Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, mở rộng cơ hội tiếp cận việc làm cho người lao động, không chỉ với lao động có trình độ cao mà đối với cả lao động phổ thông là một đòi hỏi cấp thiết.
Trường Cao đẳng Nghề Việt - Đức (Vĩnh Phúc) là nơi đào tạo bồi dưỡng công nhân kỹ thuật có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực hiện nay. Ảnh: Vũ Sinh- TTXVN |
Theo báo cáo của Chính phủ, trong 5 tháng đầu năm, công tác an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm thông qua việc thực hiện các chính sách: hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn, lao động bị mất việc làm, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp... Tuy nhiên, số lao động có việc làm vẫn còn thấp. 5 tháng đầu năm, cả nước tạo việc làm mới cho hơn 600.000 lao động, trong đó, trên 32.000 người đi làm việc ở nước ngoài.
Tháng 5, cả nước có trên 31.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, nhưng cũng có tới 23.200 doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động. Doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khoảng 95% tổng số doanh nghiệp, hiện phải đang trải qua thời kỳ khó khăn. Để tạo thêm cơ hội việc làm cho người lao động, việc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa chính là giải bài toán từ gốc.
Bên cạnh đó, một chính sách khuyến khích doanh nghiệp trong nước, các tập đoàn kinh tế nước ngoài hoạt động tại Việt Nam tham gia đào tạo nghề cũng là một giải pháp đang được tính đến. Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Ngọc Phi, việc đào tạo nguồn nhân lực theo mô hình hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà nước trong thời gian qua đã có những thành công nhất định. Nếu có chính sách hỗ trợ tốt, doanh nghiệp sẽ chủ động tham gia vào quá trình đào tạo. Khi đó, khâu giải quyết việc làm cho người lao động cũng sẽ được đảm bảo, vì không còn tình trạng thất nghiệp do đào tạo không đúng chuẩn, không đúng nhu cầu xã hội. Doanh nghiệp cũng không còn lo thiếu nhân lực có tay nghề.
Trong bối cảnh đất nông nghiệp bị thu hẹp, việc hỗ trợ lao động nông thôn tìm kiếm việc làm cũng là bài toán cần giải quyết. Theo TS Nguyễn Thị Lan Hương, cần chuyển dịch lao động nông nghiệp sang lao động phi nông nghiệp, kết hợp với dạy nghề cho lao động nông thôn.
Một hướng đi khác là chú trọng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Dự báo, đến năm 2015, Việt Nam có khoảng 45 vạn lao động ra nước ngoài làm việc; đến năm 2020, con số này sẽ là 68 vạn. Tuy nhiên, một hạn chế hiện nay là lao động xuất khẩu của chúng ta chủ yếu là lao động “thô”, trình độ thấp nên chỉ đến được với những thị trường trả mức lương thấp. Tới đây, Bộ LĐ-TB&XH, sẽ có chương trình đào tạo nghề dành cho các đối tượng lao động chất lượng cao có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài.
Để cải thiện khả năng tiếp cận cơ hội việc làm của người lao động, theo nhiều chuyên gia lao động, các giải pháp nêu trên cần đồng hành với việc phát triển tốt hệ thống dịch vụ lao động, gồm: hệ thống thông tin lao động, dịch vụ giới thiệu việc làm, mở rộng diện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
Mạnh Minh