Ngày 29/4, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19; tiếp tục ngăn chặn bên ngoài, dập dịch từ bên trong

Ngày 29/4, Việt Nam tiếp tục không ghi nhận ca mắc mới COVID-19, giữ nguyên tổng số 270 trường hợp. Trong ngày đã ghi nhận thêm 2 trường hợp dương tính trở lại với virus SARS-CoV-2. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo cần tiếp tục ngăn chặn triệt để từ bên ngoài, dập dịch COVID-19 từ bên trong.

Tính đến hiện tại, Việt Nam vẫn giữ nguyên tổng số 270 ca mắc COVID-19.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 42.057 trường hợp, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 323; cách ly tập trung tại cơ sở khác 6.643; cách ly tại nhà, nơi lưu trú 35.091 trường hợp.

Chú thích ảnh
Chốt kiểm soát người ra - vào thôn Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội). Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Việt Nam vừa có thêm 2 bệnh nhân dương tính trở lại với virus SARS-CoV-2.

Trong số các ca COVID-19 đang điều trị, số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với virus SARS-CoV-2 là 10 ca; số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần trở lên âm tính với virus SARS-CoV-2 là 4 ca.

Tại cuộc họp chiều 29/4, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 đã chỉ đạo trong những ngày nghỉ, các cơ quan, đơn vị, lực lượng phòng, chống dịch tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các nhiệm vụ được phân công, giải quyết các vướng mắc, bất cập để sau kỳ nghỉ 30/4 và 1/5 đưa cuộc sống trở lại bình thường trong điều kiện có nguy cơ dịch bệnh.

Theo đó các địa phương bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh trong những ngày nghỉ lễ; tiếp tục ngăn chặn triệt để bên ngoài, dập dịch ở bên trong, thực hiện tốt công tác cách ly y tế; bảo đảm du lịch an toàn; quản lý người xuất nhập cảnh; chuẩn bị các điều kiện để đón học sinh trở lại trường; đưa công dân nước ngoài rời Việt Nam và công dân Việt Nam về nước; hỗ trợ các nước chống dịch.

Tiếp tục ngăn chặn triệt để bên ngoài, dập dịch COVID-19 bên trong

Chiều 29/4, tại Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo.

Tại cuộc họp, các thành viên trong Ban Chỉ đạo đã thảo luận về các nội dung như bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh trong những ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5; tiếp tục ngăn chặn triệt để dịch bên ngoài, dập dịch ở bên trong, đồng thời thực hiện tốt công tác cách ly y tế; bảo đảm du lịch an toàn.

Công tác chuẩn bị các điều kiện để đón học sinh trở lại trường, quản lý người xuất nhập cảnh, đưa công dân nước ngoài rời Việt Nam, hỗ trợ các nước chống dịch... cũng là những nội dung Ban Chỉ đạo tập trung thảo luận.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, đến thời điểm này cơ bản chúng ta đã đẩy lùi được dịch bệnh, trở lại làm tốt hai nhiệm vụ vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội. Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 là thời gian để các cấp, các ngành có liên quan đến chống dịch như công an, quốc phòng, y tế tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các nhiệm vụ được phân công, giải quyết các vướng mắc, bất cập để sau kỳ nghỉ 30/4và 1/5 đưa cuộc sống trở lại bình thường trong điều kiện có nguy cơ dịch bệnh. Ngoài việc kiểm soát chặt những người nhập cảnh vào Việt Nam, chúng ta cần tiếp tục rà lại các quy định về giáo dục, du lịch để đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo đôn đốc các tỉnh, thành phố giải quyết những vướng mắc trong việc mở cửa lại trường học để đảm bảo sau nghỉ lễ có thể cho học sinh đi học lại bình thường

Du lịch nội địa đang được mở trở lại, tuy nhiên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Giao thông theo dõi sát tình hình, đánh giá lại để hoàn thiện các quy định, hướng dẫn phòng, chống dịch đối với hoạt động du lịch, giao thông.

Bộ Y tế đề nghị xử lý nghiêm những hành vi bất minh trong mua sắm trang thiết bị chống dịch COVID-19

Chiều 29/4, bên lề cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo về việc xử lý vi phạm trong sử dụng kinh phí phòng chống dịch COVID-19.

Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, chấn chỉnh, thẩm định lại và thanh tra việc thực hiện các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, thuốc chữa bệnh… phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19.

Đặc biệt lưu ý các gói thầu mua sắm hệ thống máy xét nghiệm sinh hóa, máy thở, khẩu trang y tế, hóa chất vật tư tiêu hao; nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra để điều tra làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết thêm, về phía Bộ Y tế, lãnh đạo Bộ đã có các văn bản gửi các đơn vị trực thuộc Bộ và các địa phương.

"Đến nay, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế chưa có việc mua sắm nào liên quan đến hệ thống xét nghiệm Real Time PCR trong mùa dịch COVID-19. Một số địa phương đã gửi báo cáo về Bộ Y tế và hiện cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế đang tổng hợp báo cáo lên Thủ tướng", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn thông tin.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết thêm, Bộ Y tế luôn theo dõi việc mua sắm, đặc biệt với các đơn vị trực thuộc Bộ, cũng như một số địa phương. "Chúng tôi đã nắm được thông tin một số hệ thống trang thiết bị y tế, đặc biệt hệ thống xét nghiệm Real time PCR trong thời gian qua có giá thành bất thường ở một số địa phương như công luận đăng tải.

Ngày 13/3, Bộ Y tế đã có công văn gửi Bộ Công an, trong đó có nêu những thông tin mà chúng tôi ghi nhận được về các trang thiết bị, cũng như vật tư y tế của một số đơn vị và đề nghị Bộ Công an làm rõ", Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Về quan điểm của Bộ Y tế trong mua sắm trang thiết bị thời điểm chống dịch COVID-19, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khẳng định, thời điểm chống dịch COVID-19 là thời điểm toàn thể hệ thống chính trị, nhân dân tham gia rất tích cực. Chúng ta đều cố gắng làm sao khống chế được dịch càng nhanh càng tốt. "Nên những vấn đề liên quan việc mua sắm một cách bất minh, quan điểm của Bộ Y tế là đề nghị xử lý nghiêm khắc, không để hình ảnh như vậy ảnh hưởng công cuộc chống dịch của ngành Y tế và của người dân Việt Nam nói chung", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.

Tập trung nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng chống dịch COVID-19

Ngày 29/4, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp với Bộ Y tế; Bộ Khoa học và Công nghệ; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và một số đơn vị nghiên cứu về vấn đề tổ chức nghiên cứu, sản xuất vaccine phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, ngay từ những ngày đầu chống dịch COVID-19, các đơn vị nghiên cứu, các nhà khoa học khẩn trương nghiên cứu, phân lập, nuôi cấy virus, sản xuất sinh phẩm xét nghiệm, từng bước hoàn chỉnh phác đồ điều trị... phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống dịch trong thời gian qua.

Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành, đơn vị tập trung thảo luận về kết quả nghiên cứu về virus SARS-CoV-2, sinh phẩm xét nghiệm và hướng nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng COVID-19 trên thế giới. Các ý kiến thống nhất, việc nghiên cứu, sản xuất vaccine là nhiệm vụ đòi hỏi sự phối hợp của các đơn vị nghiên cứu khoa học ở các ngành khác nhau.

Xác định đây là nhiệm vụ khó khăn, song các nhà khoa học tham dự cuộc họp nhấn mạnh, Việt Nam đã có những thành quả nghiên cứu trước đó trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 như phân lập thành công virus, sản xuất thành công sinh phẩm xét nghiệm… Do đó, các nhà khoa học tin tưởng, dưới sự điều phối, chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam sẽ có những hướng nghiên cứu khả quan trong thời gian tới.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp Bộ Y tế, Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng, chống dịch COVID-19.

Học sinh trung học của Hà Nội trở lại trường từ ngày 4/5, tiểu học và mầm non từ 11/5

Chiều 29/4, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo chống dịch COVID-19 của Hà Nội, lãnh đạo TP Hà Nội đã quyết định cho học sinh từ THCS trở lên (bao gồm cả trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên) đi học trở lại từ ngày 4/5; trẻ em trường mầm non, học sinh tiểu học trở lại học tập từ ngày 11/5/2020.

Chú thích ảnh
Các trường học tại TP Hà Nội đã được phun khử khuẩn, đảm bảo an toàn cho học sinh quay trở lại trường. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Đối với trung tâm ngoại ngữ, tin học, trung tâm bồi dưỡng văn hóa, kỹ năng, trung tâm tư vấn du học: Thực hiện việc đánh giá mức độ an toàn phòng chống dịch COVID-19 theo Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch trong trường học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu đảm bảo an toàn thì tổ chức hoạt động trở lại từ ngày 4/5/2020.

Quyết định này dựa trên diễn biến và kết quả kiểm soát dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố thời gian qua.

Từ ngày 15/4 đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội không ghi nhận ca nhiễm mới; tình hình dịch đã cơ bản được kiểm soát tốt; các đơn vị, trường học cũng đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện an toàn, sẵn sàng đón học sinh quay trở lại trường học.

XC/Báo Tin tức
Hà Nội xử phạt 34 xe chở khách vi phạm an toàn giao thông
Hà Nội xử phạt 34 xe chở khách vi phạm an toàn giao thông

Trong 2 ngày 28 - 29/4, Thanh tra Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội đã ra quân tăng cường kiểm tra xử lý xe chở khách không đảm bảo an toàn giao thông, không tuân thủ về quy định phòng dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN