Làm bạn với bệnh nhân tâm thần

Là tiến sĩ đầu ngành của Việt Nam về trầm cảm học, tiến sĩ, bác sĩ cao cấp, Thầy thuốc ưu tú Tô Thanh Phương, Trưởng khoa Cấp tính nữ, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 (Thường Tín, Hà Nội) đã có gần 30 năm gắn bó với các bệnh nhân tâm thần học. Không phải lúc nào công việc cũng suôn sẻ, nghề bác sĩ tâm thần cũng vất vả hơn rất nhiều các lĩnh vực khác, nhưng chưa bao giờ TS Tô Thanh Phương có ý định rời xa những bệnh nhân của mình...

 

Tiến sĩ Tô Thanh Phương thăm khám cho bệnh nhân.


Sinh năm 1959, tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 1982, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự (năm 1985), năm 1986 bác sĩ (BS) Tô Thanh Phương được phân công về Bệnh viện (BV) Tâm thần Trung ương. BS Phương chia sẻ: “Đó là thời điểm đất nước đang chuyển mình. Đời sống của các y bác sĩ lúc đó vốn đã gặp rất nhiều vất vả, với các bác sĩ tâm thần càng vất vả hơn, khiến không ít người đã từ bỏ nghề bởi không chịu nổi những khó khăn, áp lực. Bản thân tôi cũng có không ít cơ hội để chuyển sang làm những công việc khác nhàn hạ, thu nhập cao; tuy nhiên tôi vẫn quyết tâm “bám nghề”, bởi từ khi chọn chuyên ngành này, tôi đã tâm niệm: Đã theo nghề thì phải yêu lấy nghề”.


Từ khi về công tác tại BV Tâm thần TƯ 1 đến nay, BS Tô Thanh Phương được điều động tới nhiều khoa, phòng khác nhau, nhưng theo đánh giá của đại diện lãnh đạo BV, dù ở cương vị nào, ông cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, luôn là tấm gương sáng để đồng nghiệp và học trò noi theo.
Dù rất vững về chuyên môn, nhưng BS Tô Thanh Phương vẫn luôn học hỏi đồng nghiệp, đồng thời tự học thêm ngoại ngữ để cập nhật những kiến thức y khoa tiến bộ. Ngoài việc làm tốt công tác chuyên môn, BS Phương còn tham gia giảng dạy, đào tạo bác sĩ ngành tâm thần tại bệnh viện và tuyến dưới...


“Từ tháng 3/2012, tôi được phân công phụ trách Khoa Cấp tính nữ, một khoa mới thành lập chuyên điều trị các bệnh nhân nữ mắc bệnh nặng, kích động, dễ có hành vi tự sát... Mọi cán bộ, nhân viên trong khoa đã rất nỗ lực để khám chữa bệnh tận tình chu đáo, nhờ vậy, đã phát hiện và xử trí kịp thời nhiều bệnh nhân trầm cảm nặng có ý định và hành vi tự sát”, BS Phương chia sẻ.


Theo BS Tô Thanh Phương, điều mà ông rất trăn trở là hiện nay, cuộc sống hiện đại với những áp lực ngày càng lớn, khiến số lượng bệnh nhân trầm cảm có xu hướng ngày một tăng. Bệnh trầm cảm có thể làm bệnh nhân thấy chán sống và có ý định tự tử; thế nhưng hiện tại, nhiều người dân vẫn rất thờ ơ, xem nhẹ căn bệnh này. Trách nhiệm của các BS chuyên ngành tâm thần vì vậy ngày một nặng nề hơn, là phải tuyên truyền để giúp người dân có thể sớm phát hiện và điều trị được bệnh trầm cảm, tránh những hậu quả đáng tiếc.


Là bác sĩ đầu ngành về trầm cảm, thời gian qua, không biết bao nhiêu lượt bệnh nhân đã được bác sĩ Phương tận tình cứu chữa. Mới đây nhất là trường hợp một nữ sinh cấp 3 tên Thanh (Hà Nội). Thanh phát bệnh với những biểu hiện như mệt mỏi, tê toàn thân, nôn, phải đi cấp cứu không dưới 10 lần. Gia đình đưa cô bé chạy chữa khắp các bệnh viện lớn, nhỏ. Suốt một năm ròng chạy chữa không khỏi, nghe lời thầy cúng, người nhà đưa Thanh lên chùa. Bệnh của Thanh trở nên trầm trọng, cô bé đã cắn nát môi, tuyệt thực 1 tuần liền, tưởng không sống nổi. Thanh được đưa về cấp cứu ở Viện quân y 103, sau đó được chuyển về BV Tâm thần Trung ương 1. Phát hiện đây là ca trầm cảm nặng, bác sĩ Phương đã trực tiếp điều trị cho Thanh. Nhờ điều trị đúng hướng, hiện tại Thanh đã khỏi bệnh và được xuất viện trong tình trạng sức khỏe ổn định.


Đề cập đến vấn nạn phong bì và những vụ việc liên quan đến y đức khiến dư luận bức xúc, bác sĩ Phương chia sẻ: “Xã hội hãy nhìn cán bộ ngành y với cái nhìn toàn diện, thiện cảm hơn. Ở khắp mọi miền Tổ quốc, vẫn còn rất nhiều cán bộ y tế đang nỗ lực ngày đêm để cứu sống người bệnh. Những bác sĩ làm việc trong chuyên ngành đặc biệt như tâm thần cũng vậy. Bệnh tâm thần là bệnh mạn tính, phải điều trị liên tục kéo dài khiến gia đình bệnh nhân khánh kiệt, thậm chí rất nhiều người bệnh lang thang, cơ nhỡ... nên chúng tôi luôn đến với bệnh nhân bằng tất cả tình thương và trách nhiệm của một người bác sĩ. Đồng thời, chúng tôi phải tìm mọi cách để có thể chia sẻ, an ủi bệnh nhân như một người bạn, một người thân để hiệu quả điều trị có thể đạt được kết quả mong đợi”.


Bác sĩ Tô Thanh Phương cũng chia sẻ, những năm gần đây ngành tâm thần đã có bước phát triển hơn: Cơ sở vật chất hiện đại, thuốc men tốt, trình độ, tay nghề của đội ngũ y, BS ngày càng được nâng cao, riêng Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 đã có 7 tiến sĩ, 4 nghiên cứu sinh. Mong mỏi lớn nhất của ông cũng như đồng nghiệp là sẽ có nhiều bạn trẻ yêu và lựa chọn theo học ngành tâm thần để ngành tâm thần nước nhà có đội ngũ tiếp bước trẻ trung, vững vàng chèo lái.


Bài và ảnh: Hà Liên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN