình. Nhưng trước tiếng gọi thiêng liêng của độc lập dân tộc, họ sẵn sàng để lại những thuận lợi đó ở phía sau để lên đường tranh đấu. Từ mùa thu cách mạng, rồi qua hai cuộc kháng chiến để bảo vệ nền độc lập, thế hệ trẻ mười tám đôi mươi của năm 1945 đã tích cực tham gia kháng chiến và kiến quốc. Được tôi luyện trong gian nan khói lửa, nhiều người đã trưởng thành. Chỉ cần nêu ví dụ về con số khiêm tốn 43 học viên của Trường thanh niên tiền tuyến Huế: Trong hai cuộc kháng chiến, các học viên Trường thanh niên tiền tuyến Huế đã chiến đấu trên nhiều mặt trận. Nhiều người đã trở thành những cán bộ chỉ huy xuất sắc. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực quân sự, từ Trường thanh niên tiền tuyến Huế, cách mạng đã có hai bộ trưởng quốc phòng, tám vị tướng. Nhiều người khác trở thành những nhà khoa học, nhà quản lý có uy tín...


Cho tới những ngày tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945, đỉnh cao của cuộc đấu tranh giành lại độc lập dân tộc, sự chuyển biến trong tâm hồn, tư tưởng và hành động của những thanh niên, sinh viên, trí thức trẻ từ yêu nước đến giác ngộ cách mạng đã được Đảng, được Việt Minh tổ chức một cách khéo léo giữa những điều kiện lịch sử diễn biến khá phức tạp và nhanh chóng ở các đô thị trong giai đoạn cao trào của cách mạng. Nó cũng cho thấy kết quả và bài học về sự tin tưởng tấm lòng nhiệt huyết của những thanh niên, trí thức dấn thân trong sự nghiệp cách mạng. “Thế hệ vàng” của mùa thu lịch sử 68 năm trước cũng để lại những tấm gương yêu nước và dấn thân, rèn luyện và hy sinh cho thế hệ trẻ hôm nay trước những vận hội mới.


Ngô Vương Anh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN