Khô hạn hoành hành ở Nam bộ và Tây Nguyên

Hạn hán đang làm hàng trăm ha lúa trơ gốc rạ, hàng ngàn ha cà phê sắp chết vì khát. Nắng nóng và các công trình thủy lợi không đáp ứng được nhu cầu tưới tiêu đã khiến khu vực Tây Nam bộ và Tây Nguyên đang thiếu nước trầm trọng để phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Cánh đồng thành... bãi đất hoang

Tháng 3 hàng năm là thời điểm lúa đang thời kỳ con gái, chuẩn bị bước vào giai đoạn làm đòng, cần có chế độ chăm sóc đặc biệt. Thế nhưng năm nay, toàn bộ diện tích hơn 200 ha của nông dân xã Bình Thắng, huyện Bù Gia Mập (Bình Phước) vẫn là vùng đất trống. Thứ duy nhất còn sót lại nơi đây chỉ là những gốc rạ khô khốc, trắng phếu do nắng hạn.

Nông dân tỉnh Kon Tum ngóng chờ nước để cứu lúa vụ xuân. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN


Ông Huỳnh Tấn Vinh, một cán bộ khuyến nông của xã Bình Thắng đau xót nói: “Vào thời điểm này những năm trước, lúa đang trổ đòng, phủ xanh cả cánh đồng. Nhưng năm nay hầu như không nhà nào gieo cấy gì được, cả đồng lúa rộng mênh mông đều khô khốc, nứt nẻ”.

Không thể gieo cấy được đã đành, một số nông dân đã lỡ xuống giống vụ 3 đến thời điểm này cũng đang dở khóc, dở cười vì chăm sóc tiếp thì quá tốn kém, còn bỏ ngang thì không đành.

Gia đình ông Nguyễn Văn Minh ở ấp 2A cho biết, chỉ vài tháng trước, ao nước nhà ông vẫn còn đầy nên gia đình quyết định xuống giống 6 sào ruộng gần nhà, đến nay lúa đã bắt đầu trổ bông. Mặc dù mấy ngày nay ông đã thuê máy bơm về, bơm cả trăm mét khối nước nhưng mặt ruộng vẫn nứt nẻ thành những rãnh lớn, trong khi nước dự trữ trong ao đã cạn.

“Gia đình tôi có 2,7 ha nhưng năm nay chỉ cấy 6 sào vì thiếu nước. Dù xuống giống ít nhưng vẫn không chăm sóc được, lúa thiếu nước nên bị nghẹn đòng không trổ được, bông có, bông không. Tôi phải bơm nước cách đây mấy trăm mét nhưng giờ nước cũng cạn hết rồi. Số tiền gần 7 triệu đồng đầu tư cho 6 sào lúa sẽ mất trắng”, ông Minh nói.

Tình trạng thiếu nước sản xuất không phải là chuyện hiếm gặp ở vùng đất khó khăn này nhưng năm nay, dù mới chỉ bước sang mùa khô được hơn một tháng mà tình trạng thiếu nước đã trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết.

Không chỉ gieo cấy lúa, hầu hết các cây hoa màu ở đây cũng đang trong thời gian chờ “cấp cứu” mà thời tiết thì ngày càng khắc nghiệt hơn.

Ông Cầm Bá Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thắng cho biết: “Nguyên nhân của tình trạng khô hạn nhanh chóng và kéo dài là do năm ngoái mưa ít, lượng nước dự trữ trong các ao đầm đã cạn kiệt từ lâu, trong khi địa phương lại không có hệ thống thủy lợi để cung cấp nước tưới cho nông dân. Chính quyền cũng đã đề xuất một số giải pháp chống hạn như xây dựng công trình thủy lợi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhưng chưa thể triển khai vì thiếu kinh phí”.

Nhiều cây hồ tiêu chết cháy trong nắng hạn ở xã Lộc Hòa (Bình Phước). Ảnh: Công Phong - TTXVN


Theo tính toán, mỗi ha lúa vụ 3 cho năng suất trung bình khoảng 5 tấn/ha. Với giá lúa khoảng 5.000 đồng/kg như hiện nay thì hơn 200 ha đất trống bị thất thu và bỏ hoang quả là một con số đáng phải lưu tâm, nhất là với một xã thuần nông như Bình Thắng.

Cà phê thiếu nước trầm trọng

Tỉnh Đắk Lắk hiện nay có trên 182.400 ha cà phê, trong đó có 177.000 ha cà phê kinh doanh cho thu hoạch. Hiện nay, các nông hộ, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang bước vào giai đoạn tưới nước đợt 2 cho cà phê, song nhiều hồ đập đã khô cạn. Hơn nữa, các công trình thủy lợi đều không đảm bảo nguồn nước phục vụ thâm canh, phát triển bền vững cây cà phê. Dự báo niên vụ 2011-2012 có nhiều khả năng mất mùa.

Tỉnh Đắk Lắk có nhiều công trình thủy lợi nhưng chưa phát huy hiệu quả là do đầu tư xây dựng không theo quy hoạch thống nhất, thiết kế, thi công chủ yếu dựa vào kinh nghiệm; nhiều công trình xây dựng, khai thác đã lâu nhưng công tác duy tu, bảo dưỡng chưa thực hiện thường xuyên. Phần lớn các công trình phục vụ tưới cho cà phê đã xuống cấp, hư hỏng nặng, bồi lắng nhiều qua các mùa mưa nên không tích trữ đủ được lượng nước theo đúng thiết kế.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, toàn tỉnh có 642 công trình thủy lợi nhưng chỉ mới tưới được 46.163 ha cà phê (chiếm trên 25,3% diện tích cà phê toàn tỉnh). Diện tích cà phê còn lại, các nông hộ, doanh nghiệp phải tận dụng, khai thác tối đa nguồn nước ngầm, sông suối, trong đó nguồn nước ngầm là chủ yếu.

Ngay tại các vùng trọng điểm cà phê của tỉnh như Ea H’Leo, Cư M’Gar, Krông Búk với tổng diện tích gần 80.000 ha nhưng 60 công trình thủy lợi trên địa bàn cũng chỉ tưới được gần 4.500 ha cà phê, diện tích còn lại các nông hộ phải tự khoan, đào giếng hoặc tận dụng nguồn nước suối.

Hiện nay, hàng chục công trình thuỷ lợi, các dòng suối lớn nhỏ của các huyện Cư M’Gar, Ea H’Leo đã khô kiệt, không đủ nguồn nước để tưới cho cà phê...

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2015, tỉnh Đắk Lắk đầu tư sửa chữa, nâng cấp, làm mới thêm 794 công trình thủy lợi, đảm bảo nguồn nước tưới cho 71.038 ha cà phê. Đến năm 2020, tiếp tục đầu tư nâng diện tích tưới cho cây cà phê tăng lên 102.200 ha, diện tích cà phê còn lại cũng phải tưới bằng nước ngầm, nhờ nguồn nước tự nhiên...

Quang Huy - Đậu Tất Thành

Chủ động đối phó với hạn hán, mặn xâm nhập
Chủ động đối phó với hạn hán, mặn xâm nhập

Hạn hán, nước mặn xâm nhập đang gây nên tình trạng thiếu nước ngọt tại đồng bằng sông Cửu Long và khu vực Tây Nguyên. Trong khi đó, mùa mưa năm nay được dự báo đến muộn hơn so với mọi năm, do vậy sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất nông nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN