Theo Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường), OECM là một khu vực được xác định về mặt địa lý, không phải là Khu bảo tồn, được quản trị và quản lý theo những phương thức nhằm đạt được kết quả tích cực và bền vững lâu dài về bảo tồn đa dạng sinh học tại chỗ. OECM có các chức năng và dịch vụ hệ sinh thái liên quan và đôi khi bảo tồn cả các giá trị văn hóa, tinh thần, kinh tế - xã hội và các giá trị có liên quan khác tại địa phương. Trong khi quốc tế đã công nhận khái niệm OECM, Việt Nam đang tiếp tục nghiên cứu, xây dựng khung pháp luật quy định việc thành lập và quản lý OECM như một cách tiếp cận bảo tồn mang tính sáng tạo.
Kết quả nghiên cứu năm 2023 của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) chỉ ra Việt Nam có 9 khu vực tiềm năng được công nhận là OECM bao gồm: Rừng phòng hộ tự nhiên; vùng đệm của các khu bảo tồn; rừng sản xuất tự nhiên; khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản; khu vực có độ đa dạng sinh học cao ngoài khu bảo tồn; hành lang đa dạng sinh học; khu đất ngập nước quan trọng; cảnh quan sinh thái quan trọng; khu du lịch quốc gia. Đây là các khu vực cảnh quan thiên nhiên quan trọng, có tính đa dạng sinh học cao, được ghi nhận trong các văn bản pháp lý của Việt Nam, có sự công nhận quốc tế về các nỗ lực bảo tồn bên ngoài các khu bảo tồn, đồng thời liên kết với các khu bảo tồn chính thức ở Việt Nam.
Trong khi các khu bảo tồn có mục tiêu chính là bảo tồn thì các OECM có thể được quản lý với nhiều mục đích khác nhau nhưng phải đạt được mục tiêu bảo tồn hiệu quả và dài hạn. Việc thành lập các OECM phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài nguyên và Môi trường, góp phần thúc đẩy bảo tồn nguyên vị đa dạng sinh học. Thể chế hóa các OECM không chỉ giúp Việt Nam thực hiện cam kết quốc tế mà còn bảo vệ đa dạng sinh học của các sinh cảnh bị đe dọa như những vùng núi đá vôi độc lập, các vùng đồng cỏ ngập lũ theo mùa, các vùng bãi triều ven biển.
Trong khuôn khổ các hoạt động hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các tổ chức quốc tế, hai Bộ: Hợp tác Kinh tế và Phát triển, Kinh tế và Hành động Khí hậu (Cộng hòa Liên bang Đức) đã tài trợ Dự án rà soát các OECM tiềm năng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Qua đó, một bản đồ không gian của 116 khu vực tiềm năng có thể trở thành các OECM của tỉnh Quảng Ninh đã được xây dựng.
Để tiến tới công nhận OECM trong thời gian sớm nhất, các tổ chức quốc tế cũng khuyến nghị Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng và ban hành các tiêu chí, hướng dẫn chính thức, xây dựng và thí điểm các cơ chế quản lý đối với một số loại hình OECM mới; xây dựng mô hình, đề xuất các chính sách và cơ chế khuyến khích cộng đồng địa phương và khu vực tư nhân trong việc thiết lập, quản lý OECM. Bên cạnh đó, việc áp dụng chi trả dịch vụ hệ sinh thái tại OECM rất cần thiết nhằm thiết lập tài chính bền vững cho bảo tồn đa dạng sinh học.
Đại diện Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam cho rằng, việc thực hiện OECM tại Việt Nam cần được tiếp cận toàn diện, đảm bảo sự tham gia chủ động của cấp cơ sở và cộng đồng địa phương. Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam mong muốn phối hợp với các bên liên quan trong việc lựa chọn, thí điểm mô hình OECM ở khu vực Trung Trường Sơn, đóng góp cho việc hoàn thiện Khung pháp lý và các chính sách cho các OECM của Việt Nam trong những năm tới.