Ngày trở về sau 60 năm của những nữ sinh miền Nam

Sau 60 năm, bà Trần Tố Nga, người Pháp gốc Việt, nạn nhân chất độc da cam kiện 26 công ty hóa chất Mỹ cùng hơn 20 bạn học đã trở về xã Tây Tựu (Từ Liêm, Hà Nội), thăm lại những người đã từng đùm bọc họ thời gian là học sinh miền Nam trên đất Bắc.

Trở về Việt Nam trong bối cảnh vụ kiện 26 công ty hóa chất Mỹ đang có những biến chuyển mới, bà Trần Tố Nga người Pháp, gốc Việt - nguyên đơn vụ kiện tiếp tục hành trình đi tìm công lý cho nạn nhân chất độc da cam. Bà Nga cho biết, vụ kiện có những bước tiến khả quan dù chưa thể nhận định phiên tòa sẽ kéo dài đến bao lâu. “Hiện có 19 công ty hóa chất, trong đó có 2 công ty lớn sản xuất, cung cấp hóa chất phục vụ quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, đã cử luật sư tham gia vụ kiện. Chúng ta đang đi tới và sẽ đi tới đến tận cùng. Vụ kiện đã gây tiếng vang lớn không chỉ ở Pháp, Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia khác, đó là một bước thắng lợi”, bà Nga cho biết.

Đoàn cựu nữ sinh miền Nam trên đất Bắc chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện xã Tây Tựu và các hộ gia đình. 


Bên cạnh những hoạt động như thăm các nạn nhân chất độc da cam, thăm lại chiến trường xưa… , bà Nga đã cùng các bạn học cũ trở về nơi 60 năm trước đã nuôi dưỡng, giúp đỡ bà cùng các bạn khi còn là nữ sinh miền Nam trên đất Bắc tại phường Tây Tựu (Bắc Từ Liêm, Hà Nội).  Đón đoàn là 13 gia đình đã từng cưu mang những học sinh miền Nam trên đất Bắc. Những nữ sinh 12, 13 tuổi năm xưa, bây giờ đã là các bà, các mẹ, nước mắt rưng rưng ngày hội ngộ.Đối với họ, đây là hành trình trở về của lòng biết ơn, tri ân đối với những người đã từng cưu mang mình.

Các cựu học sinh miền Nam trên đất Bắc tỏ lòng biết ơn đối với các gia đình đã giúp đỡ mình.


Gặp nhau, hàn huyên chuyện cũ, không ai kìm được nước mắt. Không ai bảo ai, mọi người cùng đồng thanh cất tiếng hát, bài hát đã sống cùng họ suốt những năm tháng tuổi trẻ: “Trải qua mấy mùa thu kháng chiến/ Chúng ta là người ở bốn phương/ Cùng thoát ly gia đình ra đi/ Cùng gặp nhau trong đại gia đình/ Du kích quân Vệ quốc quân/ Khi gần bên nhau, ta vui sống trong niềm thương mến/ Thêm nặng tình đồng chí tửsanh không rời…”


Câu hát vang lên, nhiều người không giấu nổi xúc động. Tay bắt mặt mừng, qua những câu chuyện xưa mà họ nhận ra nhau. Bà Tôn Nữ Tuệ Tâm không quản ngại xa xôi, lặn lội từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội để cùng các bạn đến thăm lại các ân nhân xưa. Bà Tâm cho biết, chính tại xã Trung Kiên (xã Tây Tựu bây giờ) đã có nhiều kỷ niệm không thể quên. Đó là những ngày tắm sông, trâu tắm một góc, nữ sinh một góc, là những ngày chia ngọt sẻ bùi từng củ sắn củ khoai. Bà kể, hầu hết các nữ sinh khi đó chỉ tầm 12 - 13 tuổi, lớn nhất là 16 tuổi, chia thành các nhóm đến ở tại các gia đình người dân trong vùng.


Nhà nào chật thì cưu mang 2, 3 người; nhà rộng thì 5 - 6 người. Đa phần các nữ sinh đều là lần đầu xa nhà nên khi bị ốm thường hay tủi thân, nhưng được các bạn cùng bà con chăm sóc như người nhà nên cũng bớt đi phần nào những vất vả. "Ngày đó còn quá nhỏ nên không nhớ được nhiều, mà bây giờ quay về có nhiều đổi thay nên nhiều người không tìm lại được gia đình đã cưu mang mình ngày xưa. Nhưng được gặp lại mọi người, nhắc chuyện xưa, ai cũng phấn khởi, vui mừng", bà Tâm nói.


Bà Tố Nga (đứng giữa) chụp ảnh kỷ niệm cùng gia đình đã cưu mang bà thời gian ở tại Tây Tựu. 


Có thể nói là người may mắn nhất trong đoàn, bà Tố Nga đã tìm được về đúng ngôi nhà trước đây bà cùng các bạn đã ở trong những năm tháng chiến tranh. Cụ Đặng Thị Sen vẫn nhớ như in những cô nữ sinh đã từng ở nhà mình, trong số đó có cô Tố Nga rất ngoan, chăm học nhưng hay khóc vì nhớ gia đình. “Chiều thứ 7 nào cô bé cũng ra chợ là khu đình làng bây giờ đứng khóc chờ người đến đón. Hình ảnh Tố Nga khóc đứng đợi người thân dường như đã thành dấu ấn không thể quên với nhiều người trong làng”, bà Sen kể lại.


Trở lại căn nhà xưa, múc từng gáo nước ở chính chiếc giếng đã từng uống, hàn huyên kể chuyện xưa, bà Nga tâm sự, với bà như trở lại nhà mình vậy. Khi rời xa miền Nam ra đất Bắc học tập, xa nhà, xa bố mẹ, bỡ ngỡ, nhưng với sự đùm bọc của nhân dân miền Bắc, họ như được sống trong tình thương của cha mẹ. “Hành trình trở về này, được gặp lại những người thân, bạn bè và hơn hết nhận được sự ủng hộ của mọi người trong vụ kiện chất độc da cam, tôi như được tiếp thêm sức mạnh để đi đến tận cùng”, bà Nga cho biết.

Bà Trần Tố Nga, một công dân Pháp gốc Việt, là nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh ở Việt Nam. Ngày 11.6.2014, tại Tòa án thành phố Evry thuộc vùng Paris, bà Nga đã đệ đơn kiện 26 công ty hóa chất Mỹ đóng vai trò sản xuất, cung cấp vũ khí cho quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học trong chiến tranh ở Việt Nam. Bà Trần Tố Nga là phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Giải Phóng nay là Thông tấn xã Việt Nam khi cuộc chiến tranh chống Mỹ ở Việt Nam bước vào giai đoạn ác liệt nhất. Từ năm 1966, bà sống, làm việc trong những vùng bị rải chất độc nặng nhất ở miền Nam như: Củ Chi, Bình Long, dọc đường mòn Hồ Chí Minh… và bị phơi nhiễm chất độc da cam trong thời gian này.




Thu Trang
Công luận Pháp ủng hộ nạn nhân  chất độc da cam Việt Nam- Phần cuối
Công luận Pháp ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam- Phần cuối

Trong một buổi tọa đàm giao lưu kết nối các hiệp hội Việt Nam và Pháp tổ chức vào tháng 6 vừa qua trên 30 tổ chức, hội đoàn của Pháp đã tham gia với chủ đề: “Đoàn kết - Sức khỏe” nhằm thảo luận sâu để giúp đỡ chăm sóc, hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam một cách hiệu quả hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN