Theo đó, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh có 41 xã, phường, thị trấn tại các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân, Tánh Linh, Đức Linh và thành phố Phan Thiết bị thiếu nước sinh hoạt cục bộ, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của 75.918 người.
Nguyên nhân chính xảy ra tình trạng thiếu nước là do tại các xã khu vực nông thôn chưa được đầu tư công trình cấp nước và sử dụng nước sinh hoạt từ các giếng đào, giếng khoan, bể chứa nước mưa. Bên cạnh đó, một số công trình cấp nước sử dụng nguồn nước ngầm và nước mặt trên sông, suối để hoạt động sản xuất nước sạch.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2024 đến nay, do ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao, mực nước ngầm hạ thấp, lượng dòng chảy trên các sông, suối tự nhiên bị cạn kiệt dẫn đến thiếu hụt lượng nước thô phục vụ các công trình cấp nước sử dụng nguồn nước tự nhiên. Đây là nguyên nhân chính gây thiếu nước sinh hoạt cục bộ tại khu vực nông thôn thời gian qua.
Để khắc phục, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo đơn vị khai thác công trình thủy lợi tổ chức kiểm kê nguồn nước tại các hồ chứa và công trình thủy lợi trên địa bàn; tính toán cân bằng nước để tổ chức vận hành, phân phối nước từng công trình bảo đảm tiết kiệm, hợp lý; trong đó, ưu tiên nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho người dân đến 30/6/2024.
Đơn vị, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, cung ứng nước sạch thực hiện phương án cấp nước luân phiên và thông báo cho chính quyền các địa phương, người dân trên địa bàn biết để thực hiện phương án sử dụng nước tiết kiệm trong sinh hoạt và tận dụng nguồn nước tại chỗ phục vụ cho mục đích khác.
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền đến người dân biết về khả năng ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn để sử dụng nước tiết kiệm, chủ động triển khai biện pháp ứng phó, tích, trữ nguồn nước phục vụ sinh hoạt.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo UBND địa phương chủ động sử dụng ngân sách phối hợp với Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn khảo sát, chọn vị trí bố trí các điểm lấy nước phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc lấy nước sinh hoạt.
Theo báo cáo của Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận, tính đến ngày 21/3/2024, lượng nước hữu ích hiện tại các hồ chứa thủy lợi là 115,14/363,55 triệu m3 đạt 31,7% thiết kế, thấp hơn cùng kỳ 38,85 triệu m3. Diện tích đang bị thiệt hại do hạn hán, thiếu nước là 365 ha (chủ yếu là thanh long và rau màu trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam) và diện tích có nguy cơ thiệt hại do hạn hán, thiếu nước là 1.175 ha.
Hiện Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận đang chỉ đạo các chi nhánh, trạm trực thuộc tăng cường quản lý phân phối và sử dụng nguồn nước tiết kiệm (áp dụng phương pháp tưới luân phiên); tiến hành rà soát lại phần diện tích cần tưới; tính toán cân đối nguồn nước, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả, đảm bảo cấp nước tưới cho lúa vụ Đông Xuân, thanh long, nuôi trồng thủy sản và tích trữ nguồn nước phục vụ cấp nước tưới vụ Hè Thu năm 2024.
Theo Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận, hiện nay đa phần hệ thống kênh tưới, kênh tiếp nước là kênh đất, chưa được kiên cố nên thất thoát nước lớn, hiệu quả sử dụng chưa cao. Các hồ chứa có quy mô nhỏ như Tân Lập, Tà Mon, Tân Hà, Lâm trường Sông Dinh, Sông Khán... nên khả năng tích trữ nguồn nước không nhiều.
Hiện nay trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam thiếu nước trầm trọng, hồ Tà Mon đã ngưng tưới từ ngày 3/3 và kênh bắc Ba Bàu dự kiến sẽ ngưng tưới vào ngày 4/4. Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận kiến nghị đẩy nhanh tiến độ xây dựng hồ chứa nước Ka Pét, hồ La Ngà 3 để bổ sung nguồn nước tích trữ phục vụ chống hạn.