Ngập tràn sự tiếc thương trên mạng xã hội và dòng chia buồn trên Sổ tang điện tử
Những ngày qua, hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có sức ảnh hưởng lan tỏa mạnh mẽ. Điều đó có thể thấy rất rõ trên các trang mạng xã hội, trong các nhóm zalo cộng đồng...
Ngay sau khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra đi vào hồi 13 giờ 38 phút ngày 19/7, rất nhiều người dân dùng mạng đã thay đổi màu ảnh đại diện, hình nền Facebook chuyển về màu đen trắng. Không ai bảo ai, họ thay ảnh avatar là hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoặc lá cờ rủ để tưởng nhớ ông.
Với niềm kính trọng tự đáy lòng, mỗi người đã có cách thức thể hiện niềm thành kính sâu sắc dành cho Tổng Bí thư - người đã cống hiến cả cuộc đời cho đất nước, dân tộc.
Tri ân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua Sổ tang điện tử trong ngày Quốc tang 25/7, chị Lưu Thị Minh Châu ở phố Yên Lộ, phường Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội đã viết với tấm lòng và sự thành kính: “Cháu chào bác, người lãnh đạo quên mình vì đất nước, vì nhân dân, vì tương lai thế hệ trẻ nối bước. Cháu học tập bác là bản thân sẽ luôn học hỏi, học tập và làm việc đến không thể làm nữa. Vì chỉ có làm việc và trau dồi mới giúp bản thân đi tiếp và vững vàng với những cám dỗ xung quanh. Mong bác yên nghỉ ạ”.
Ngay sát ngày viếng Tổng Bí thư, nhiều tờ báo đã mở sổ tang điện tử để tất cả người dân, bà con kiều bào ở xa Tổ Quốc có thể bày tỏ tình cảm, sự tiếc thương và lòng biết ơn của mình đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trên Facebook cá nhân, nick Đoàn Hiếu Minh bày tỏ: “Sổ tang là nơi lưu giữ các dòng lưu niệm của người đang sống viết cho người đã mất. Sổ tang trước đây chỉ xuất hiện trong lễ viếng. Chính vì thời gian viếng ngắn ngủi nên nhiều người muốn viết vài dòng tiễn biệt cũng khó, hoặc trong thời điểm viếng thì chưa kịp chuẩn bị nội dung nên cũng không viết được hoặc có người ngại chữ không đẹp nên cũng không dám viết”. Và nay, thông qua tính năng sổ tang điện tử trên ứng dụng VNeID, người dân có thể gửi lời chia buồn, tri ân, chia sẻ ký ức về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng,
“Ai cũng có thể tạo một sổ tang điện tử cho người thân của mình khi qua đời. Những dòng chia sẻ sẽ không còn sợ bị thất lạc hoặc bị thời gian làm hỏng. Người ở xa không đi viếng được thì vẫn viết được những gì mình muốn cho người đã khuất”, nick FB Đoàn Hiếu Minh chia sẻ.
Trên sổ tang điện tử của báo Tuổi trẻ, sáng 25/7, chị Đào Hải Yến - Khu Đô thị Ecopark, huyện Văn Giang, Hưng Yên đã viết đôi điều cảm xúc về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Một nhà lãnh đạo giản dị, kiên trung, dành cả tâm đức cuộc đời vì sự phát triển của đất nước, dân tộc đã trở về cõi vĩnh hằng cùng các bậc tiền nhân, để lại nỗi tiếc thương vô hạn và lòng kính yêu sâu sắc trong lòng mọi người về nhân cách, lẽ sống của một con người”.
Do ở tỉnh xa, không về được Thủ đô để viếng Tổng Bí thư tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội), rạng sáng 25/7, anh Hà Ngọc Quyết ở xã Xuân Lôi, huyện Lập Thạch Vĩnh Phúc đã viết lời chia buồn trên sổ tang điện tử của báo Vietnamnet với nội dung: “Bác Nguyễn Phú Trọng là một người lãnh đạo vì nước vì dân. Tổng Bí thư ra đi đã để lại nhiều thương tiếc, nhân dân mất đi một người lãnh đạo có tâm, Đảng mất đi một đồng chí mẫu mực. Bác là một tấm giương sáng để lớp lớp Đảng viên trẻ và giới trẻ noi giương và học hỏi, rèn luyện tu dưỡng đạo đức để cùng phát triển đất nước ngày càng phát triển và giàu mạnh. Xin vĩnh biệt bác, một người lãnh đạo tài ba kiệt xuất đã dành cả cuộc đời mình cho nhân dân”.
Biến đau thương thành sức mạnh đại đoàn kết, dựng xây đất nước
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hiến dâng trọn cả cuộc đời mình để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Chính vì vậy, trong những giờ phút đau thương này, nhiều người dân, chuyên gia kinh tế đều bày tỏ mang trong mình một ý chí mạnh mẽ, đó là phát huy sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc, tiếp tục phát huy những di sản vô giá của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại, vững bước tiến lên xây dựng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, ngày càng nâng cao cơ đồ, vị thế, đạt mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, luật sư Diệp Năng Bình, thành viên Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, công tác tại Hà Nội chia sẻ: “Sau khi đọc và gọi điện theo thông báo của Văn phòng Trung ương Đảng, Đoàn văn phòng luật sư của chúng tôi đã đăng ký viếng Tổng Bí thư vào sáng 26/7 tại thôn Lại Đà (xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội).
“Cả cuộc đời của bác đã dành cho công việc, cho đất nước và vì nhân dân. Với chính sách mềm dẻo trong đường lối ngoại giao của mình, Tổng Bí thư đã giúp Việt Nam có được một nền kinh tế, chính trị ổn định và hòa bình trong suốt những năm qua. Việt Nam có thể phát triển sánh ngang vai với các cường quốc khác. Tôi rất nể trọng và quý mến bác”, luật sư Diệp Năng Bình chia sẻ.
Luật sư Diệp Năng Bình bày tỏ: “Mặc dù Tổng Bí thư đã ra đi nhưng tư tưởng nền tảng của bác để lại cho tất chúng tôi rất nhiều. Chúng tôi luôn cố gắng thực hiện theo đúng tôn chỉ mục đích mà bác đã để lại cho chúng tôi. Tôi tin tưởng với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, những người kế thừa trong tương lai sẽ phát huy, đi theo con đường mà bác đã thực hiện thời gian qua, giúp đất nước ngày càng phát triển hơn và ổn đinh về mặt chính trị, xã hội và kinh tế”.
“Trong suy nghĩ của tôi và nhiều người dân Việt Nam, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một người lãnh đạo tận tụy vì nước vì dân, người cộng sản kiên trung, chân chính, cực kỳ liêm khiết. Là nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng ta và Chính phủ Việt Nam. Trong thời gian 2011 - 2024, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, Việt Nam đạt nhiều thành tích. Công cuộc chống tham nhũng đã tạo ra sự thay đổi lớn trong nền kinh tế”, PGS TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ với phóng viên báo Tin tức.
Theo PGS TS Đinh Trọng Thịnh, trong giai đoạn 2011 - 2020, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, Việt Nam đã vượt qua sự khủng hoảng của nền kinh tế thế giới giai đoạn 2008 - 2012, từ đó đưa nền kinh tế của Việt Nam phục hồi và tăng trưởng. Việt Nam cũng vượt qua những lúc khó khăn nhất của đại dịch COVID-19 để đi đến thắng lợi chung như ngày hôm nay.
Trong thời gian 2011 - 2020, GDP Việt Nam tăng trưởng bình quân 6%, đây là mức tăng trưởng cao trên thế giới. Xóa đói giảm nghèo theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã giảm từ 14% năm 2010 xuống còn 4% năm 2023; mức độ lạm phát giảm đi từ 18,6% năm 2010 xuống bình quân dưới 4% trong những năm 2020 - 2024. Đặc biệt kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2023 đã tăng gấp 4,5 lần so với năm 2010; thị trường tiền tệ, chứng khoán, các thị trường đi vào ổn định và phát triển bền vững.
“Cuộc chiến chống tham nhũng do Tổng Bí thư chỉ đạo, việc thượng tôn pháp luật, chấp hành kỷ cương của Nhà nước được doanh nghiệp, đơn vị, người dân thực hiện tốt hơn, đảm bảo hoạt động đầu tư của nền kinh tế hiệu quả, thu hút nguồn vốn đầu tự trực tiếp nước ngoài (FDI) rất lớn, tạo ra năng lực tăng trưởng phát triển kinh tế cao hơn, thúc đẩy quá trình tai cấu trúc từ việc Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên nhiên liệu tài nguyên thiên nhiên đến việc ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng kinh tế xanh, kinh tế số, đem lại hiệu quả cao cho nền kinh tế”, PGS TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Trong hơn một thập kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân giành nhiều thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới đất nước. “Đến nay, nền kinh tế số của Việt Nam là 1 trong 5 Quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất, đem lại hiệu quả cao cho nền kinh tế quốc dân, kinh tế xanh đang từng bước hình thành, đưa kinh tế Việt Nam đi vào nề nếp, phấn đấu thực hiện đúng cam kết về Net Zero vào năm 2050 mà Quốc hội, Chính phủ đã đề ra.