Không gian Nga giữa lòng thành phố Biển

Ở Vũng Tàu có một làng Nga giữa lòng thành phố. Đó là nơi sinh sống học tập và công tác của các gia đình công nhân Nga. Nơi họ ở là 8 dãy nhà 5 tầng (quen gọi là khu 5 tầng) nằm trên đường Nguyễn Văn Trỗi. Những dãy nhà này do nhà nước ta xây dựng có cấu trúc theo kiểu Nga. Trong khuôn viên ấy không chỉ có đầy đủ khu vui chơi, công viên, nhà biểu diễn, quán cà phê, trường học, trạm y tế, khu thể thao... mà còn là nơi gặp gỡ giao lưu giữa người Việt và các bạn Nga yêu dấu.


Những “tổ ấm Nga” thắm tình yêu Việt


Thành phố Vũng Tàu là quê hương thứ hai của nhiều gia đình người Nga trong thời gian họ đến đây làm nhiệm vụ hợp tác quốc tế thăm dò khai thác dầu khí trên thềm lục địa. Những công nhân Nga làm việc ở các giàn khoan chủ yếu là nam giới. Thời gian hợp tác lao động ở đây thường là 7-8 năm, cũng có khi hợp đồng gia hạn dài đến 10 năm. Với thời gian ấy, những chàng trai Nga đã đưa vợ con sang đây sinh sống.


Trung tâm văn hóa và biểu diễn dành cho người Nga ở Vũng Tàu.


Anh Alếch là chủ tịch công đoàn phía Nga cùng vợ là Natasa và hai cậu con trai chọn Vũng Tàu là quê hương thưa hai đã hơn chục năm nay. Gia đình anh sống trong khu tập thể chuyên gia dành riêng cho người Nga. Sau 15 ngày lênh đênh trên tàu khoan hoặc những giếng dầu xa tít ngoài khơi xa, anh lại trở về với tổ ấm của mình cùng vợ và hai con. Anh nói tiếng Việt rất sành sỏi: “Vũng Tàu là quê hương thứ hai của tôi. Điều hạnh phúc nhất của người Nga sinh sống ở đây là tình thân ái của những người bạn Việt. Nhờ các bạn mà tôi có một gia đình hạnh phúc ngay trên đất nước các bạn. Những ngày này, tôi cũng nhớ về đất nước Nga nơi tôi đã sinh ra. Song ở đây cũng có một không gian Nga ở giữa thành phố biển làm lòng tôi ấm cúng hơn”. Rồi anh vỗ tay “khơ ra sô, khơ ra sô”. (tốt, rất tốt).


Lớp học dành cho trẻ em Nga.


Cũng như gia đình anh Alếch, “tổ ấm” của gia đình anh Aicốp (ở dãy B khu 2 dành cho những gia đình Nga Việt - những gia đình vợ Việt chồng Nga, hoặc vợ Nga chồng Việt) là một sự phối cảnh của hai nước Việt - Nga thu nhỏ. Bức tranh điện Kremli và hồ Hoàn Kiếm của thủ đô Hà Nội treo trang trọng giữa phòng khách. Tất cả từ đồ dùng sinh hoạt đều theo phong cách Nga. Vợ anh là chị Nguyễn Thị Huyền.


Chị Huyền trước đây là phiên dịch viên quen và đem lòng yêu chàng trai tóc vàng trong một lần xem nhạc giao hưởng ở rạp Duy Tân thành phố: “Làm vợ anh tóc vàng đẹp trai này em cũng học được nhiều phong cách người Nga. Em thích đồ dùng và cách trang trí của chồng. Gia đình em lúc nào cũng lung linh sắc mầu mang đậm nét Nga để anh ấy có cảm giác sống ở Việt Nam như đang sống ở Tổ quốc mình”- chị Huyền tâm sự. Thấy vợ nói về mình, anh Aicốp vui vẻ làm một tràng tiếng Nga, chị Huyền dịch: “Tôi sinh ra trên một thành phố ở miền Bắc của nước Nga. Tôi rất thích người Việt Nam”.


Thành phố biển dầu luôn níu giữ chân tôi


Những ngày này, ở xí nghiệp Liên doanh dầu khí Vietsopetro số 4 Lê Lợi thành phố Vũng Tàu cờ hoa lộng lẫy đón chào năm mới. Trong khuôn viên tập thể những người Nga sinh sống, nhà nào cũng treo cờ Nga và cờ Tổ quốc Việt Nam. Khu công viên dành cho trẻ em cũng được trang trí hết sức đẹp đẽ. Cũng chăng đèn kết hoa, pháo bông, cây thông... tất cả như một không gian sống động của một nước Nga thu nhỏ tưng bừng trong ngày hội lớn. Anh Alếch tâm sự: “Dù xa nước Nga nửa vòng trái đất, dù không được đến Quảng trường Đỏ trong ngày hội lớn, không được đi dưới tuyết lạnh bên rừng bạch dương, nhưng tôi vẫn thấy ấm lòng. Ở Việt Nam chúng tôi cũng được kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười, được sống lại khoảnh khắc của ngày hội lớn, nhất là được đón Tết truyền thống của người Việt. Sát cánh cùng các bạn Việt nam chúng tôi hạnh phúc lắm. Quê hương thứ hai của những người Nga đang hoạt động trên các giếng dầu là thành phố Vũng Tàu tươi đẹp. Tôi đã chọn thành phố này là nơi sinh sống dù đã hết thời gian hợp tác. Vì thành phố này luôn níu giữ chân tôi”…


Những người bạn Nga đi chợ Việt Nam.


Không chỉ gia đình anh Alếch, gia đình anh Aicốp, mà còn rất nhiều người Nga đang sinh sống ở thành phố Vũng Tàu, họ đều có cảm nhận tình yêu của người Việt dành cho họ trân trọng thân ái, đoàn kết anh em. Tuy ở xa Tổ quốc, nhưng ai cũng hạnh phúc tự hào, vì ở đất nước xa xôi, giữa lòng thành phố biển dầu này, có một không gian Nga gần gũi thân thương, giàu lòng nhân ái và thắm tình yêu Việt.



Bài và ảnh:Mai Thắng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN