Đại tướng Chu Huy Mân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam là nhà chính trị, quân sự tài ba, tấm gương sáng về đạo đức cách mạng.
Đại tướng tên thật là Chu Văn Điều, sinh ngày 17/3/1913, là con thứ 8 trong một gia đình nông dân nghèo thuộc xã Yên Lưu, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên (nay thuộc xã Hưng Hòa, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An).
Hơn 70 năm tuổi Đảng, Đại tướng Chu Huy Mân đã đem hết ý chí, sức lực và trí tuệ của người Cộng sản cống hiến cho Cách mạng Việt Nam, góp công lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Với những cống hiến to lớn đối với dân tộc và những thành tích đặc biệt xuất sắc, Đại tướng Chu Huy Mân được Đảng, Nhà nước trao tặng: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng cùng nhiều huân, huy chương và phần thưởng cao quý khác.
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Đại tướng Chu Huy Mân (17/3/1913 – 17/3/2023) là dịp để ôn lại cuộc đời, thân thế, sự nghiệp và tôn vinh công lao, cống hiến to lớn của Đại tướng đối với cách mạng Việt Nam; ghi nhận những đổi thay trên quê hương của Đại tướng, sự nỗ lực, phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Hưng Hòa nói riêng và thành phố Vinh nói chung trong xây dựng Đảng, phát triển kinh tế.
Tập trung tối đa nguồn lực để phát triển
Ghi nhận tại xã Hưng Hòa hôm nay, những con đường bê tông chạy khắp đường làng, ngõ xóm, ra tận những cánh đồng lúa xanh ngát; những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát. Phát huy truyền thống hào hùng của địa phương, tự hào là quê hương Đại tướng Chu Huy Mân, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Hưng Hòa luôn nỗ lực, phấn đấu xây dựng quê hương vững mạnh về mọi mặt, đời sống kinh tế, văn hóa của người dân ngày càng được nâng lên.
Dẫn chúng tôi đi tham quan các công trình tiêu biểu, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Hòa Dương Xuân Thám phấn khởi cho biết, Hưng Hòa nằm ở phía Đông thành phố Vinh, là địa phương có diện tích lớn (14,53 km2), dân số ít (8.500 nhân khẩu), đời sống kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Năm 2015, xã đã về đích nông thôn mới. Hiện Đảng bộ và nhân dân địa phương đang dồn sức xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, phấn đấu đạt các chỉ tiêu trong năm 2023.
Để đạt được mục tiêu đó, Đảng bộ, chính quyền xã đang tích cực quán triệt, triển khai các nghị quyết đến cán bộ, đảng viên; tạo điều kiện để họ vận dụng vào thực tế phát triển kinh tế địa phương. Cùng với đó, xã nêu cao vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện các chương trình, nhiệm vụ phát triển kinh tế, làm nòng cốt lôi cuốn người dân làm theo, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội.
Với niềm tự hào là quê hương của Đại tướng Chu Huy Mân, xã Hưng Hòa chú trọng công tác giáo dục truyền thống, tuyên truyền về truyền thống cách mạng và khơi dậy, khích lệ khát vọng vươn lên của nhân dân trong giảm nghèo, phát triển kinh tế. Địa phương cũng tận dụng tối đa nguồn lực phát triển kinh tế, làm mới, nâng cấp các tuyến đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa, trường học, trạm y tế đạt chuẩn, tạo diện mạo mới khang trang từ trung tâm xã đến các thôn xóm.
Năm 2022, xã thu ngân sách ước đạt 13,16 tỉ đồng, đạt 114% kế hoạch; tổng giá trị sản xuất đạt 305,1 tỉ đồng, trong đó tổng giá trị sản xuất thủy sản đạt 15,9 tỉ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 47 triệu đồng/người/năm. Số lượng doanh nghiệp và các hộ kinh doanh cá thể tăng lên, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,8%.
Trong phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, cả hệ thống chính trị xã cùng vào cuộc một cách quyết liệt. Định kỳ 15 ngày, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới giao ban một lần để đánh giá, triển khai nhiệm vụ. Xã đã thành lập 2 tổ công tác do hai Phó Chủ tịch xã phụ trách, thường xuyên trực tiếp xuống các thôn, xóm “cầm tay chỉ việc”, tháo dỡ các vướng mắc trong thực hiện các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao. Nhiều người dân đã tự nguyện hiến đất, góp tiền, ngày công để xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương.
Phó Chủ tịch Dương Xuân Thám khẳng định, thuận lợi nhất của địa phương hiện nay là sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và người dân. Đơn cử, năm 2022, các gia đình trên địa bàn đều đồng thuận bàn giao mặt bằng, không phải cưỡng chế trong thực hiện Dự án Khu đô thị và nhà ở xã hội xã Hưng Hòa. Đây là một trong những dự án lớn, đóng góp vào ngân sách thành phố Vinh gần 4.000 tỉ đồng, triển vọng tạo ra diện mới tại địa phương.
“Phát huy tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, huy động tối đa nguồn lực từ con người để phát triển kinh tế-xã hội trở thành cực tăng trưởng phía Đông của thành phố Vinh, đang là mục tiêu của địa phương trong những năm tới. Với quyết tâm cao, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân, xã Hưng Hòa sẽ ngày càng giàu đẹp, văn minh, xứng đáng là quê hương Đại tướng Chu Huy Mân”, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Hòa Dương Xuân Thám khẳng định.
Khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế
Theo quy hoạch đã được phê duyệt, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đang định hướng xây dựng Hưng Hòa trở thành một địa phương dịch vụ, du lịch, sản xuất nông nghiệp hàng hóa giá trị cao, từ đó nâng cao đời sống của nhân dân. Trong tương lai gần, Hưng Hòa sẽ trở thành một xã ven sông đẹp nhất thành phố Vinh, là điểm nối giữa thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò, huyện Nam Đàn, huyện Nghi Lộc, khi thành phố Vinh mở rộng địa giới hành chính.
Thực tế hiện nay, Hưng Hòa là địa phương đã và đang thu hút rất nhiều dự án phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Vinh, trong đó có các dự án phát triển khu đô thị kiểu mẫu. Bên cạnh đó, nguồn lực đất đai trong dân rất lớn đang là lợi thế để xã khai thác tăng giá trị sản xuất, nuôi trồng thủy sản, gia súc, gia cầm; phát triển các làng nghề truyền thống, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP.
Bà Trần Thị Cẩm Tú, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vinh cho biết, thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền xã Hưng Hòa cần tiếp tục giữ vững các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; chú trọng chuyển đổi nghề nghiệp trong nhân dân để thích ứng với tốc độ đô thị hóa. Song song đó, Hưng Hòa tiếp tục khai thác tiềm năng về địa thế, địa hình rất đẹp của vùng đất có giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời ven bờ sông Lam; chú trọng đến việc thu hút các dự án du lịch sinh thái, đặc biệt là hệ sinh thái mặt nước ven sông Lam phong phú, có rừng bần tự nhiên rất đẹp.
Theo bà Trần Thị Cẩm Tú, tự hào là quê hương của Đại tướng Chu Huy Mân cũng đang là động lực, tạo đà cho thành phố Vinh thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện bằng các chương trình hành động mang tính đột phá. Có thể thấy, diện mạo của thành phố Vinh hiện nay là đô thị ngày càng khởi sắc, khang trang, giàu đẹp, văn minh.
Năm 2023, thành phố Vinh đặt mục tiêu thu ngân sách trên 3.900 tỉ đồng, giá trị gia tăng tăng 9-10%, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt 25.000 tỉ đồng, huy động vốn góp của nhân dân xây dựng hệ thống hạ tầng 80 tỉ đồng. Bên cạnh đó, tỷ lệ gia đình văn hóa trên 90%, khối xóm đạt chuẩn văn hóa trên 82%, trường đạt chuẩn quốc gia đạt 93%, lao động được giải quyết việc làm hàng năm là 4.500 người.
Để đạt mục tiêu trên, thành phố Vinh đang chú trọng mở rộng địa giới hành chính theo quy hoạch phê duyệt nhằm phát triển không gian đô thị; huy động tối đa các nguồn lực, thu hút đầu tư để phát triển kinh tế, hạ tầng đô thị, giao thông. Thành phố tập trung các giải pháp, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế, trong đó có kinh tế đêm, trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch xứng tầm.
Bên cạnh đó, thành phố Vinh cũng chú trọng thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh; nâng cao đời sống vật chất và chất lượng đời sống tinh thần cho nhân dân; nâng cao hiệu quả điều hành quản lý nhà nước, kỷ luật, kỷ cương, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính.