Để tiềm năng, lợi thế về nắng và gió được khai thác, mang lại giá trị kinh tế, tỉnh Ninh Thuận đã có nhiều quyết sách để thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp đầu tư phát triển năng lượng tái tạo. Chỉ trong thời gian ngắn, Ninh Thuận đã dần chuyển mình và hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.
Luồng sinh khí mới
Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 về Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ đã tạo luồng sinh khí mới cho Ninh Thuận.
Cơ hội càng rõ ràng hơn khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 (Nghị quyết 115) về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2018 – 2023; trong đó chấp thuận chủ trương phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước gắn với cơ chế, chính sách về thu hút đầu tư…
Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam (Trung Nam Group) cho biết, ngoài cơ chế, chính sách hỗ trợ từ phía Trung ương, Trung Nam Group luôn nhận được sự đón tiếp nhiệt tình của lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận khi đến tìm hiểu đầu tư. Theo đó Trung Nam Group đã quyết tâm đầu tư tổ hợp điện gió và điện mặt trời tại vùng đất khô cằn, sỏi đá ở xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc vào tháng 8/2018.
Cuối tháng 4/2019, tổ hợp năng lượng tái tạo điện mặt trời và điện gió Trung Nam (giai đoạn 1) có vốn đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng, tổng công suất 234,95 MWp đã được khánh thành, đấu nối trực tiếp với hệ thống lưới điện quốc gia thông qua Trạm biến áp 220 kV Tháp Chàm với tổng sản lượng điện 560 triệu kWh/năm.
Trong giai đoạn 2, Trung Nam Group tiếp tục đầu tư dự án điện gió với công suất 64 MWp. Bên cạnh đó tiếp tục đầu tư dự án điện gió giai đoạn 3 với công suất 48 MWp và một nhà máy điện mặt trời với công suất 450 MWp tại huyện Thuận Nam.
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn BIM Group Nguyễn Hải Vinh cho biết, đến Ninh Thuận đầu tư, địa điểm và các thủ tục pháp lý có liên quan được tỉnh hỗ trợ, giải quyết rất nhanh gọn, kịp thời. Nhờ đó chỉ trong 9 tháng thi công, 3 nhà máy điện mặt trời là BIM 1, BIM 2 và BIM 3, tổng công suất 330 MWp với vốn đầu tư hơn 7.000 tỷ đã hoàn tất nghi thức đóng điện và hòa lưới điện quốc gia trong tháng 4/2019 với sản lượng điện 600 triệu kWh/năm. Cụm nhà máy điện mặt trời BIM cũng đang được xây dựng.
Ông Đạo Văn Rớt, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận cho biết, trên cơ sở tiềm năng và danh mục 12 dự án điện gió được Bộ Công Thương phê duyệt, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 13 dự án với quy mô công suất 632,03 MWp, tổng vốn đầu tư hơn 25.850 tỷ đồng. Đến nay, địa phương đã có 6 dự án khởi công; trong đó 3 dự án đã chính thức đưa vào vận hành thương mại với tổng công suất 117 MWp.
Ngoài ra, địa phương có 30 dự án điện mặt trời được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia/tỉnh với tổng công suất 1.966,79 MWp.
Trên cơ sở các dự án được duyệt, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 31 dự án với tổng công suất 1.817 MWp, tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 50.000 tỷ đồng. Hiện đã có 15 dự án được đưa vào vận hành thương mại với tổng công suất 1.063 MWp.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận, tác động của các dự án năng lượng tái tạo đã và đang thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Các dự án cũng đã biến những vùng đất cằn cỗi, hoang hóa không có giá trị sản xuất ở địa phương trở thành “mỏ vàng” đối với các nhà đầu tư; đồng thời giải quyết công ăn, việc làm cho hàng nghìn lao động phổ thông tại địa phương, từng bước làm thay đổi diện mạo vùng đất nắng Ninh Thuận.
Có thể nói, Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời đã tạo động lực cho các nhà đầu tư đẩy nhanh thi công, đưa dự án chạy đua với thời gian, sớm hòa lưới để được hưởng giá điện 9,35 cent/kWh theo quy định trước ngày 30/6/2019. Tuy nhiên do phát triền ồ ạt, không chú trọng việc đầu tư hạ tầng lưới điện truyền tải nên nhiều dự án khi đi vào vận hành buộc phải giảm công suất để đảm bảo ổn định hệ thống truyền tải.
Gỡ nút thắt
Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận Đạo Văn Rớt cho rằng, hiện trạng lưới điện truyền tải ở Ninh Thuận chỉ giải tỏa được công suất cho khoảng 800 MWp. Trong khi đó, đã có khoảng 1.180 MWp điện gió, điện mặt trời đưa vào vận hành, làm quá tải lưới điện 110 kV. Vì thế để đảm bảo ổn định hệ thống truyền tải, các dự án buộc giảm phát đến 60% công suất (tương ứng 215 MWp).
Theo tính toán sơ bộ đến ngày 30/6/2019, 10 dự án năng lượng có tổng vốn đầu tư hơn 10.500 tỷ đồng của tỉnh đang phải giảm phát khoảng 23,2 triệu kWh sản lượng điện, với số tiền thiệt hại khoảng 49,5 tỷ đồng. Nếu không giải tỏa được công suất, đến cuối năm 2019, 10 dự án này sẽ tiếp tục giảm phát lên đến 224 triệu kWh, ước thiệt hại cho chủ đầu tư hơn 479 tỷ đồng.
Hầu hết các danh mục lưới điện truyền tải được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh đều dự kiến tiến độ triển khai sau năm 2020. Do đó, việc giải phóng công suất 2.000 MWp đến hết năm 2020 trên địa bàn tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn, không khai thác tối đa hóa lượng điện sản xuất của các nhà máy.
Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia cũng như tỉnh Ninh Thuận, để giải quyết bất cập này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chỉ đạo Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia có kế hoạch đầu tư 10 công trình lưới điện 220 kV và 500 kV.
Đồng thời, Tổng Công ty Điện lực miền Nam thực hiện 7 công trình lưới điện 110 kV. Tuy nhiên, tiến độ các dự án này sẽ không đáp ứng yêu cầu thực hiện trước năm 2020 do vướng Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư và các quy định liên quan đến chuyển đổi đất rừng, bồi thường giải phóng mặt bằng…
Liên quan đến giải tỏa công suất điện, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có 12 văn bản kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo bổ sung quy hoạch điện VII điều chỉnh danh mục công trình lưới điện truyền tải đấu nối và chỉ đạo triển khai đầu tư hạ tầng truyền tải để giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn.
Ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến của Bộ Công Thương về cơ chế đầu tư các dự án lưới điện truyền tải để giải tỏa công suất các dự án điện mặt trời theo hình thức các chủ dự án sẽ đầu tư công trình lưới điện truyền tải, UBND tỉnh đã ban hành tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện.
Theo đó, UBND tỉnh đã lựa chọn nhà đầu tư là Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam thực hiện dự án nhà máy điện năng lượng kết hợp đầu tư công trình hạ tầng truyền tải đường dây và trạm biến áp 500 kV Thuận Nam, để giải phóng công suất 2.000 MWp của các dự án năng lượng tái tạo trong tỉnh đang phải giảm phát.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam Nguyễn Tâm Tiến cho biết, Tập đoàn Trung Nam đã kiến nghị với Bộ Công Thương và UBND tỉnh Ninh Thuận cho phép Trung Nam đầu tư làm đường dây truyền tải điện 500 kV tại địa phương để vừa giải tỏa công suất điện cho Trung Nam, đồng thời giúp các doanh nghiệp khác có điều kiện đấu nối, giải tỏa được công suất điện của dự án.
Ông Nguyễn Tâm Tiến cho rằng, theo quy hoạch của Chính phủ đến năm 2030, riêng tổng công suất các trạm biến áp 500 kV trên toàn quốc là khoảng 26.000 MW. Trong khi kế hoạch Trung Nam chuẩn bị đầu tư hệ thống trạm 500 kV sẽ giải quyết được công suất khoảng 2.700 MW, tức khoảng 10%.
Trung Nam tự lo kinh phí để đầu tư trạm biến áp 500 kV bằng công nghệ và thiết bị tiên tiến nhất. Trong quá trình thực hiện sẽ có sự kiểm tra, giám sát từ các chuyên gia của EVN. Trung Nam sẵn sàng bàn giao trạm biến áp với giá trị không đồng cho EVN quản lý và vận hành.
Mới đây, UBND tỉnh Ninh Thuận đã làm việc với EVN và cùng thống nhất phương án đầu tư Nhà máy điện mặt trời Trung Nam-Thuận Nam kết hợp đầu tư trạm và đường dây truyền tải 500 kV để giải phóng công suất các dự án năng lượng tái tạo.
EVN cũng đồng ý chủ trương theo đề xuất của Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam là đầu tư 2 ngăn xuất tuyến 500 kV tại trạm biến áp 500 kV Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong-Bình Thuận) để đấu nối Nhà máy điện Trung Nam.
Về vấn đề này, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét, phê duyệt phương án trên để giải phóng công suất các dự án trên địa bàn tỉnh trước năm 2020; đồng thời sớm ban hành quyết định để cụ thể hóa Nghị quyết 115 về chính sách hưởng giá điện theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam đến hết năm 2020. Qua đó để tỉnh khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, sớm đưa tỉnh trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.
Bài 3: Cơ chế khuyến khích phát triển điện sạch