Lấn chiếm vỉa hè, lòng đường ở Hà Nội: Không thể cứ “đánh trống bỏ dùi”

Sau những đợt ra quân rầm rộ, các điểm trông giữ xe tự phát ở nội thành Hà Nội bất chấp lệnh cấm, tiếp tục lấn chiếm vỉa hè, lòng đường lại đang có dấu hiệu bùng phát vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, khi nhu cầu trông giữ phương tiện du xuân của người dân tăng cao.

Mở mắt ra đã thấy vi phạm

Từ năm 2008, Hà Nội đã có chủ trương cấm kinh doanh, buôn bán hàng rong trên 63 tuyến phố và 56 tuyến phố cấm để xe trên vỉa hè. Song, đến nay, lệnh cấm này dường như mất hiệu lực. Càng giáp Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại giao thương, buôn bán của người dân càng tăng cao, khiến đường phố lúc nào cũng trong tình trạng chật cứng, trong khi nhiều tuyến phố hiện nay, người đi bộ phải tràn xuống lòng đường, nên chỉ một va chạm nhỏ là bất cứ đường phố nào cũng có thể tắc nghẽn cục bộ. Lệnh cấm kinh doanh, buôn bán và để xe trên vỉa hè đi kèm biển cấm đang song hành cùng la liệt những hàng quán tấp nập bán mua, các dịch vụ lợi dụng vỉa hè để kinh doanh...

Vỉa hè trên đường Lý Thái Tổ bị chiếm dụng để trông giữ xe máy (ảnh chụp lúc 16 giờ 30 ngày 10/1/2012). Ảnh: Lê Phú


Vỉa hè tuyến phố Chùa Bộc -Thái Hà (Đống Đa) từ sáng đến tối mịt, người đi bộ không còn chỗ để đi bởi các điểm bán quần áo, giày dép, phương tiện của người mua người bán đã lấn chiếm, ken đặc trên vỉa hè, lòng đường. Cả tuyến phố dài đông đúc, nhộn nhịp như một khu chợ. Lưu thông từ xa, nhiều chủ phương tiện đều “ngán ngẩm” quay đầu đi đường khác, kẻo đi vào “nút cổ chai” này thì còn lâu mới tới “đích”.

Hay dọc phố Đê La Thành kéo dài đến Cầu Giấy, tuyến phố vốn đã nổi tiếng về độ chật hẹp và đông đúc, hàng ngày thường xuyên rơi vào cảnh ùn tắc kéo dài, hiện còn trầm trọng hơn bởi tình trạng chiếm dụng vỉa hè làm nơi trông giữ xe, bán hàng. Dọc hai bên đường, các cửa hàng sản phẩm được bày bán tràn lan; nhiều nhà hàng, quán karaoke “quy hoạch” luôn vỉa hè trước mặt làm nơi đỗ xe, khiến người đi đường ai cũng ngạt thở hít khói, bụi trong thời gian chờ giải tắc. Nhiều người đi đường phản ánh, vào giờ tan tầm, để đi hết phố Đê La Thành trung bình cũng phải mất khoảng một tiếng đồng hồ!

Các tuyến phố trong khu phố cổ (Hoàn Kiếm) như: Hàng Lược - Chả Cá - Hàng Cân - Lương Văn Can; Hàng Đào - Hàng Ngang - Hàng Đường - Hàng Giấy... thì từ lâu trước khi Hà Nội có quyết định làm phố đi bộ đã thành phố đi bộ, bất kể thời gian trong ngày. Người dân sinh sống trên những phố này “mở mắt” tỉnh dậy đã thấy tắc đường, điểm trông giữ xe lấn chiếm vỉa hè, lòng đường và hít thở không khí ô nhiễm. Dù là những tuyến phố cấm đỗ xe nhưng không ít ô tô đỗ trên đường giữa ban ngày, khiến cho tuyến đường vốn đã chật hẹp nay càng hẹp hơn, gây khó khăn cho người tham gia giao thông. Thậm chí, tại một số điểm có biển ghi “Tuyến phố văn minh”, tình trạng này cũng diễn ra công khai, vì cạnh những tấm biển đó, người bán hàng vẫn vô tư bày bán trên vỉa hè, lòng đường. Không chỉ dừng đỗ xe dưới vỉa hè, tuyến phố này còn bị người dân chiếm dụng để xe máy, thậm chí trước trạm tin phường, cổng ra vào UBND phường và người đi bộ buộc phải tham gia giao thông cùng các phương tiện khác dưới lòng đường. Điều đáng nói là những vi phạm trên diễn ra cả ngày lẫn đêm nhưng lâu nay không bị cơ quan, lực lượng chức năng nào xử lý hay dẹp bỏ...

Ai cũng biết vỉa hè, lòng đường là nơi để phục vụ cho việc đi lại của người dân, thế nhưng ở Hà Nội, ngoài việc dùng để buôn bán ra nó còn có một mục đích khác là làm… bãi đỗ xe. Những bãi đỗ xe mọc lên nhan nhản trên khắp các tuyến phố trung tâm của Hà Nội (cả được cấp phép và không phép). Có thể điểm mặt các bãi tập kết xe dưới lòng đường "khủng" ở Hà Nội hiện nay như: Các tuyến đường ở khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, tuyến đường ở khu đô thị Nam Trung Yên (Cầu Giấy), tuyến phố Thái Hà-Huỳnh Thúc Kháng (Đống Đa), Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo (quận Hai Bà Trưng)... từ lâu đã được người đi đường nhắc đến như những “điểm đen" vào giờ tan tầm, vì trở thành những "phố trông xe"... Trong khi đó, diện tích đất dành cho giao thông tĩnh tại Hà Nội rất hạn hẹp hiện đang là một nghịch lý giao thông của thủ đô (chỉ khoảng 8% so với hơn 20% trên thế giới) thì việc làm bãi đỗ xe dưới vỉa hè, lòng đường nêu trên lại lấy thêm đi một phần diện tích ít ỏi đó.

Qua thống kê của Công an Hà Nội, 86% điểm trông giữ xe ở thủ đô hiện không có đăng ký kinh doanh, vi phạm niêm yết giá, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường... Đây là nguyên nhân gây mất trật tự ATGT, lộn xộn cảnh quan đô thị và ùn tắc giao thông trên các tuyến phố. Có thể nói, những vi phạm này một phần do trách nhiệm của các cấp chính quyền sở tại chậm hoặc chưa xử lý kiên quyết.

Cấm và không cấp phép...

Theo Công an Hà Nội, 10 quận nội thành hiện nay đang có trên 1.000 điểm trông giữ xe, trong đó hàng trăm điểm trái phép lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tồn tại lâu nay, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được xử lý triệt để và biến thành chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Nguyên nhân là do tính pháp lý để xử lý các vi phạm hiện nay chưa đủ mạnh để ngăn chặn và răn đe. Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các quận, huyện quản lý việc khai thác các điểm trông giữ xe, nhưng chỉ đơn thuần bằng văn bản, chưa có quy chế, quy định chặt chẽ cụ thể. Vì vậy, nhiều trường hợp lực lượng chức năng phát hiện xử lý, nhưng người vi phạm viện dẫn lý do không có quy định hay biển cấm đỗ tại chỗ, nên không xử lý được.

Sở GTVT Hà Nội cho biết, sau khi rà soát mạng lưới điểm đỗ xe, liên ngành Công an – GTVT đã đề xuất với thành phố không cấp phép trông giữ xe tại gần 300 tuyến phố trong 7 quận nội thành. Việc cấm này dựa trên 2 tiêu chí: Với các tuyến phố có mặt cắt ngang nhỏ hơn 7,5 m và vỉa hè có mặt cắt ngang nhỏ hơn 5 m sẽ không cấp phép để trông giữ xe; với các trục giao thông, đường vành đai, tuyến đường hướng tâm có lưu lượng phương tiện giao thông lớn, các điểm đỗ xe, bãi đỗ xe nằm cạnh các ngã ba, ngã tư, các tuyến phố đưa đón đoàn ngoại giao và các khu vực bảo vệ cũng không cấp phép trông giữ xe. Riêng đối với những tuyến phố trong khu vực trung tâm, nếu có nhu cầu đỗ xe lớn cũng chỉ xem xét cho phép khai thác điểm đỗ theo từng đoạn, từng bên.

Thành phố hiện đã yêu cầu Sở GTVT Hà Nội xây dựng lộ trình xóa các điểm đỗ tạm thời trên vỉa hè, lòng đường; tổ chức sắp xếp các điểm đỗ xe hợp lý tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Ðình, Ðống Ða, Hai Bà Trưng, Tây Hồ..., đợt một triển khai từ ngày 1/2/2012, trong đó, các quận có nhiệm vụ tăng cường giám sát quản lý trật tự hè, đường thuộc địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kiên quyết không để tình trạng lấn chiếm hè, đường kinh doanh buôn bán.

Để chấn chỉnh, siết chặt lại tình trạng dừng đỗ xe trên vỉa hè, lòng đường, nhất là dịp giáp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, thành phố hiện đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã hiện nay không cấp phép cho ô tô đỗ trên vỉa hè, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm về điểm trông giữ xe trên hè phố. Lực lượng liên ngành cơ sở tăng cường các biện pháp đảm bảo trật tự ATGT bằng các biện pháp xử lý vi phạm giao thông theo chuyên đề, phân luồng phương tiện, điều chỉnh những bất hợp lý về tổ chức giao thông và các điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc, rà soát, xử lý kiên quyết các điểm đỗ xe dưới lòng đường. Riêng các đơn vị được cấp phép phải dành ít nhất 1,5 m vỉa hè cho người đi bộ. Tuy nhiên, giải pháp này hiện nay theo ý kiến của các chuyên gia giao thông Hà Nội cần phải được thực hiện nghiêm minh từ các cấp chính quyền sở tại.

Tập trung xử lý các điểm trông giữ xe vi phạm

Thượng tá Cao Thắng, Phó Chánh văn phòng Công an TP Hà Nội cho biết: Để có tác dụng răn đe các điểm trông giữ xe vi phạm, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, các cơ quan hữu quan ngoài việc tăng cường kiểm tra, cần kiên quyết đình chỉ các điểm trông giữ xe vi phạm, rút giấy phép đã cấp. Đối với các điểm trông giữ phương tiện không có đăng ký kinh doanh, sử dụng quá diện tích cấp phép, không thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước, nếu bị phát hiện cần phải truy thu thuế theo đúng quy định, nếu phát hiện có sai phạm nghiêm trọng, đủ căn cứ có thể chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự.

Cần xác định rõ vai trò quản lý nhà nước đối với vỉa hè, lòng đường

Đại tá, PGS-TS Nguyễn Đức Bình, Phó Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân cho biết: Để giải bài toán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường hiện nay cần phải xác định rõ vai trò quản lý nhà nước đối với vỉa hè, lòng đường. Hiện nay, Sở GTVT thành phố có nhiệm vụ tổ chức giao thông ở lòng đường, vỉa hè các tuyến phố, còn việc quản lý hoạt động ở vỉa hè lại do thành phố quyết định. Trên thực tế, thành phố đã giao cho cấp quận quản lý và cấp phép sử dụng, nên cấp quận vừa có trách nhiệm giữ trật tự đô thị, vừa được giao nhiệm vụ thu thuế kinh doanh trên phần diện tích cấp phép sử dụng. Từ đó đã tạo ra mâu thuẫn, mâu thuẫn ở chỗ muốn người dân đóng thuế trên vỉa hè thì phải để họ kinh doanh, mà kinh doanh thì lấn chiếm vỉa hè.

Thiết lập trật tự kỷ cương giao thông

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: Năm 2012 được xác định là "Năm ATGT” với chủ đề "Thiết lập trật tự kỷ cương giao thông", Sở GTVT đã đặt mục tiêu tạo thói quen chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho người tham gia giao thông, trong đó tập trung giải pháp quản lý chặt chẽ vỉa hè, lòng đường, hành lang ATGT.



Nguyễn Tiến

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN