“Nét duyên” kiến trúc Hà Nội theo dòng chảy lịch sử

Hà Nội đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử, từ thời phong kiến, thời Pháp thuộc đến thời kì tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, mở cửa hội nhập kinh tế với thế giới. Trong các giai đoạn đó, dù có lúc bị chiến tranh tàn phá, chịu tác động của nhiều yếu tố về văn hóa - kinh tế - xã hội, nhưng kiến trúc của Thủ đô vẫn gìn giữ được những nét đẹp vừa cổ kính, vừa hiện đại.


“Phố xưa nhà cổ”


Khu phố cổ Hà Nội là tên thường gọi của một khu vực đô thị có từ lâu đời của Hà Nội. Ngày nay, phố cổ Hà Nội là điểm đến hấp dẫn cho những ai muốn tìm hiểu về Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Khu 36 phố phường hiện nay vẫn là khu vực đông đúc, nhộp nhịp bậc nhất Hà Nội. Theo sử sách, từ thế kỉ 15, những cư dân sinh sống bằng các nghề thủ công, buôn bán tiểu thương từ khắp các nơi đã tụ hội về đây để làm ăn, sinh sống, giúp hình thành những con phố mang những cái tên đặc trưng của làng nghề như Hàng Bạc, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Đường, Hàng Thùng...

 

Trụ sở Bộ Ngoại giao hiện nay, trước đây là Sở Tài chính Đông Dương do người Pháp xây dựng.


Các ngôi nhà hai bên đường khu phố cổ đều theo kiểu nhà ống. Đặc trưng của kiểu nhà này là: Bề ngang hẹp, chiều dài sâu, đôi khi thông sang phố khác. Bên trong các ngôi nhà này cũng có cách bố trí gần như nhau: Gian ngoài là nơi bán hoặc làm hàng, tiếp đó là khoảng sân lộ thiên để lấy ánh sáng, trong sân có cây cảnh, giàn hoa, gian nhà trong là nơi ăn ở và nối tiếp là khu phụ. Mặc dù những năm gần đây, mật độ dân số cao khiến phố cổ Hà Nội xuống cấp khá nghiêm trọng, những nét đẹp cổ kính với “ngõ nhỏ phố nhỏ nhà tôi ở đó” hay “phố xưa nhà cổ mái ngói thâm nâu” như trong tranh của danh họa Bùi Xuân Phái đã phôi pha đi nhiều. Tuy nhiên, tình cảm mà người dân cũng như khách du lịch dành cho khu “Phố Hàng” vẫn không hề thay đổi bởi nơi đó thể hiện vẻ đẹp của một Hà Nội xưa cũ.


Cách khu phố cổ không xa là khu thành cổ, tức Hoàng thành Thăng Long. Khu vực này gắn liền với lịch sử kinh đô Thăng Long 1.000 năm tuổi. GS Lê Văn Lan nhận định: “Thăng Long - Hà Nội là thành thị, tức là được cấu thành từ 2 yếu tố. “Thị” là chợ, chính là khu vực phố cổ, nơi các thương nhân tập trung buôn bán, phát triển kinh tế nuôi sống cả kinh đô. Còn “Thành” chính là trung tâm chính trị, nơi vua và hoàng tộc sinh sống. Trải qua nhiều lần phá hủy, xây dựng lại rồi tiếp tục bị tàn phá, nhất là khi người Pháp đến Hà Nội và quy hoạch lại thành phố, khu thành cổ hiện chỉ lưu giữ được một số dấu vết kiến trúc.

 

Lối kiến trúc ban công tầng 2 du nhập từ Pháp rất phổ biến tại Hà Nội. Trong ảnh là một ngôi nhà trên phố Ấu Triệu.


Trên phố Phan Ðình Phùng hiện còn Cửa Bắc được xây bằng đá và gạch rất kiên cố. Đây là cửa thành duy nhất còn sót lại của Hoàng thành Thăng Long. Cột cờ Hà Nội xây năm 1812 hiện nằm trên đường Ðiện Biên Phủ, cao 40 m này gồm ba nền thềm rộng và tháp cổ hình lăng trụ cũng là một kiến trúc tiêu biểu của khu thành cổ và đã trở thành biểu tượng thân quen của Thủ đô.


Di sản kiến trúc Pháp


Đã nhắc đến kiến trúc Hà Nội, bên cạnh kiến trúc bản địa là khu phố cổ và thành cổ như trên, phải kể đến những công trình kiến trúc Pháp, mà nhiều người gọi đó là “kiệt tác kiến trúc Đông Dương”. Kiến trúc Pháp - một mẫu mực của kiến trúc phương Tây, trải qua hàng trăm năm vẫn cho thấy một sức bền bỉ, một giá trị không thể bị hủy diệt.


Nhà hát Lớn, Bắc Bộ Phủ (nay là Nhà khách Chính phủ), Dinh Toàn quyền Đông Dương (nay là Phủ Chủ tịch), khách sạn Sofitel Metropole… cùng hàng trăm biệt thự cổ kính mang kiến trúc Pháp trải khắp các quận nội thành của thành phố đã tạo nên vẻ đẹp riêng biệt cho Thủ đô. Theo các nhà nghiên cứu về lịch sử kiến trúc, nếu như trong giai đoạn đầu khi kiến trúc Pháp xâm nhập, xã hội Việt Nam lúc đó chưa có đầy đủ các điều kiện để tiếp nhận nên kiến trúc Việt Nam bị lấn át và phải đón nhận một cách bắt buộc. Tuy nhiên, đến những năm đầu thập niên 20 của thế kỷ 20, kiến trúc Việt Nam đã có ảnh hưởng trở lại đối với kiến trúc Pháp.

 

Một khu tập thể chụp năm 1989 (ảnh trái: David Alan Harvey. Nguồn: Macnum) và một khu tập thể chụp năm 2014 (ảnh phải: Hoàng Dương).


Điều này thể hiện rất rõ khi so sánh giữa kiến trúc Pháp nguyên bản và kiến trúc Pháp tại Hà Nội trong cùng thời điểm lịch sử. Bản thân người Pháp, nhất là giới trí thức tiến bộ cũng nhận thấy rằng không thể áp đặt nguyên bản kiểu cách kiến trúc của nước Pháp vào một nước có truyền thống văn hóa lâu đời. Kiến trúc Pháp khi vào Việt Nam đã có sự thay đổi để thích ứng với môi trường tự nhiên và hài hòa với văn hóa nước thuộc địa.


Một trong những người ghi dấu ấn nổi bật theo xu hướng này là kiến trúc sư Ernest Hébrard. Đến Hà Nội năm 1921, Ernest Hébrard chủ trương đổi mới và đoạn tuyệt với quy tắc tái hiện những xu hướng kiến trúc đang thịnh hành ở chính quốc vào miền nhiệt đới. Ông là người đưa ra ý tưởng kết hợp những yếu tố kiến trúc phương Đông với phương Tây, tạo ra phong cách kiến trúc mới - phong cách kiến trúc Đông Dương, với những công trình nổi tiếng vẫn còn hiện diện như là những biểu trưng của Hà Nội như: Đại học Đông Dương, Sở Tài chính Đông Dương (nay là trụ sở Bộ Ngoại giao), Bảo tàng Louis Finot của Viện Viễn Đông Bác cổ (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam).


Có thể nói, việc người Pháp phá thành Hà Nội, hủy bỏ cấu trúc đô thị thời phong kiến là điều đáng tiếc. Tuy nhiên, phải thừa nhận những gì người Pháp làm được cho Hà Nội về kiến trúc, quy hoạch. Vượt qua những biến cố lịch sử, những công trình tiêu biểu mà người Pháp để lại là những di sản văn hóa quý giá cần trân trọng, gìn giữ.


Kiến trúc “mở” thời hiện đại


Sau khi Hà Nội được giải phóng năm 1954, cả miền Bắc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vào những năm 1960 và 1970, hàng loạt các khu nhà tập thể theo kiểu lắp ghép xuất hiện ở những khu phố Kim Liên, Trung Tự, Giảng Võ, Thành Công... và trở thành kiểu kiến trúc tiêu biểu của thời kì bao cấp còn tồn tại rất nhiều tại Hà Nội hiện nay. Do sử dụng các cấu kiện bê tông cốt thép sản xuất theo quy trình thủ công, sau mấy chục năm sử dụng, những công trình này hiện đang rơi vào tình trạng xuống cấp.


Từ sau khi đất nước mở cửa hội nhập, nền kinh tế đi lên, kiến trúc Thủ đô cũng có bước chuyển mình rõ nét. Đầu thập niên 2000, nhiều con đường giao thông chính của Hà Nội như Giải Phóng, Nguyễn Văn Cừ, Láng Hạ, Cầu Giấy, Trần Duy Hưng... được mở rộng. Các khách sạn, cao ốc văn phòng, những khu đô thị mới như Nam Thăng Long, Định Công, Bắc Linh Đàm, Mỹ Đình... dần xuất hiện ngày càng nhiều. Nhà cao tầng mọc lên như nấm. Nhiều tòa nhà được xây dựng gần đây đã trở thành biểu tượng của một Thủ đô đang trỗi dậy về kinh tế như tòa Tháp Hà Nội, tòa nhà Keangnam, tòa nhà Lotte, tòa tháp BIDV…


Bài và ảnh: Hoàng Dương

Tìm kiến trúc thích hợp cho nhà ở xã hội
Tìm kiến trúc thích hợp cho nhà ở xã hội

Định kiến “nhà cho người nghèo” thì “xuề xòa” về kiến trúc, chỉ cần đầy đủ các tiện ích tối thiểu, đã khiến cho nhà ở xã hội (NOXH) ở ta chưa có dấu ấn về kiến trúc. Tuy vậy, nhìn ra thế giới, chúng ta sẽ có được những kinh nghiệm để xây dựng NOXH tại Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN