Tại huyện miền núi Tân Sơn, mưa to đã làm 4 xã bị cô lập gồm: Tân Sơn, Đồng Sơn, Lai Đồng, Kiệt Sơn. Tại các đập tràn qua các xã này, mực nước đã lên trên 1 mét, gây khó khăn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông. Nhiều người dân không thể về nhà do mực nước các đập tràn lên cao, chảy xiết.
Đại diện lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Sơn cho biết, ngoài các xã bị cô lập, mưa to còn làm một số cọn nước của người dân bị cuốn trôi, sạt lở hàng chục mét khối đất ở xóm mới, xã Đồng Sơn. Bên cạnh đó, nhiều xã trong huyện có nguy cơ bị cô lập nếu tình trạng mưa lớn tiếp tục kéo dài.
Hiện các cơ quan chức năng huyện Tân Sơn đã cắt cử cán bộ túc trực tại đầu các đập tràn, hướng dẫn, khuyến cáo người dân không nên đi qua đập khi nước chưa rút…
Tại thành phố Việt Trì, mưa to kéo dài đã làm nhiều tuyến đường, phố bị ngập cục bộ như: Khu vực liên hợp thể dục thể thao, đường Hùng Vương; nhiều ngõ ngách trên đường Nguyễn Du bị ngập nặng, các tấm chắn dải phân cách di động bằng nhựa nổi lềnh bềnh trên mặt nước, gây khó khăn, cản trở người tham gia giao thông. Đặc biệt, mưa to đã làm ngập sâu toàn bộ khu đô thị Minh Phương; tuyến đường Trần Nguyên Hãn giao với đường Hùng Vương, phường Thanh Miếu bị ngập sâu tới 40 – 50cm, ảnh hưởng đến giao thông và đời sống người dân.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, các lực lượng chức năng có mặt để điều tiết giao thông, khắc phục tình trạng ngập; căng dây cảnh báo đoạn đường ngập sâu tại đầu đường Trần Nguyên Hãn để hạn chế các phương tiện.
Trước đó, Theo bản tin dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Việt Bắc, từ đêm 31/7 đến ngày 5/8, các nơi trong tỉnh Phú Thọ sẽ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 200-300mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt; các hệ thống sông suối trong tỉnh có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 3-5m.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Thọ đã có văn bản yêu cầu các huyện, thành thị và các cơ quan chức năng liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới và tình hình mưa lũ trên địa bàn; thông tin cảnh báo kịp thời đến các xã, phường, thị trấn và người dân để phòng, tránh nhất là các khu vực dễ bị xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập úng. Bên cạnh đó, dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, nước sạch, thuốc men thực hiện theo phương châm “ 4 tại chỗ” để chủ động đối phó với mưa, lũ lớn.
Các huyện, thành thị và các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra, rà soát, sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, hạ du hồ chứa; phân công cán bộ thường xuyên kiểm tra, theo dõi các đoạn đê xung yếu chưa đảm bảo cao trình chống lũ, các cống dưới đê, các vị trí bờ sông bị sạt lở, các hồ chứa bị xuống cấp hoặc có sự cố; chủ động phương án hạ thấp mực nước các hồ chứa bị xuống cấp để đảm bảo an toàn công trình. Đồng thời, chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị xử lý các trọng điểm xung yếu về đê điều, hồ đập; khẩn trương triển khai hoàn thành hoặc có phương án đảm bảo an toàn cho các công trình đang thi công.
Các huyện, thành thị và các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán người dân tại các vùng thấp trũng ven sông, suối, vùng nguy hiểm, vùng có nguy cơ sạt lở, vùng ngập sâu, chia cắt, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, trên các lồng bè và khu vực nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn. Chế độ trực ban 24/24 giờ được áp dụng nghiêm túc, đảm bảo thông tin liên lạc, chủ động chỉ đạo xử lý tình huống và báo cáo kịp thời Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.