Tàu đang đưa bệnh nhân về bờ. Thuyền trưởng đề nghị cứu nạn khẩn cấp.
Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn yêu cầu Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam duy trì liên lạc với tàu cá, kết nối, tư vấn y tế cho tàu, hướng dẫn tàu chạy về Đà Nẵng để cấp cứu bệnh nhân; điều tàu SAR đi cứu nạn ngư dân tàu cá trên.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Bộ Tham mưu Bộ đội Biên phòng chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp cứu nạn, cấp cứu bệnh nhân khi tàu về bờ. Lúc 8 giờ 30 phút ngày 23/3, tàu SAR 412 và kíp bác sỹ Trung tâm 115 sẽ xuất phát đi đón và cấp cứu bệnh nhân. Dự kiến 22 giờ 30 phút cùng ngày sẽ tiếp cận tàu gặp sự cố.
Lúc 15 giờ 02 phút ngày 22/3, tại vị trí cách phía Tây Bắc đảo Trường Sa, quần đảo Trường Sa khoảng 74 hải lý, tàu cá KH 95758TS (trên tàu có 5 ngư dân) bị hỏng máy, thả trôi. Thuyền trưởng tàu yêu cầu hỗ trợ.
Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn yêu cầu Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam duy trì liên lạc với tàu, phát thông báo cho các phương tiện hàng hải qua khu vực biết để có biện pháp hỗ trợ.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa, Bộ Tham mưu Bộ đội Biên phòng chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với gia đình chủ tàu thông báo huy động các phương tiện cùng tổ, các phương tiện hoạt động gần biết để có biện pháp hỗ trợ cứu kéo. Hải quân, Cảnh sát biển thông báo cho các tàu của đơn vị hoạt động trên biển biết để có biện pháp hỗ trợ tàu gặp sự cố.
Trước đó, lúc 17 giờ ngày 18/3, tại vị trí cách phía Tây Nam đảo Bạch Long Vĩ, thành phố Hải Phòng khoảng 24 hải lý, tàu cá NA 97859 TS có 9 ngư dân bị hỏng hộp số, thả neo. Thuyền trưởng đề nghị trợ giúp. Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn yêu cầu các đơn vị chức năng có biện pháp hỗ trợ tàu. Đến 14 giờ 46 phút ngày 22/3, tàu cá NA 90640 TS cùng tổ đội đã tiếp cận lai kéo tàu bị sự cố về bờ.
*Theo phóng viên TTXVN tại tỉnh Điện Biên, khoảng 15 giờ 30 phút ngày 22/3, trên địa bàn một số xã thuộc huyện Điện Biên và huyện Mường Ảng (tỉnh Điện Biên) đã xuất hiện giông lốc, kèm theo mưa đá.
Tại xã Hua Thanh, huyện Điện Biên, hạt mưa đá có đường kính khoảng 1-1,2cm với mật độ khá dày đã làm hư hỏng một số nhà mái tôn, nhiều diện tích hoa màu, cây cối cũng bị hư hỏng. Mưa đá còn xuất hiện tại các xã Thanh Nưa, Mường Phăng (huyện Điện Biên) và một số xã thuộc huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên. Hiện chưa có thống kê thiệt hại.
Trước đó đêm 17, rạng sáng 18/3, mưa đá và dông lốc cũng đã gây thiệt hại nghiêm trọng tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Phú Thọ, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Sơn La, Hà Giang.
Trước tình hình trên, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế thông tin kịp thời đến người dân, cộng đồng để chủ động các biện pháp ứng phó phù hợp.
Các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên thông tin kịp thời cho người dân, chủ động sẵn sàng các biện pháp ứng phó với hạn hán.
Các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục triển khai các phương án ứng phó với xâm nhập mặn và chủ động lấy nước ngọt phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.