43 độ C là nhiệt độ đủ làm mềm bút chì màu, hóa lỏng sô cô la và làm nhiệt độ bên trong một chiếc xe đang đỗ ngoài trời tăng tới 60 độ C.
Báo Mỹ Washington Post dẫn số liệu từ cơ quan khí tượng thủy văn Pháp Meteo France đưa tin huyện Hương Khê của tỉnh Hà Tĩnh ngày 20/4 vừa qua đã trải qua một đợt nắng nóng phá vỡ mọi kỷ lục.
Trong khi đó, nhiệt độ đo được tại các điểm du lịch nổi tiếng như Đà Nẵng và Huế đang ở mức khoảng 40 độ C. Tại khu vực phía Nam, người dân Thành phố Hồ Chí Minh phải chịu cái nắng nóng 35 độ C.
Theo các chuyên gia, đợt nắng nóng này gây chú ý vì thực tế giờ mới chỉ tháng 4, trong khi mùa nóng đỉnh điểm tại Việt Nam thường diễn ra trong các tháng mùa Hè, kéo dài từ tháng 6 tới tháng 8.
“Không thể thở nổi khi ra ngoài trong cái nóng này. Rất khó để có thể chịu đựng thời tiết này vào ban ngày”, Phuong Hoang, người đang có chuyến du lịch tại Huế vào cuối tuần, chia sẻ với báo Washington Post.
Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới, từ 2015 tới 2018 là 4 năm nóng nhất được ghi nhận, một dấu hiệu cho thấy biến đổi khí hậu dài hạn trên toàn cầu đang tiếp tục xảy ra.
Vào tháng 1, một vụ cháy kỷ lục ở Australia đã khiến nhiệt độ tại một số khu vực lên tới 49 độ C. Mùa hè năm ngoái, Nhật Bản cũng đã ghi nhận mức nhiệt độ cao mới 41,1 độ C trong một đợt nắng nóng chết người.
Những lo ngại về biến đổi khí hậu đã mở ra các cuộc biểu tình quy mô lớn trên khắp thế giới trong những tháng gần đây. Những người biểu tình yêu cầu các nhà lãnh đạo phải có hành động khẩn cấp. Ước tính có khoảng 1,6 triệu sinh viên đã xuống đường tại hơn 120 quốc gia vào tháng trước.
Theo một báo cáo mang tính bước ngoặt của Mỹ công bố vào tháng 10 năm ngoái, nhiệt độ toàn cầu có thể tăng 1,5 độ C - ngưỡng mà các nhà khoa học cho rằng sẽ mang lại hậu quả thảm khốc - vào đầu năm 2030 nếu hiện tượng thải khí gây hiệu ứng nhà kính tiếp tục ở mức hiện tại.