Mái ấm cho đồng bào trở về an cư lạc nghiệp

Với phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau", phát huy tinh thần đoàn kết, linh hoạt, sáng tạo, bằng phương pháp tiếp cận phù hợp, cách làm đột phá, thần tốc, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc về đích sớm trước 5 năm so với mục tiêu đề ra.

Chú thích ảnh
Công an xã Minh Sơn (Tuyên Quang) giúp người dân tháo dỡ nhà tạm để xây dựng nhà mới. Ảnh: TTXVN

Trong nỗ lực xóa nhà tạm, nhà dột nát với quyết tâm sớm hiện thực hóa mong muốn mang lại mái ấm tình thương cho người nghèo, người yếu thế và Nghị quyết 42 của Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, phát động phong trào thi đua chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025.

Tính đến ngày 8/7/2025, cả nước đã có 18/34 địa phương hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát (đạt 52,9%); hỗ trợ xây dựng được 264.522 căn (trong đó khánh thành 229.328 căn và khởi công, đang xây dựng 35.194 căn). Tính từ sau Phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát, đến nay, có thêm 7 địa phương (tên địa phương trước sắp xếp) hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát, gồm: Lai Châu (đã khởi công 100%), Huế, Quảng Ngãi, Lâm Đồng, Đồng Nai, Đồng Tháp, Bắc Giang. Huế dự kiến tổ chức công bố hoàn thành mục tiêu vào ngày 18/7/2025, nâng tổng số địa phương hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát là 19/34 địa phương.

Bà Võ Thị Minh Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cho biết: Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát của Chính phủ và các hành động của Chính phủ thời gian qua rất ráo riết, quyết liệt. Chương trình không chỉ mang lại mái ấm cho những hộ yếu thế, hộ có nhu cầu về nhà ở, mà còn mở ra chốn bình yên, một nơi để trở về và an cư lạc nghiệp. Từ đó, các hộ nghèo yên tâm tập trung lao động, tăng gia sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Trong chương trình xóa nhà tạm, dột nát, lực lượng vũ trang luôn đi đầu, đóng góp lớn cả về vật chất và công sức. Thiếu tướng Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Chánh văn phòng Bộ Công an cho biết, việc triển khai xây dựng nhà để tặng cho đồng bào ở các vùng trọng điểm đã được lực lượng Công an nhân dân tổ chức thực hiện từ những năm 2017 - 2019. Khi đó, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trực tiếp chỉ đạo một số chuyên án về ma tuý qua biên giới đã có ý kiến, tất cả các lực lượng nghiệp vụ bên cạnh đấu tranh, trấn áp tội phạm ở vùng biên giới đồng thời rà soát, đánh giá, điều tra cơ bản tình hình an sinh xã hội, đặc biệt là đời sống của đồng bào tại địa phương.

Ngày đó, Bộ trưởng chỉ đạo trực tiếp các lực lượng nghiệp vụ khẩn trương nghiên cứu nhà mẫu với tiêu chí nền cứng, nhà cứng, mái cứng, sản xuất, tổ chức xây dựng rất nhanh. Từ năm 2017 - 2019, lực lượng Công an nhân dân đã xây dựng hàng trăm ngôi nhà cho đồng bào ở vùng biên giới hẻo lánh. Phát huy cách làm đó, lực lượng công an tiếp tục tham gia tích cực vào Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Tính đến thời điểm hiện nay, lực lượng công an đã hoàn thành 29.100 căn nhà để tặng các hộ dân, đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc. 

“Ở khắp mọi miền Tổ quốc, lực lượng Công an nhân dân đều vào cuộc. Người có công góp công, người có của góp của, người có sức góp sức. Chúng tôi thấm nhuần tư tưởng này của Thủ tướng Chính phủ nên lực lượng công an toàn quốc từ các đồng chí công an phường Thành phố Hà Nội, công an Thành phố Hồ Chí Minh, cho đến các đồng chí công an xã tại Nghệ An, Điện Biên, Lai Châu... đều là những nhân tố tích cực đi đầu và duy trì tốt phong trào thi đua xây dựng nhà tặng đồng bào, xoá nhà tạm, nhà dột nát", Thiếu tướng Nguyễn Hồng Nguyên chia sẻ. 

