Kinh nghiệm từ Phần Lan trong phục hồi nguồn nước dưới đất

Ngày 11/12, tại Hà Nội, Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm về quản lý bổ cập nước dưới đất”.

Chú thích ảnh
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước Ngô Mạnh Hà phát biểu khai mạc hội thảo.

Chia sẻ tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước Ngô Mạnh Hà cho biết, thời gian qua, sự phát triển kinh tế - xã hội dẫn đến việc khai thác nước dưới đất gia tăng, trong khi quá trình đô thị hóa lại dẫn đến bê tông hóa bề mặt, làm giảm việc thấm, ngấm từ nước mưa, nước mặt cho nước dưới đất, từ đó, dẫn đến suy giảm mực nước, suy thoái tầng chứa nước dưới đất. Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều khu vực đô thị đã xuất hiện dấu hiệu suy thoái các tầng chứa nước dưới đất.

Với truyền thống hợp tác về ngành nước giữa Việt Nam và Phần Lan trong nhiều năm qua, Hội thảo là cơ hội để các bên cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về quản lý tài nguyên nước dưới đất của hai nước; đặc biệt trong bối cảnh Luật Tài nguyên nước 2023 vừa được ban hành và đi vào hiệu lực từ ngày 1/7/2024 đã có các quy định về bảo vệ tài nguyên nước dưới đất và bổ cập nhân tạo nước dưới đất nhằm phục hồi nguồn nước dưới đất tại những khu vực bị suy thoái, cạn kiệt trong bối cảnh nguồn tài nguyên nước ở Việt Nam được nhận định “quá thừa, quá thiếu và quá bẩn”.

Chú thích ảnh
Bà Maija Seppala, Tham tán chính sách phát triển, Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam phát biểu.

Chia sẻ một số kinh nghiệm về quản lý tài nguyên nước ngầm của Phần Lan, bà Maija Seppala, Tham tán chính sách phát triển, Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam cho biết, Phần Lan đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc quản lý tài nguyên nước ngầm với việc thiết lập một khuôn khổ quản lý nước ngầm, được coi là một trong những khuôn khổ toàn diện nhất trên thế giới. Theo đó, Phần Lan thiết lập mạng lưới giám sát nước ngầm để theo dõi chất lượng và số lượng nước, phát hiện xu hướng về mực nước, ô nhiễm và cạn kiệt. Việc giám sát giúp đảm bảo các vấn đề về nước ngầm như ô nhiễm hoặc khai thác quá mức, đều được xác định sớm và giải quyết kịp thời.

Tổng quan về Luật Tài nguyên nước 2023 tại Việt Nam, ông Phạm Văn Tuấn, Chuyên viên Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, Luật Tài nguyên nước năm 2023 quy định, việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất phải căn cứ vào kết quả đánh giá sự phù hợp về chất lượng, số lượng, khả năng giữ và trữ nước của tầng chứa nước dưới đất; nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên nước và yêu cầu bảo vệ nước dưới đất; đánh giá tác động kinh tế - xã hội và môi trường của việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất.

Bên cạnh đó, Luật đã quy định chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân nghiên cứu giải pháp và thực hiện việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất; ưu tiên đầu tư, xây dựng các công trình tích trữ nước kết hợp bổ sung nhân tạo nước dưới đất ở hải đảo, vùng khan hiếm nước và các khu vực có mực nước dưới đất bị suy giảm liên tục và có nguy cơ vượt ngưỡng khai thác.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội thảo. 

Chia sẻ các nghiên cứu điển hình ở Đồng bằng sông Cửu Long từ Chương trình “Đối tác vì nguồn nước”, bà Maria Mäkinen, Trung tâm Phát triển Kinh tế, Giao thông và Môi trường Tây Nam Phần Lan cho biết, ở Phần Lan, hơn 65% nguồn cung cấp nước của thành phố phụ thuộc vào nước ngầm và hơn 15% trong số này dựa trên Cơ chế bổ sung nước ngầm được quản lý (MAR).

Dưới tác động của nhiều yếu tố như: Biến đổi khí hậu (mùa khô kéo dài) và sự phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ, nguồn nước tại đô thị Đồng bằng sông Cửu Long đang ngày càng thiếu hụt. Để sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, các địa phương vùng này cần nghiên cứu, xây dựng bản đồ về tính chất đất đai của từng vùng đất, khu vực cụ thể của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cùng với đó, nghiên cứu khả thi Cơ chế bổ sung nước ngầm được quản lý nhằm đảm bảo đủ nguồn nước ngọt, tăng cường chuẩn bị ứng phó với tình trạng thiếu nước và đảm bảo chất lượng nước tốt ngay cả trong mùa khô. Từ đó, có kế hoạch phân bổ nguồn nước, cách thức trữ nước, tưới tiêu hiệu quả, phù hợp với từng vùng đất, phục vụ sản xuất và sinh kế của người dân.

Tại Hội thảo, các chuyên gia Phần Lan cũng chia sẻ kinh nghiệm từ các dự án bổ cập nước ngầm đã và đang triển khai tại Việt Nam như triển khai các hệ thống trữ nước và phục hồi trong tầng chứa nước (ASR)… từ đó sẽ định hướng, áp dụng rộng rãi tại Việt Nam về các quy định về quản lý nước ngầm và bổ cập nhân tạo tiên tiến trên thế giới.

Tin, ảnh: Diệu Thúy (TTXVN)
Công bố Kịch bản nguồn nước (lần đầu) trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình
Công bố Kịch bản nguồn nước (lần đầu) trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Quyết định số 3776/QĐ-BTNMT về việc công bố Kịch bản nguồn nước (lần đầu) trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN