Sau cuộc thỏa thuận chả có gì thú vị, tay lái với nước da đen như đồng hun có tên cúng cơm là Cà Văn Tấng, cười vang cả khúc sông, bảo: “Anh thông cảm, ứng trước cho đây vài chục nghìn để lấy may”. Tôi lẳng lặng móc túi, và chỉ chờ có thế, Tấng nói như ra lệnh: “Ngồi xuống, bám chặt vào. Mùa này nước cạn nên không cần phao cứu sinh”. Nghe mà khiếp, như vậy có nghĩa mùa nước lớn thì hay lật thuyền, lật thuyền mới cần phao cứu sinh?
Dòng sông ai đã đặt tên…
Quả thực bây giờ đang là mùa cạn, đò ngược sông Đà không nguy hiểm lắm. Sau vài phút dạo đầu lấy đà, chiếc xuồng máy 40 mã lực đột ngột tăng tốc, bỏ lại sau lưng nơi hợp lưu ngã ba sông thị xã Mường Lay, mặc cho muôn vàn con sóng như cố tình giằng chiếc xuồng lại. Những ngày này, hai bên bờ sông Đà thỉnh thoảng xuất hiện những cây đào rừng cánh hoa trắng hồng, như soi mình làm dáng cho dòng sông vốn đã mang nhiều câu chuyện tình lãng mạn.
Sông Đà đoạn chảy qua huyện Mường Lay. |
Trong số ba dòng thủy lưu chính góp phần quyết định làm nên vùng đất Tây Bắc, thì sông Đà là dòng sông có vai trò đặc biệt quan trọng, thi vị nhưng cũng đầy hiểm trở và bí ẩn. Một con sông đã và đang là “điểm đến” hấp dẫn với các nhà điện năng, lâm nghiệp, địa chất, khí tượng thủy văn và cả những người thợ lâm tràng vất vả, cánh đào đãi vàng sa khoáng với những tai nạn rủi ro không thể lường trước...
Bản tính sông Đà là thế, vào mùa cạn nó hiền như một kiều nữ chưa chồng, nhưng khi thủy chế thay đổi thì dòng sông chỗ nào cũng như một thạch trận với thiên la địa võng đang rình rập. Với bà con các dân tộc thì dòng sông chính là “dòng đời”, gắn liền với vui buồn đời họ, gắn với bát cơm, tấm áo cho dù đó là bát cơm tấm áo đánh đổi bằng sự nhọc nhằn, và nhiều khi bằng cả mạng sống mong manh. Trăm ngàn những cuộc mưu sinh treo trên các lèn đá, mài mòn các doi cát và như tay chèo Cà Văn Tấng thì phó thác vào sự may rủi, nơi các con sóng bạc đầu vừa kiêu hãnh lại vừa thách đố. Có người bảo con sông Đà biết vui buồn và giận dữ, biết hiến dâng và cả biết cách trừng phạt, đó là lúc dòng sông quăng quật qua 73 con thác dữ có tên và mấy trăm ghềnh thác không tên...
Từ biên giới Việt - Trung, điểm đầu tiên sông Đà đổ vào nước ta, đó là núi Ma Su trên bình đồ 1.500m (thuộc xã Mù Cả, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu). Nơi đây có Trạm Kiểm soát Kẻng Mỏ đầu nguồn sông Đà, thuộc Đồn Biên phòng 315 Mù Cả (Bộ Chỉ huy Biên phòng Lai Châu); có bản Xi Nế của người Hà Nhì nằm nghiêng nghiêng bên những vạt hoa dã quỳ vàng rực biên cương. Ngay ở cái thác thứ nhất này, sông Đà đã mang theo “thông điệp” cảnh báo về sự hiểm nguy thường trực. Theo tiếng Quan Hoả, Kẻng Mỏ tức là “mất chảo”.
Những bãi đá dọc lòng sông Đà. |
Chuyện kể rằng, xưa thổ dân vùng giáp biên Vân Nam (Trung Quốc) thường xuôi thuyền theo sông Đà mang chảo gang sang bán cho dân ta. Có vô vàn chuyến thuyền bị lật ở con thác này, dìm xuống dòng Đà Giang không biết bao nhiêu mạng người cùng chảo gang mà kể. Con thác vì thế mang tục danh Kẻng Mỏ, một cái tên đọc lên nghe có âm thanh leng keng tiếng kim loại bên tai. Lách qua một cách khéo léo và ngạo nghễ giữa hai khe núi hẹp, một bên là ngọn Ka Lăng cao 1.799m và bên kia là dãy Ma Su cao 1.609m, sông Đà chảy vào Việt Nam theo hướng tây bắc - đông nam. Bất giác tôi nhớ chi tiết lịch sử đời nhà Trần (1225 - 1400), lúc nước ta chia làm 15 lộ thì sông Đà có vinh quang được đặt cho lộ Đà Giang.
Sông Đà còn gọi là sông Bờ hay Đà Giang, là phụ lưu lớn nhất của sông Hồng, có chiều dài 927km (có tài liệu ghi 983km- PV). Đoạn ở Trung Quốc sông Đà có tên là Lý Tiên Giang, do hai nhánh Bả Biên Giang và A Mặc Giang hợp nguồn, dài 400km khởi thủy từ núi Nguy Bảo ở huyện tự trị người Di - Hồi và núi Nguy Sơn phía nam châu tự trị dân tộc Bạch Đại Lý, chảy qua Phổ Nhị tới biên giới Việt - Trung. Đoạn ở Việt Nam dài 527km (có tài liệu ghi 543km), mang theo sự sống nối đời như một định mệnh của khoảng hơn 2,2 triệu cư dân dọc hai bên dòng sông. Từ điểm đầu trên biên giới Việt Nam - Trung Quốc tại huyện Mường Tè (Lai Châu), sông Đà chảy qua các tỉnh Tây Bắc - Việt Nam là Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình và tỉnh cuối cùng là Phú Thọ với điểm ngã ba Hồng Đà, thuộc huyện Tam Nông.
Khúc độc hành bi tráng
Trong số rất nhiều tên gọi: Black River (Anh), Rivière Noire (Pháp), Ly Tiên Giang (Hán), Hồng Đà (Nôm), Nậm Tè (Thái) và sông Đà (Việt)... thì sông Đà là cái tên ấn tượng và gợi cảm nhất, được nhiều người biết nhất. Với diện tích lưu vực 52.900km2, sông Đà cung cấp 31% lượng nước và là chi lưu lớn nhất của hệ thống sông Hồng. Căn cứ vào lưu tốc dòng chảy, sông Đà được các nhà nghiên cứu xếp vào loại hung dữ bậc nhất ở Đông Dương, là “thủ phạm” chính gây nên 50% lũ lụt sông Hồng. Tuy nhiên trong vài mươi năm qua, công cuộc điện khí hóa của Đảng ta đã đưa “con sông hung dữ bậc nhất” trở thành “đệ nhất dòng sông ánh sáng”, với nguồn thủy điện vô cùng vô tận.
Sau công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình năm 1994 với 8 tổ máy, tổng công suất 1.920 MW, sáng 2/12/2005, tại bản Pá Vinh (xã Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La), Thủ tướng Phan Văn Khải đã chính thức phát lệnh khởi công công trình Thủy điện Sơn La. Công trình có cốt xây dựng 215 mét, mức nước gia cường ứng với tần suất lũ 0,01% (tức với con lũ 1.000 năm mới xuất hiện 1 lần); dung tích hồ chứa 9,26 tỉ m3, tổng vốn đầu tư tạm tính là 42.476,9 tỉ đồng, gồm 6 tổ máy với tổng công suất 2.400 MW, điện năng bình quân hàng năm đạt 9,429 tỉ - 10,2 tỉ KWh. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt dự án xây dựng công trình Thủy điện Lai Châu, đặt tại bản Nậm Nhùn, xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè. Thủy điện Lai Châu là bậc thang trên cùng của sông Đà, có nhiệm vụ bổ sung nguồn điện cho hệ thống điện quốc gia, phục vụ cho việc phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước cũng như hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên, với lượng điện bình quân hàng năm đạt 4.704 triệu KWh.
Để xây dựng Thủy điện Lai Châu, Chính phủ đầu tư mở tuyến đường hữu ngạn sông Đà với chiều dài 120km, tách Mường Tè thành hai huyện và chuyển đổi mô hình sản xuất cho các hộ dân, từ trồng cây lương thực sang trồng cây công nghiệp (cao su). Theo tính toán của các chuyên gia, dự kiến thời gian xây dựng Thủy điện Lai Châu hết 9 năm (kể cả thời gian chuẩn bị); công trình đã chính thức khởi công xây dựng vào tháng 1/2011, hoàn thành bàn giao đưa vào khai thác năm 2017.
Còn bây giờ, mời bạn hãy ung dung thả bến Đà Giang (khu Đồi Cao, thị xã Mường Lay) để chúng ta thưởng ngoạn một khúc thượng nguồn bi tráng với cảnh sắc trữ tình của vùng sơn khê cẩm tú. Nơi đây rất nhiều công trình tầm cỡ quốc gia (thuộc dự án tái định cư Thủy điện Sơn La) đang hiện lên từng ngày qua nắng, qua gió, qua cái mênh mang đằm thắm và dữ dằn cố hữu của dòng sông từng có tên trong chính sử nước nhà. Trong dư ba Đà Giang, ta nghe đâu đây ý thơ cảm khái của Thái tổ Cao hoàng Lê Lợi trên đường chinh phạt Mường Lễ: “Khắc lên vách đá bài thơ / Trong lần đi giữ cõi bờ miền Tây”...
Linh Sơn