Khó đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững

Qua gần 4 năm triển khai thực hiện Chương trình 30a ở 62 huyện nghèo, đã cho thấy đạt được những kết quả nhất định. Tỷ lệ hộ nghèo của các huyện giảm từ 4 - 6%/năm. Vùng nông thôn miền núi được đổi thay đáng kể. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đã gặp phải một số bất cập đó là vốn ít, người dân thụ động hoàn toàn trong việc tiếp nhận hỗ trợ và đặc biệt là thiếu tính định hướng.

 

Bài 1: Vốn ít lại khó giải ngân

 

Thiếu vốn và những vướng mắc về quy định là nguyên nhân chính khiến mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững không được như mong đợi.


Vốn ít


Thực hiện Chương trình 30a, mỗi huyện nghèo cần hơn 300 tỷ đồng/năm để triển khai các đầu mục công việc, nhưng thực tế nhiều huyện chỉ nhận được khoảng 30 tỷ đồng.


Do ít vốn, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn chỉ làm từng đoạn.


Từ năm 2009 đến hết năm 2012, tổng số vốn mà huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái được phân bổ khoảng 132 tỷ đồng. Trong đó, vốn sự nghiệp để hỗ trợ phát triển sản xuất chỉ chiếm 30 tỷ đồng, còn lại là vốn đầu tư.


Ông Tráng A Thào, ở xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu cho biết: “Từ trước tới giờ, gia đình tôi chỉ nhận được một lần 25 kg giống ngô Bioxit 96 - 98 và khoảng gần 1 tấn phân đạm để bón cho 1,5 ha diện tích chuyển đổi từ cây lúa nương sang trồng ngô. Hiện nay, tôi không được nhận hỗ trợ nữa”. Như vậy, gia đình anh Thào chỉ nhận được hỗ trợ 1 vụ, còn những vụ tiếp theo đó thì gia đình phải tự túc, nên rất khó đạt chỉ tiêu xóa nghèo nhanh và bền vững.


Bên cạnh đó, vốn đầu tư cho xây dựng cơ bản quá ít khiến hầu hết các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện đều dở dang, manh mún. Một số công trình làm xong cũng phải đợi vốn để trả nợ nhà thầu, làm ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ và chất lượng công trình.


Huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng cũng trong tình trạng tương tự. Ông Nguyễn Ích Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc, cho biết: Trong quá trình thực hiện Chương trình 30a tại huyện, chỉ có 1 - 2 mục tiêu đề ra là đạt được, còn lại đều không đạt chỉ tiêu do vốn hỗ trợ dàn trải và ít. Tổng số vốn hỗ trợ chỉ khoảng 136 tỷ đồng/năm, đạt khoảng 10 - 15% so với đề án.


Khó giải ngân


Không chỉ gặp khó khăn do ít vốn và dàn trải, các huyện 30a hiện nay còn chịu một nghịch cảnh là khó giải ngân do vướng mắc về cơ chế. Theo bà Đỗ Thị Hương, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình 30a huyện Trạm Tấu thì vướng mắc chính từ Thông tư Liên tịch số 10 về hướng dẫn triển khai Nghị quyết 30a. Theo thông tư này, việc triển khai vốn tại các huyện 30a yêu cầu phải thực hiện lồng ghép. Theo đó, nếu một số mục tiêu tại địa phương đã có nguồn vốn từ các chương trình khác như Chương trình 134, Chương trình 135… thì không được phép giải ngân.


Để minh chứng, bà Hương đưa ra ví dụ cụ thể: Đối với vốn sự nghiệp dành cho đào tạo nghề cho lao động nông thôn, theo thông tư hướng dẫn, nếu trên địa bàn đã triển khai đề án dạy nghề 1956 của Chính phủ thì vốn 30a không được phép giải ngân mà phải lồng ghép. Tuy nhiên, từ khi đề án 30a triển khai tại huyện thì vốn 1956 hầu như không còn đầu tư cho bất kỳ hạng mục nào phục vụ cho việc dạy nghề, như: Cơ sở vật chất, mô hình, nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị dạy học… vì huyện Trạm Tấu tưởng rằng những cơ sở vật chất trên sẽ do nguồn vốn 30a thực hiện.


Do đó, đến nay cơ sở vật chất phục vụ cho công tác dạy nghề của huyện Trạm Tấu vẫn là con số không tròn trĩnh và người chịu thiệt không ai khác chính là người dân. Trong khi đó, năm 2012, huyện Trạm Tấu dù chỉ được cấp khoảng 8 tỷ đồng dành cho vốn sự nghiệp nhưng chỉ có thể giải ngân được khoảng 6 tỷ đồng do vướng quy định lồng ghép từ các chương trình như đã nói ở trên.


Tương tự, tại huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, Thông tư Liên tịch số 10 cũng gây khó cho địa phương khi tiến hành giải ngân. Bởi lẽ, theo như hướng dẫn, một số mục tiêu lồng ghép không được giải ngân vốn 30a mà phải bố trí bằng nguồn vốn từ ngân sách địa phương như dạy nghề cho lao động nông thôn hoặc xuất khẩu lao động; hay việc xây dựng các mô hình khuyến nông khuyến lâm... Chính vì vậy, dù vốn đã ít, nhưng để giải ngân được thì quả là bài toán khó đối với nhiều địa phương.



Minh Phúc - Song Mạnh

 

Bài 2: Hỗ trợ cái dân chưa cần

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN