Gỡ vướng cơ chế thanh toán chi phí khám, chữa bệnh
Nghị định 75/2023NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), có hiệu lực từ ngày 3/12/2023.
Nghị định có hiệu lực sẽ tháo gỡ được các “nút thắt” trong cơ chế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế nhằm tạo thuận lợi cho công tác khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.
Theo đó, bổ sung đối tượng là người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế vào nhóm đối tượng được ngân sách Nhà nước đóng bảo hiểm y tế.
Bổ sung đối tượng người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020…
Nâng mức hưởng từ 80% lên 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho một số nhóm đối tượng là người có công với cách mạng quy định tại khoản 5 Điều 3 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP như thanh niên xung phong; cán bộ, chiến sĩ Công an đã được giải quyết hưởng chế độ theo quy định tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Dân công hỏa tuyến.
Hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh đối với người bị bạo lực gia đình
Từ ngày 25/12, Nghị định 76/2023/NĐ-CP sẽ có hiệu lực, trong đó có điều 38 quy định mức hỗ trợ cho người bị bạo lực gia đình gồm các khoản: Tư vấn tâm lý, cung cấp kỹ năng ứng phó với bạo lực gia đình; hỗ trợ nhu cầu thiết yếu khi thực hiện cấm tiếp xúc; mức chi như đối tượng bảo trợ xã hội.
Thanh toán chi phí khám chữa bệnh nếu người bị bạo lực gia đình bị tổn hại sức khỏe được chăm sóc, điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Giao dịch từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo
Dư luận xã hội đang chú ý về Quyết định 11/2023/QĐ-TTg chính thức có hiệu lực từ hôm nay (ngày 1/12), đó là quy định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật Phòng, chống rửa tiền.
Đối tượng áp dụng là tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền.
Theo đó, các giao dịch có giá trị từ 400 triệu đồng trở lên thì phải thực hiện báo cáo với NHNN. Hiện hành quy định mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo với NHNN là 300 triệu đồng.
Quy định mới khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến
Nhằm khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, Bộ Tài chính đã sửa đổi, bổ sung hàng loạt mức phí, lệ phí tại Thông tư 63/2023 có hiệu lực từ hôm nay (ngày 1/12).
Theo đó, phí làm hộ chiếu online giảm 10% so với thông thường từ 1/1/2024 đến hết 31/12/2025. Theo quy định, lệ phí cấp hộ chiếu là 200.000 đồng đối với trường hợp đề nghị cấp lần đầu hoặc cấp lại hộ chiếu và 400.000 đồng đối với trường hợp đề nghị cấp lại do bị mất hoặc bị hư hỏng. Như vậy mức giá khi làm trực tuyến lần lượt là 180.000 và 360.000 đồng.
Ngoài ra, từ 1/12/2023 đến hết 31/12/2025, mức phí cấp mới, cấp lại, cấp đổi giấy phép lái xe theo hình thức trực tuyến là 115.000 đồng một lần, giảm 20.000 đồng so trước.
Sửa Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình
Thông tư 09/2023/TT-BXD sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình, có hiệu lực từ ngày 1/12. Đối với hồ sơ thiết kế xây dựng đã hoàn thành thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy bởi cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền, trước ngày 1/12, tiếp tục được thực hiện theo hồ sơ thiết kế đã thẩm duyệt.
Hồ sơ thiết kế xây dựng đã có văn bản góp ý trả lời về thiết kế phòng cháy chữa cháy tại bước thiết kế cơ sở của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy, trước ngày 1/12/2023, tiếp tục được thực hiện thẩm duyệt thiết kế theo văn bản góp ý trả lời.
Hồ sơ thiết kế xây dựng chưa được góp ý và thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy bởi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền kể từ ngày 1/12/2023, thì phải tuân thủ các quy định của QCVN 06:2022/BXD và Sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD.
Tăng lương cho viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 21/2023 về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục công lập, có hiệu lực từ ngày 16/12.
Cụ thể: Đối tượng này sẽ được hưởng lương như viên chức loại A0, có hệ số lương từ 2,1 đến 4,89 theo bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, viên chức trong đơn vị sự nghiệp Nhà nước. Do đó, viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật sẽ có mức lương dao động từ 3,78 triệu đồng/tháng đến cao nhất là 8,802 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, theo quy định cũ, đối tượng này chỉ được hưởng lương của viên chức loại B, có hệ số lương từ 1,86 - 4,06 tương ứng với mức lương là từ 3,348 triệu đồng/tháng - 7,308 triệu đồng/tháng.