Lực lượng quân đội với phương châm xác định việc xóa nhà tạm, nhà dột nát là một nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình. Toàn quân xác định việc xóa nhà tạm, nhà dột nát là nhiệm vụ, là trách nhiệm chính trị và là tình cảm của cấp ủy, của chỉ huy các cấp cũng như cán bộ, chiến sĩ, qua đó thắt chặt tình cảm quân dân. Đến nay, lực lượng quân đội đã đóng góp trên 600 tỷ đồng và huy động hơn 21.000 lượt cán bộ, chiến sĩ với hơn 76.500 ngày công hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Đại tá Đào Xuân Vũ, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết, trong mọi sản xuất kinh doanh, Tập đoàn Viettel luôn thực hiện triết lý xuyên suốt là "Kinh doanh gắn liền với trách nhiệm xã hội". Thời gian qua, những chương trình xã hội Viettel làm đã có kết quả tốt, như chương trình xã hội "Trái tim cho em" khám và chữa bệnh cho khoảng 170.000 cháu bé; chương trình "Đưa Internet đến trường học" cung cấp Internet miễn phí đến các trường học hay đóng góp vào quỹ vaccine trong giai đoạn dịch COVID-19...

Với chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, thực hiện theo chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Viettel đã đóng góp 430 tỷ đồng cho chương trình, trong đó 360 tỷ đồng theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, còn lại 70 tỷ đồng là thực hiện theo hỗ trợ từ Chính phủ cho các địa phương. Hiện, Tập đoàn đã thực hiện triển khai hỗ trợ 17 tỉnh, thành phố.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phát động, ngành ngân hàng đã cam kết hỗ trợ 1.300 tỷ đồng và phân công cụ thể cho từng ngân hàng hỗ trợ các địa phương. Đến nay, ngành ngân hàng cũng đã chuyển được khoảng 1.200 tỷ đồng cho các địa phương. Ngoài ra, ngành ngân hàng cũng tổ chức phát động phong trào mỗi cán bộ, nhân viên, người lao động của ngành hỗ trợ ít nhất một ngày lương để thực hiện xóa 1.000 căn nhà tạm, nhà dột nát cho các địa phương.

Các địa phương như Nghệ An, Bình Định, Bình Phước, Sơn La… đã có cách làm sáng tạo, thần tốc, đặc biệt trong việc giải quyết đất ở cho các hộ đang ở nhà tạm, nhà dột nát và cho các hộ thiếu đất. Trong 3 tháng, tỉnh Bình Định đã hoàn thành xóa toàn bộ 4.411 căn nhà cho các hộ dân trên địa bàn. Tỉnh Hà Tĩnh triển khai các mô hình phân công "đỡ đầu" như: "Đội xây dựng không đồng", "mỗi cán bộ phụ trách một nhà", "hỗ trợ theo địa bàn"… Tỉnh Bình Phước phát động thi đua trong 200 ngày đêm xóa bỏ hoàn toàn số nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn. 

Đặc biệt, Nghệ An là tỉnh có nhiều cách làm sáng tạo để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nhát cho người dân. Ban đầu, Bí thư Tỉnh ủy có thư kêu gọi hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát; sau đó, Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc kêu gọi, vận động, hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 - 2025. Tỉnh tiến hành khảo sát toàn diện trên địa bàn toàn tỉnh với 24 trường thông tin về tất cả các hộ nghèo và sau khi có số lượng khảo sát, tỉnh tổ chức phát động, kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm.

Cùng với đó, Nghệ An thành lập 482 Ban chỉ đạo các cấp với 34.355 thành viên, phân công nhiệm vụ và phát động tính tiên phong của các sở, ban, ngành. Các sở, ban, ngành phải đứng ra tiên phong đăng ký hỗ trợ nhà và cán bộ, đảng viên từ tỉnh đến huyện, xã đều đăng ký ít nhất mỗi người một ngày lương.

