Đó là ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội và người dân về tình trạng bệnh nhân bị “ép” chụp chiếu, xét nghiệm quá nhiều như hiện nay.
Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP Hồ Chí Minh): Chấn chỉnh tình trạng lạm dụng xét nghiệm
Lý do khách quan khiến các bác sĩ chỉ định bệnh nhân phải chụp chiếu, xét nghiệm lại là do các cơ sở y tế chưa tin nhau; còn lý do chủ quan là vì bệnh viện (BV) đã đầu tư máy móc từ nguồn xã hội hóa nên dẫn đến tình trạng lạm dụng xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh để tăng thu, nhằm bù đắp chi phí đầu tư.
Bệnh nhân đang chờ đợi để được chụp X - quang tại Bệnh viện E (Hà Nội). Ảnh: Lê Xuân |
Trong khi đó, chúng ta chưa có quy định đối với một số bệnh và trong một thời hạn nhất định thì các cơ sở y tế cần công nhận kết quả của nhau. Để giải quyết vấn đề này một cách căn cơ thì theo tôi, Bộ Y tế phải có quy định cụ thể về việc các cơ sở y tế phải công nhận xét nghiệm của nhau; đồng thời chính lãnh đạo ngành, lãnh đạo BV phải chấn chỉnh tình trạng lạm dụng xét nghiệm, lạm dụng chẩn đoán hình ảnh tại đơn vị cũng như trong hệ thống ngành y.
Đại biểu Bùi Thị An (TP Hà Nội): Đánh giá thực trạng trang thiết bị y tế
Ngành y tế phải có đánh giá về thực trạng trình độ công nghệ, trang thiết bị máy móc của từng cơ sở y tế. Căn cứ vào kết quả đánh giá đó mới ra quyết định quản lý phù hợp, nếu các cơ sở y tế có cùng trình độ như nhau thì phải công nhận kết quả của nhau.
Thực tế, việc không công nhận kết quả của nhau khiến bệnh nhân rất mệt mỏi và tốn kém. Theo tôi, trừ trường hợp bệnh hiểm nghèo đến mức xuất hiện tình tiết mới trong bệnh án thì mới làm bổ xung xét nghiệm, chụp chiếu. Tôi được biết, các nước trên thế giới đều theo xu hướng các cơ sở y tế phải công nhận kết quả của nhau. Do đó, ngành y tế cần phải có những giải pháp hữu hiệu nhằm hạn chế tình trạng lãng phí tiền của, công sức, thời gian của người dân vì phải đi chụp chiếu, xét nghiệm nhiều.
Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh): Đưa ra những quy chuẩn cụ thể
Theo tôi, nếu các cơ sở y tế công nhận kết quả lẫn nhau là rất tốt, giảm sự tốn kém về tiền bạc, thời gian chờ đợi cho người bệnh. Tuy nhiên, cần phải có những đánh giá và đưa ra những quy chuẩn cụ thể, để các cơ sở y tế thực hiện và có căn cứ kiểm tra, giám sát. Bởi lẽ, kết quả chụp chiếu và xét nghiệm sai sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của người bệnh. Nếu máy móc, trình độ của cán bộ làm công tác xét nghiệm, chụp chiếu là như nhau thì việc đưa ra kết luận cuối cùng cũng chưa chắc đã giống nhau vì còn phụ thuộc vào kinh nghiệm, trình độ của bác sĩ.
Ông Phạm Ngọc Anh, công nhân Xí nghiệp môi trường Hồ Tây (Hà Nội): Góp phần giảm quá tải
Do tính chất công việc nên tôi thường hay bị đau đầu, đau cổ nhiều lần đến BV E để khám họ đều yêu cầu đi chụp X - quang, lần trước phải đợi lâu quá nên tôi đành tới một cơ sở y tế có tiếng chụp. Thế nhưng, các bác sĩ ở đây không đồng ý và bắt tôi phải chụp lại ngay trong BV. Trong khi đó, BV đông nghịt, tôi chờ từ sáng đến 11giờ nhưng vẫn chưa được chụp. Mong sao sớm có quy định để các BV tin kết quả của nhau. Như vậy thì người dân chúng tôi cũng mới yên tâm khám chữa bệnh ở tuyến dưới, chứ ngay các bác tuyến trên còn “chê” trình độ của tuyến dưới thì trách chi người dân cứ đổ xô lên BV tuyến trên để chữa bệnh, gây quá tải BV.
Chị Nguyễn Ái Huyến, ở phố Vĩnh Tuy (Hà Nội): Siết chặt quản lý máy móc xã hội hóa
Tôi rất hoang mang khi đọc những thông tin “5 lần đi xét nghiệm HIV cho kết quả khác nhau”, “Nhân bản xét nghiệm tại BV đa khoa huyện Hoài Đức (Hà Nội)”, nhóm máu O xét nghiệm thành AB... Rõ ràng, công tác quản lý xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh tại các cơ sở y tế còn nhiều bất cập, thiếu sự đầu tư trang thiết bị, nhân lực.
Vẫn biết, với một số bệnh nhất định (cấp cứu, ngoại khoa) cần phải làm chụp chiếu, xét nghiệm nhiều lần nhưng chắc chắn không phải là căn bệnh nào cũng cần phải chụp chiếu, xét nghiệm mỗi khi chuyển viện. Tôi cũng biết, Bộ Y tế đã yêu cầu 3 trung tâm kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm, tăng cường kiểm định kết quả của các phòng xét nghiệm, ban hành Thông tư 01/2013/TT - BYT hướng dẫn thực hiện quản lý chất lượng xét nghiệm tại các BV, nhằm nâng cao chất lượng xét nghiệm, nhưng theo tôi, các biện pháp quản lý như thế là chưa đủ, Bộ Y tế cần sớm ban hành quy định cụ thể về việc các BV cần công nhận kết quả của nhau, đồng thời có những chế tài thật nặng đối với những cơ sở y tế cố tình không công nhận kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh của nhau. Bên cạnh đó, cũng cần quản lý chặt đối với máy móc từ nguồn xã hội hóa vì đó mới là căn nguyên chính dẫn đến tình trạng các cơ sở y tế không tin kết quả của nhau.
Nhóm phóng viên
Bài cuối: “Tuýt còi” việc lạm dụng xét nghiệm