Theo đó, thời gian trục vớt bắt đầu ngay sau khi được Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận phê duyệt và dự kiến hoàn thành công việc trong vòng 20 ngày. Cụ thể con tàu bị chìm có chiều dài lớn nhất 73,50m; chiều rộng 13,23m, chiều cao mạn 4,50m, trọng tải 2.560 tấn. Các phương tiện tham gia trục vớt gồm: Cần cẩu nổi sức nâng 350 tấn, cần cẩu nổi sức nâng 130 tấn; tàu kéo 1.250HP; tàu kéo 850 HP; tàu hút bùn 800 tấn cùng các thiết bị lặn; phao, máy hút bùn chuyên dụng…
Ban chỉ huy có trách nhiệm rà soát lại toàn bộ quy trình, quy phạm kỹ thuật an toàn lặn, khảo sát và quán triệt tới thuyền trưởng, thuyền viên, lái cẩu và bộ phận giám sát lặn; nghiên cứu kỹ thiết kế kỹ thuật của tàu Bạch Đằng và kiểm tra an toàn trên các phương tiện, các trang thiết bị, sức khỏe – chứng chỉ chuyên môn phù hợp của các thợ lặn... Biện pháp trục vớt tàu Bạch Đằng được thực hiện theo 5 bước: Trục vớt hàng hóa; bơm hút dầu; di dời tàu ra vùng nước sâu; làm nổi tàu, cẩu lật và bơm nước trong các hầm két ra ngoài, kéo tàu vào trong cảng neo đậu.
Trước khi thực hiện công việc, các đơn vị liên quan sẽ gửi đơn đề nghị công bố thông báo hàng hải cho Cảng vụ Hàng Hải Bình Thuận ra thông báo hàng hải và Đài Thông tin Duyên Hải Bình Thuận phát thông tin thông báo hàng hải. Tại hiện trường, cần cẩu Yết Kiêu định vị tại vị trí tàu chìm cũng là phao báo hiệu đang thi công lặn. Trên cần cẩu treo dấu hiệu, tín hiệu cờ báo hiệu đang thi công trục vớt. Bố trí tàu CH305 trực cảnh giới tại hiện trường, ngăn chặn các phương tiện không qua lại khu vực thi công.
Như thông tin đã đưa, tàu vận tải Bạch Đằng có trọng tải 2.560 tấn, trên tàu có 7 thuyền viên. Tàu Bạch Đằng chở 1.500 tấn tro than từ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, Bình Thuận) đi Cảng Nhơn Trạch (Đồng Nai). Đến khoảng 18 giờ 30 phút ngày 14/3, khi tàu đang hành trình qua vùng biển Mũi Né, cách bờ khoảng 0,5 hải ký thì bất ngờ bị lật ngang và chìm. Đồn Biên phòng Mũi Né sử dụng phương tiện cứu vớt được toàn bộ 7/7 thuyền viên trên tàu Bạch Đằng và đưa vào bờ an toàn.