Nghệ An cũng đưa kết quả triển khai hỗ trợ nhà của các tổ chức chính trị và của các cấp ủy, chính quyền vào tiêu chí thi đua, khen thưởng hằng năm. Thường trực Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo của tỉnh thống nhất đưa kết quả hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát của các cấp chính quyền địa phương là một trong những tiêu chí quan trọng để sắp xếp cán bộ, công chức sau khi thành lập đơn vị chính quyền địa phương hai cấp, nhất là đối với cán bộ chủ chốt. 

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả, nhưng công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát ở vùng đồng bào dân tộc, miền núi vẫn còn nhiều khó khăn. Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Nông Thị Hà rằng, việc xây dựng, bàn giao nhà cho các hộ khó khăn là việc làm cần thiết, nhưng cũng chỉ là bước đầu. Bởi vì các hộ đang sống trong những căn nhà tạm, nhà dột nát còn gặp muôn vàn khó khăn. Để chung tay hỗ trợ cho các hộ gia đình này thoát nghèo bền vững và vươn lên, cần sự hỗ trợ, sẻ chia tiếp theo, đặc biệt là làm sao bảo đảm sinh kế cho các hộ này.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Nông Thị Hà báo cáo tình hình triển khai xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thứ trưởng Nông Thị Hà cho rằng, chúng ta đã xác định và có giải pháp tháo gỡ hai nút thắt lớn nhất trong quá trình triển khai, đó là kinh phí và đất đai.

Về kinh phí, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, trích 5% từ phần kinh phí tiết kiệm của Trung ương và các địa phương để hỗ trợ việc xóa nhà tạm, nhà dột nát. Bên cạnh đó, nguồn lực xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân cũng vào cuộc mạnh mẽ, tiêu biểu là lực lượng công an, quân đội, ngành ngân hàng, các doanh nghiệp lớn nhỏ trên cả nước, các nhà hảo tâm và nhân dân cả nước. Tính đến hiện tại, trên 90% kinh phí đã được chuyển theo đúng cam kết, phần còn lại các đơn vị vẫn đang tiếp tục được hoàn tất về thủ tục thanh quyết toán.

Về đất đai, ngay tại phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo Trung ương, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, thống nhất chủ trương giải quyết linh hoạt tại các vị trí không có tranh chấp. Đã có nhiều bài học quý giá có thể vận dụng, triển khai từ các địa phương khó khăn về đất ở. “Chủ trương đã có, Chính phủ đã chỉ đạo rốt ráo, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, nhân dân đồng thuận và đồng bào mong mỏi. Với những nền tảng đó, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để đặt niềm tin vào việc hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát”, Thứ trưởng Nông Thị Hà chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm này, bà Võ Thị Minh Sinh cho rằng, cần có các chính sách hỗ trợ sinh kế như cấp cây giống, con giống, tổ chức đào tạo nghề, giới thiệu tư vấn nghề… để người dân có điều kiện ổn định cuộc sống sau khi đã có chỗ ở. Trách nhiệm của cả hệ thống chính trị là cần tiếp tục thuyết phục, vận động, lan tỏa những mô hình hay, những điển hình tiêu biểu trong xây dựng, sản xuất và lao động để bà con nhìn vào, học theo, từ đó từng bước vươn lên thoát nghèo, từng bước trở thành những hộ khá, hộ giàu.

“Chúng ta có thể làm được tất cả nếu chúng ta đồng lòng và với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự chỉ đạo ráo riết của Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cũng như của các tầng lớp nhân dân, cùng với sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc, truyền thống yêu nước, thương nòi và tình đồng bào, tình đồng chí, nghĩa dân tộc, với phương châm là Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, nhân dân chủ động, chắc chắn chúng ta sẽ về đích đúng hạn; chắc chắn Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát sẽ là một chương trình mãi mãi đi sâu vào lòng người và là một chương trình gieo hạt yêu thương, ươm mầm hy vọng, gặt hái niềm tin và kiến tạo tương lai cho các tầng lớp nhân dân”, bà Võ Thị Minh Sinh bày tỏ.

V.T/Báo Tin tức và Dân tộc
Gấp rút hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công
Gấp rút hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công

Công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ đang được các địa phương khẩn trương hoàn tất để kịp cán đích trước Ngày Thương binh liệt sỹ 27/7/2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN